Chợ nổi giữa Sài Gòn

14:22 | 31/10/2017

9,189 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong số những mảnh đời mưu sinh ven dòng kênh Tẻ, không ít hộ dân đã gắn bó với chiếc ghe hết cả nửa đời người. Ngày nắng cũng như ngày mưa, chiếc ghe đối với họ đã trở thành tri kỷ, đến cùng nhau và về cũng cùng nhau.

Khi nhắc đến TP HCM hay cái tên gọi xưa cũ Sài Gòn, du khách thập phương thường hình dung đến những khu chợ sầm uất được “vinh danh” biểu tượng như chợ Bến Thành, chợ Lớn - Bình Tây, chợ Tân Định… Nhưng ít người biết được, nếu muốn cảm nhận những sinh hoạt đời thường trên bến dưới thuyền đậm đà chất miền Tây dân dã ngay tại trung tâm sầm uất, du khách vẫn có thể tìm đến thăm những khu chợ nổi độc đáo và lạ lẫm mà chỉ có dân bản địa mới tỏ tường. Những phiên chợ nổi lặng lẽ hoạt động ngày qua tháng lại ven những con kênh ngoằn ngoèo tỏa khắp Sài Gòn, tạo thành những nét chấm phá cho bức tranh thành phố thêm sinh động.

Chợ nổi Sài Gòn thường gắn liền với tên của các dòng sông, dòng kênh hay các bến đỗ của thương thuyền. Nổi bật là chợ nổi bến Bình Đông (quận 8), bến Phú Định (quận 8) hay chợ nổi kênh Tẻ (tiếp giáp quận 4 và quận 7)… Những khu chợ này không bán những thứ cao lương mỹ vị mà chỉ là những sản vật của miền sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long rất đỗi thân thương, quen thuộc. Ghe này kề sát ghe kia, mua bán, trao đổi những hoa thơm, trái ngọt từ khắp các tỉnh miền Tây đổ về.

cho noi giua sai gon
Mỗi ghe là một loại cây trái đặc trưng của mỗi miền quê

Nét miền Tây giữa lòng đô thị

Chợ nổi kênh Tẻ được xem là chợ đầu mối trái cây vận chuyển bằng đường thủy lớn nhất TP HCM với đủ các loại trái cây như đu đủ, chuối, dừa, mận, nhãn, xoài, măng cụt, bưởi, ổi… Khoảng 4 giờ 30, chợ bắt đầu nhộn nhịp người và phương tiện ra vào lấy hàng. Từng đoàn xe ba gác, xích lô, xe tải, xe đạp đến lấy hàng để chuyển đến các chợ lớn nhỏ trên địa bàn thành phố. Đây còn là địa chỉ để người bán trái cây dạo đến lấy hàng với giá rẻ nhất.

Ông Nguyễn Tấn Mười, chủ ghe Mười là một trong số ít người gắn bó với chợ nổi kênh Tẻ từ những ngày đầu. Trải qua gần 30 năm thương lái, gia đình ông đến nay đã sở hữu 3 chiếc ghe trọng tải lớn chuyên vận chuyển trái cây từ miền Tây lên TP HCM. Thuở bến đò còn hoang sơ, ông đã nghĩ cách chuyển trái cây từ miệt Vĩnh Long lên Sài Gòn tiêu thụ theo kiểu bỏ công lấy lời. Lúc bấy giờ chân ướt chân ráo, khách chưa biết, ông và các con phải mang trái cây đến tận các chợ chào mời. Thời gian sau, có được vài mối lấy hàng số lượng lớn, ông thuê xe ba gác, xích lô đưa đến tận nơi cho khách. Số tiền thu được sau mỗi chuyến vượt sông cứ vậy nhân lên, khách hàng ngày một đông hơn. “Sau nhiều chuyến đi thành công ngoài mong đợi, tôi rủ thêm nhiều người cùng lấy trái cây đi. Khu chợ dần dần tấp nập hơn, cứ mỗi ghe là một loại trái cây khác nhau tạo nên thị trường trái cây phong phú với nhiều chủng loại. Nhờ có cái chợ nổi này mà bà con ở quê có hứng thú, có điều kiện chăm sóc và mở rộng diện tích trồng mới cây ăn trái” - ông Mười phấn khởi nói.

Những phiên chợ nổi lặng lẽ hoạt động ngày qua tháng lại ven những con kênh ngoằn ngoèo tỏa khắp Sài Gòn, tạo thành những nét chấm phá cho bức tranh thành phố thêm sinh động.

Xuôi theo dòng kênh Tẻ xuống đoạn tiếp giáp với cầu Tân Thuận, quận 7, khu chợ nổi thu hẹp lại với quy mô nhỏ hơn. Khu này người ta còn gọi là chợ nổi Tân Thuận hay chợ cầu Hàn. Đây là nơi bám trụ của khoảng trên dưới 30 tiểu thương, đa phần là những gia đình không có đất đai trồng trọt, mua trái cây của nhà vườn miền Tây chuyển lên bán lại kiếm lời.

Tại đây, chúng tôi làm quen được với chị Phạm Thị Bông, quê ở Vĩnh Long. 8 giờ, vợ chồng chị đang tất bật chuyển trái cây từ ghe lên bán cho vài mối khách quen. Chị Bông gắn bó với công việc này ở cái tuổi đôi mươi, đến nay ngót nghét cũng 20 năm. Hằng ngày vẫn từng đó công việc, sáng sớm khi còn mờ sương, chị và chồng đã phải dậy bắt đầu chuyển trái cây ra mặt ghe bày bán, đến tối chưa bán hết lại tất bật chuyển vào.

cho noi giua sai gon
Việc buôn bán, sinh hoạt của dân thương hồ đều gói gọn trong diện tích chật hẹp của chiếc ghe

Chị nói, trái cây ở khu chợ này được các chủ ghe mua và đặt hàng từ các tỉnh miền Tây, trong đó nhiều nhất là từ Vĩnh Long - quê chị, sau đó chuyển lên ghe xuôi theo dòng nước lên Sài Gòn bán. Thông thường, chuối, đu đủ và mít là những loại trái cây được ghe thuyền bán quanh năm bởi đặc điểm có trái 4 mùa. Còn những loại trái cây khác tùy theo vụ mùa, các chủ ghe sẽ lấy lên bán để kiếm thêm thu nhập. Phần lớn khách mua là những mối quen lâu năm, đều là những tiểu thương tại các chợ ở Sài Gòn đến mua sỉ về bán lại. Đôi lúc còn dư chút ít, chị và chồng lại tìm cách bày hàng lên ven đường, bán cho du khách thập phương qua lại.

Chị Hằng, tiểu thương chợ Cư xá Ngân hàng, quận 7, một trong những khách quen đang lấy hàng của chị Bông, nhận xét: “Trái cây ở đây đảm bảo chất lượng, không có hóa chất, với lại được lấy trực tiếp từ các vườn miền Tây lên nên yên tâm hơn. Bên cạnh đó giá bán cũng mềm hơn ở các chợ đầu mối, không phải đi xa xôi, thức khuya dậy sớm”.

Chị Bông kể, việc buôn bán ở đây bắt đầu từ đời má chị và nay đến chị kế tiếp. “Hồi đó ở quê còn làm mướn được chỗ này chỗ kia. Nhưng sau này máy móc làm được hết, thế nên nhiều người thất nghiệp lắm. Lên đây buôn bán tuy cực hơn, nhưng có chỗ ngồi bán cố định, dù không lời nhiều nhưng ngày nào cũng có đồng ra đồng vào. Cứ vài ngày lại chạy ghe về dưới quê, đi vào vườn gom chuối, mít, đu đủ đến khi đầy ghe lại chở lên cho khỏi mất công, mất thời gian đi lại nhiều” - chị Bông chia sẻ thêm.

Cách đó không xa là chiếc ghe của chị Nguyễn Thị An, quê ở Bạc Liêu, chuyên bán chuối, dừa, mít. Chị cho biết: “Trái cây ở đây lấy từ miệt vườn các tỉnh miền Tây lên nên người dân ở Sài Gòn chuộng lắm. Họ không sợ mua nhầm trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc, mà giá lại phải chăng. Chôm chôm 15.000-20.000 đồng/kg; chuối 120.000-150.000 đồng/buồng, mít 20.000-30.000 đồng/kg (đã bóc hạt)... Nhìn xuống ghe đang còn chứa đầy trái cây, chị An thoáng cười buồn: “Nghề này cũng vlúc vui, lúc buồn, có khi mới lấy hàng lên khoảng dăm ba ngày đã bán sạch, cũng có chuyến hàng về bán mãi không hết, nó chín rữa ra, đành ngậm ngùi đổ đi”.

cho noi giua sai gon
Những chiếc ghe buôn neo đậu san sát nhau ven bờ kênh Tẻ

Điều đặc biệt, người bán và người mua ở đây rất trật tự, cùng nhau vui vẻ “trả giá”, giữa những ghe buôn với nhau cũng hiếm có thị phi, phức tạp như những phiên chợ khác.

Phận thương hồ vất vả mưu sinh

Tìm hiểu thêm mới biết, phần lớn các tiểu thương ở đây đều đi theo gia đình, ghe lớn mỗi nhà 1 ghe, ghe nhỏ chia làm 2, 3 ghe cạnh nhau. Cứ độ 3-5 ngày, khi lượng trái cây trên ghe đã hết, những thương lái này lại nhổ neo xuôi theo dòng sông Tẻ, về các miệt vườn miền Tây Nam Bộ lấy hàng. Mỗi chuyến như thế, nếu đắt hàng lời lãi cũng được 2-3 triệu đồng. Cứ thế ngày qua tháng lại, họ sống lênh đênh trên sông nước. Các thành viên trong gia đình cứ chen chúc nhau ăn uống, tắm giặt, nấu nướng, ngủ nghỉ trên chiếc ghe suốt năm, suốt tháng.

Chị Bông chia sẻ về nghề thương lái trên sông nước như một cái nghiệp: “Đã 20 năm qua, tôi buôn bán và gắn bó với chiếc ghe này, nó ngấm vào máu thịt mình. Những lúc khó khăn như trái cây rớt giá, xăng dầu lên lại muốn đổi nghề. Chị chép miệng, thở dài: Nghĩ thì nghĩ thế thôi, lên bờ rồi cũng biết làm chi bây giờ, thôi cứ bám trụ lại ghe, biết tính toán chi li cũng đủ sống qua ngày’’.

Trái cây ở đây đảm bảo chất lượng, được lấy trực tiếp từ các vườn miền Tây lên nên yên tâm hơn. Bên cạnh đó giá bán cũng mềm hơn ở các chợ đầu mối, không phải đi xa xôi, thức khuya dậy sớm.

Cả đời lênh đênh trên sông nước, nghề thương hồ cực nhọc, vất vả và cũng lắm ưu tư. Những đứa con bé nhỏ vừa được vài tuổi cũng theo cha mẹ xuống ghe lên đây buôn bán. Để con được học hành, gia đình chị Bông đã gửi vào lớp học tình thương gần chợ. Những lúc tan học, các con của chị lại quay về ghe phụ cha mẹ buôn bán, làm ăn. Cũng có những cặp vợ chồng như gia đình chị An không có điều kiện, phải gửi con cho ông bà dưới quê chăm sóc, cứ mỗi lần về lấy hàng lại tranh thủ thời gian ghé thăm con.

Nhìn vào chiếc ghe tuềnh toàng của mình, chị An tâm sự: “Nhiều lúc nhớ tụi nhỏ mà phát khóc, muốn đưa chúng đi cùng để tiện chăm sóc. Nhưng em thấy đó, cái ghe tềnh toàng, cũ kỹ thế kia, mùa nắng thì như chảo lửa, mùa mưa thì dột nát, mấy đứa nhỏ sao sống được”.

Ban ngày nắng gắt cháy da, ban đêm sông nước sương xuống càng thêm lạnh. Những tấm bạt nhựa cũ nát không thể che chắn hết những vết nứt toác trên những thân ghe đã hằn vết thương tuổi tác. Trẻ con sống trên ghe vì thế cũng dễ mắc nhiều chứng bệnh do thời tiết hơn. Bên cạnh đó phải kể đến căn bệnh sốt xuất huyết - nỗi ám ảnh của phận thương hồ sống trên kênh rạch nồng nặc mùi ô nhiễm. Anh Bính, chồng chị An tếu táo: “Muỗi con nào con nấy như con gà mái, còn ruồi thì không khác gì con voi. Hôm nào ăn cơm trễ là phải vào mùng mà ăn, ngồi ở ngoài bọn ruồi, muỗi phát hiện tha luôn nồi cơm đi là mất ăn”.

Trên ghe cũng không có nước sạch để dùng, vì thế người dân sinh sống khu chợ ghe này phải mang bình mua nước sạch từ nhà dân trên bờ. Nước phải mua nên nhà nào cũng sử dụng hết sức tiết kiệm, chỉ để uống và nấu ăn, còn tắm giặt và rửa chén thì dùng nước sông. Nhờ sự giúp đỡ của bà con xóm chợ mà trên ghe cũng mắc được điện, chỗ gửi xe máy, tối lửa tắt đèn có nhau.

cho noi giua sai gon
Trái cây được các chủ ghe bày bán ven đường Trần Xuân Soạn, quận 7

Cuộc sống trên sông nước không chỉ vất vả̀ mà còn phải luôn đối mặt nguy hiểm. Ban ngày, các ghe trái cây đậu cách xa nhau để tiện việc chuyển hàng. Còn đêm về, phải neo đậu san sát nhau để dễ bề bảo vệ hàng cũng như con người. “Có những đợt, cứ đêm đến là bọn xì ke ở đâu kéo đến xin tiền hoài. Không cho thì bị chúng chửi bới, dọa dẫm, thậm chí đập phá trái cây. Cũng đã xảy ra nhiều vụ hỗn chiến giữa thương hồ và bọn chúng nên anh em cũng hết sức cảnh giác. Đêm đến là rút hết cầu, neo ghe cách xa bờ để tránh phiền phức” - anh Bính cho hay.

Trên những khu chợ nổi lênh đênh như thế, đời con tiếp nối đời cha, những chiếc ghe thả neo, bám trụ dọc bờ kênh Tẻ đã trở thành một nét quen thuộc với những người dân sống khu vực này. Những chiếc ghe chở nặng những đặc sản trái cây miệt vườn vẫn như con thoi, bồng bềnh trên sông nước đi về giữa miền Tây và Sài Gòn. Họ trở thành những thương hồ đặc biệt ở “chợ nổi Sài Gòn”. Đời thương hồ lắm khó khăn nên niềm mong mỏi chung, khẩn thiết của các gia đình vẫn là làm sao rời kiếp ghe thuyền, lên bờ sống cuộc đời ổn định chắc chắn, con cái được an toàn, được ăn học nên người. Nhưng lên bờ thì sinh sống ở đâu khi gia tài chỉ vỏn vẹn là chiếc ghe cũ kỹ vừa để mưu sinh vừa làm mái nhà che mưa nắng…? Đó vẫn là một câu hỏi đau đáu trong thâm tâm của những phận thương hồ.

Cuộc sống bấp bênh, những chủ ghe không chỉ “ăn no vác nặng” mà hằng ngày họ tìm cách đối phó với chiến dịch “hốt” hàng khi bày bán trên vỉa hè. Không ít lần các chủ ghe nơi đây đứng nhìn bao nhiêu trái cây, hàng hóa bị đội trật tự đô thị đến tịch thu. “Chúng tôi vẫn biết bán trên vỉa hè là sai phạm, không đúng quy định, làm ách tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị, nhưng thú thiệt chúng tôi cũng không biết phải làm sao. Đã đi hết nơi này đến nơi khác xin làm thuê, nhưng làm hoài cũng không lên được. Muốn lên bờ kinh doanh lại không có kinh phí để thuê mặt bằng, nên chỉ còn cách buôn bán cò con này thôi” - ông Nguyễn Thế Nhu, một chủ ghe ở chợ nổi Tân Thuận nặng lòng chia sẻ.
Bên cạnh chợ nổi kênh Tẻ, bến Bình Đông (quận 8) cũng được biết đến là khu chợ nổi sôi động, nhộn nhịp và đa dạng bậc nhất của cư dân Sài Gòn. Bất kể con nước lớn, nước ròng, hàng chục chiếc ghe vẫn neo đậu ở đây để cung cấp trái cây đủ loại… cho các chợ đầu mối lớn, nhỏ trong thành phố. Thương thuyền cũng chủ yếu là người miệt vườn Nam Bộ như Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang… Ngày thường ở bến hơi vắng khách, nhưng cứ đến tháng Chạp hằng năm thì trở nên nhộn nhịp hơn hẳn. Ngoài trái cây, mỗi dịp tết đến xuân về, bến Bình Đông trở thành khu chợ rực rỡ sắc hoa. Du khách thập phương và cả khách du lịch nước ngoài cũng thường đến đây để ngắm hoa hay mua hoa và trái cây về chưng tết.

Nguyên Phương