Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 37)

11:00 | 22/11/2014

7,505 lượt xem
|
Trong đêm mưa gió mịt mù, đoàn xe của Trần Quang Vũ lao đi vùn vụt. Trong một chiếc xe U-oát, ở hàng ghế sau Ly ngồi ở giữa, Thúy và Huyền ngồi hai bên.

>> Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 36)

Năng lượng Mới số 375

Ông Chánh án ngắt lời:

- Thôi, cũng không sao. Tôi nói lại, sáng mai sẽ thực hiện bản án đối với anh. Nhưng theo cán bộ của trại giam và đồng chí Giám đốc Công an tỉnh cho biết thì anh có nguyện vọng được gặp chúng tôi để xin khai những điều quan trọng mà anh vẫn còn giấu giếm. Trước khi nghe anh nói, chúng tôi phải nhắc lại với anh điều này: Nếu những lời anh  khai không có gì mới hơn so với những điều đã trình bày trước tòa và là những thông tin vô bổ, nhằm kéo dài thời gian sống cho mình thì... - Ông ngừng nói và nhìn đồng hồ - Anh cũng chỉ sống không quá đến 5 giờ sáng ngày mai. Như vậy là anh còn 5 tiếng đồng hồ nữa. Bởi vì hơn 3 giờ sáng là làm thủ tục thi hành án rồi.

Phan Hồng Hải nhũn cả người, hắn lắp bắp:

- Dạ thưa cán bộ, cháu xin khai hết ạ. Người chủ mưu và vạch  kế giết thằng Túc và chị Hồng không phải là  Lân  đâu ạ. Anh Lân chỉ biết thôi.

***

Trong đêm mưa gió mịt mù, đoàn xe của Trần Quang Vũ lao đi vùn vụt. Trong một chiếc xe U-oát, ở hàng ghế sau Ly ngồi ở giữa, Thúy và Huyền ngồi hai bên.

Đường quê Trần Hùng Lân khá tốt nên có lúc đoàn xe chạy vơi tốc độ 80km/giờ. Ai cũng cảm thấy nhanh nhưng chỉ có Vũ và Ly là thấy chậm. Trong thâm tâm, Vũ rất muốn là việc đào thấy số tiền lớn này, cộng với sự khai báo thành khẩn của Phan Hồng Khải thì may ra Lân có thể thoát chết.

Ly ngồi lặng im và thật lòng cô cũng mong muốn là việc mang số tiền đó đến nộp ngoài lý do đã nói với mọi người là muốn được sống trong sự thanh thản thì cô còn có một ước muốn cháy bỏng là được nhìn thấy bố. Cô biết không cách nào có thể gặp được bố nếu như không có một cái cớ như vậy. Ngày xưa, khi còn đang học lớp 11,  một hôm Ly đang học thì có đứa bạn viết cho Ly mấy dòng chữ: “Bố cậu đang phải lòng một mụ cave. Mụ ấy tên là Lệ”. Đọc xong những dòng chữ ấy, Ly ức đến nghẹt thở. Cô mang về đưa cho mẹ và thật bất ngờ, mẹ cô nói: “Mẹ biết việc này rồi”. Nghe mẹ nói dửng dưng như không, Ly tròn mắt ngạc nhiên.

Mẹ nhìn cô bằng ánh mắt bao dung và thánh thiện vô cùng: “Con ơi, bố con chịu vất vả vì mẹ con mình bao nhiêu năm nay rồi. Nếu như bố con có vui thú tý chút với một người phụ nữ nào khác thì cũng là lẽ thường tình. Mẹ con mình là phận gái!”. Rồi mẹ cô nghiêm nghị nhìn con: “Mẹ cấm con có thái độ khác thường với bố. Bố con là người tốt, rất tốt và không phải người phụ nữ nào cũng may mắn lấy được người như bố con đâu”. Ly thắc mắc: “Mẹ bảo bố là người tốt. Tại sao bố lại không chung thủy với mẹ?”. Bà cười dịu dàng: “Có giải thích cho con thì lúc này con cũng chưa hiểu được. Sau này con lấy chồng, con sẽ biết”. Ly bĩu môi: “Chồng con mà như thế, con cho “chia tay hoàng hôn” ngay”. Mẹ cô lại cười: “Đừng nói trước con ơi”.

Từ ngày mẹ mất, Ly trở thành người chủ gia đình thực thụ, vừa lo quản lý tiền nong, vừa lo dạy dỗ kèm cặp hai em. Bố thì vài ngày đáo qua nhà một lần và lần nào cũng đưa tiền. Bố lại còn muốn mua xe máy cho Ly và em cô nữa, nhưng cô không đồng ý. Số tiền bố đưa chi tiêu, rồi tiền mừng tuổi, tiền cho sinh nhật, tiền thưởng học sinh giỏi... có được bao nhiêu, Ly đem gửi tiết kiệm hết. Thế mà cũng được hơn sáu chục triệu. Nhiều lúc Ly oán trách bố. Nhưng cứ mỗi lần định nói thì Ly lại nhớ lời của mẹ và thế là cô chỉ dám nhìn bố. Ánh mắt của Ly làm cho bố sợ hãi và có lần bố đã bảo: “Con có ánh mắt giống y như mẹ”. Nhưng cũng không phải lần nào Ly cũng nhịn được và đã có khi nói xấc với bố. Nhưng đáp lại thái độ của Ly, bố chỉ im lặng.

Từ ngày bố bị bắt và cho đến lúc ra tòa rồi bị kết án tử hình, Ly thấy ân hận vô cùng vì đã có những lúc hắt hủi bố, có lúc còn dám nói cạnh nói khóe trì chiết. Vì thế, cô chỉ mong và làm mọi cách để được gặp bố trước khi bố phải ra đi. Cô có rất nhiều điều muốn nói với bố khi được gặp nhau, nhưng lựa chọn mãi, cô thấy rằng chỉ nên nói: “Bố ơi, con thương bố lắm”, thế là đủ.

Những ý nghĩ về bố, về mẹ cứ như dòng sông cuộn chảy trong ngực Ly. Nước mắt cô bỗng dưng trào ra. Cô úp mặt vào vai Thúy, khóc rung lên từng chặp. Bất chợt, Thúy cũng khóc. Chị nói nghẹn ngào:

- Cô có lỗi với bố cháu, với các cháu. Lát nữa, cô xin được gặp bố cháu và để cô xin lỗi bố cháu.

Tiếng khóc của hai người  làm cho Vũ nao lòng. Trong khi đó, Huyền vẫn giữ được thái độ bình thản, đấy là điều làm cho Thúy lạ lùng, bởi cô biết Huyền có được cuộc sống đầy đủ như bây giờ chính là từ Lân.

 Đoàn xe dừng lại trước ngõ nhà Lân. Ly lấy chìa khóa mở cổng. Cả khu nhà lạnh lẽo, hoang vu bốc lên mùi ẩm mốc.

Ly nhanh nhẹn đưa Vũ và mọi người đến chỗ gốc cây mít và chỉ xuống vạt đất, nói chắc chắn:

- Chỗ này.

Vũ ra lệnh cho tổ cảnh sát cơ động:

- Các đồng chi đào đi.

Trời vẫn mưa sùi sụt. Đất ngấm nước mềm bục ra nên anh em đào rất nhanh. Một cảnh sát cuốc vào phải vật cứng, cán cuốc dội  trở lại làm tê cả cổ tay anh ta. Nhìn anh lính trẻ nhăn nhó vì đau, Vũ bật cười:

- Đúng là lính cậu. Hình như không bao giờ phải tăng gia sản xuất thì phải?

- Có đất đâu mà tăng gia hả anh. Chúng em cũng thích được tăng gia như bộ đội lắm nhưng không có đất.

Các chiến sĩ xúm lại, thận trong moi đất và lôi lên chiếc chum sành, miệng chum vẫn còn bọc nilon. Vũ bảo đồng chí đại úy:

- Anh mở ra xem.

Khi những lớp nilon được gỡ hết, Vũ bấm đèn pin vào và thốt lên:

- Đúng rồi.

***

Tại phòng khách của trại tạm giam.

Phan Hồng Hải sắc mặt đã tươi tỉnh hơn. Hắn nói với giọng pha chút ngạo mạn:

- Điều thứ nhất tôi xin khai, nhưng tôi đề nghị ngay sau đây các cán bộ cho tôi được trực tiếp đi.

Ông Chánh án Vũ Quang Thiều nghiêm giọng:

- Anh chỉ được khai và khai trung thực những điều anh còn giấu giếm. Còn sau đó, anh có những đề nghị gì, chúng tôi sẽ xem xét. Và tôi nhắc lại, anh hãy khai thật thận trọng, chính xác, bởi vì nó liên quan đến sự sống chết của anh đấy.

Lời ông Chánh án nhắc nhở làm Hải lại thấy run sợ. Hắn hít một hơi dài như thể lấy thêm can đảm rồi dõng dạc:

- Tôi biết kho tiền của Trần Hùng Lân. Anh ta đã giấu ở đó một số tiền rất lớn.

Ông Chánh án hơi mỉm cười và liếc nhìn Đại tá Trần Công. Thấy anh cũng gật đầu, ông Chánh án nói dửng dưng như không:

- Tưởng gì, tôi nói luôn để anh biết nhé. Trần Hùng Lân chôn tiền dưới gốc cây mít ở nhà quê. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đó là cây mít mật. Và số tiền đó là...

Hải trợn mắt, hoảng sợ:

- Không... không ai biết được đâu?

- Hay là anh ta còn giấu ở một kho khác. Lát nữa anh sẽ được thấy số tiền đó. Điều anh vừa khai, chỉ có giá trị tham khảo. Nhưng mà tại sao anh biết và tại sao bây giờ anh mới khai?

Hải lúng búng định nói thì Trần Công giơ tay ngăn lại:

- Lát nữa anh sẽ giải thích điều ông Chánh án vừa hỏi. Nhưng bây giờ, chúng tôi muốn nghe anh khai rõ: Ai là kẻ chủ mưu trong những vụ giết tên Túc và cô Hồng?

Lần này thì Hải không suy nghĩ lâu la, hắn vội nói ngay:

- Thưa các cán bộ, đó là ông Hoàng, Phó tổng giám đốc Nam Sơn ạ.

- Anh ta chủ mưu như thế nào? Bàn bạc với ai? Anh hãy khai thật chính xác - Đại tá Công nhìn thẳng vào Hải bằng ánh mắt lạnh lùng pha chút đe nẹt.

- Vâng, thưa các cán bộ, tôi xin trình bày hết sự thật và nếu cán bộ không tin thì cứ cho gọi ông Hoàng đến đây.

***

Kim đồng hồ trong phòng trực ban của quản giáo khu C chỉ 11 giờ đúng.

***

Tại phòng giam, Trần Hùng Lân nằm nghiêng, tai áp xuống sàn và lắng nghe tiếng chân chuột chạy vội vã phía ngoài cống, tiếng chúng cắn nhau chí chóe.

 “Tôi sắp không còn được nghe những âm thanh cuộc sống nữa rồi. Không biết dưới cõi âm có những loại âm thanh gì? Người đời bảo trần sao, âm vậy... Thế thì khủng khiếp quá! Ở trên trần đã bon chen, hỗn loạn, đã ầm ĩ náo động mà dưới âm cũng thế thì trốn đâu cho thoát bây giờ. Không hiểu giờ này các con tôi đang ngủ hay thức. Chúng nó có biết là rạng sáng ngày mai tôi phải vĩnh viễn ra đi không. Đời tôi đã gây tội lỗi nhiều, tôi chỉ muốn lấy cái chết - tự mình chết - để chuộc lỗi với các con, với mọi người.

Tôi biết mình sẽ sụp đổ và thoáng nghĩ đến cái chết ngay từ hôm uống rượu ở nhà Vũ trở về? Đó là hôm tự tôi đến mừng sinh nhật Vũ, trong khi chính Vũ cũng chẳng bao giờ quan tâm đến ngày sinh của mình

***

Thấy Lân khệ nệ ôm một gói to tới nhà và gọi rất to, Vũ ra mở cửa và ngạc nhiên:

- Ông lại mang cái gì tới thế này?

- Bà ấy đâu?

- Cô ấy đang nấu cơm.

Lân vào nhà, gọi Thục:

- Bà chủ đâu rồi, đỡ hộ tôi cái này nào?

Mặc cho hai vợ chồng Vũ ngơ ngác, Lân lấy các thứ trong túi ra bày lên bàn: Một chai rượu Hennessy màu đỏ tươi, một con gà quay, rồi hai hộp bánh kẹo. Lân lại rút trong túi ra một tấm ảnh chụp chung với Vũ ngày còn bé:

- Mày có nhớ hôm tao với mày đi chụp ảnh này không?

Vũ ngẩn người, chưa kịp nói thì Lân đã giải thích:

- Hôm đó, tao câu trộm được hai con cá mè hoa ở ao hợp tác xã và bán được ba đồng. Thấy mày bảo ngày hôm đó là ngày mày đúng 12 tuổi, thế là tao rủ mày đi chụp ảnh ở hiệu ảnh nhà ông phó Thìn. Hai ngày sau mới có ảnh và tao đưa cho mày một tấm. Ngày sinh của mày, tao ghi đây... - Lân chìa tấm ảnh cho Vũ xem.

Vũ cảm động:

- Tao nhớ rồi. Không ngờ mày còn giữ tấm ảnh này.

Lân cười ha hả:

- Tao tình cờ lục tủ, thấy tấm ảnh này, thế là đi kiếm chai rượu và mua thêm tý chút đồ nhậu đến mừng sinh nhật mày.

Rồi Lân hỏi Thục:

- Thế cô không làm sinh nhật cho Vũ à?

Thục cười gượng:

- Hồi mới cưới nhau, có tổ chức được một lần, nhưng sau đó anh ấy cấm vì không thích.

- Ra vậy, đúng là thằng hâm. Thôi, hôm nay tao tổ chức, mày có đồng ý không?

Thấy thái độ của Lân đầy hào hứng như vậy, Vũ chỉ còn biết cười trừ. Một loáng sau, mâm rượu được bày ra. Lân tự tay rót rượu:

- Nào, chúc mừng sinh nhật lần thứ bốn bảy của mày và cả của tao nữa. Nếu so đo, tao còn nhìn mặt trời trước mày ba tháng.

- Thế thì anh Vũ phải gọi anh Lân bằng anh rồi. - Thục nói chen vào.

- Chúc sức khỏe mày. Thú thật là tao rất ngại sinh nhật và hôm nay mày nhớ và đến, tao... tao rất cám ơn mày.

- Lại khách sáo rồi. Này, nhưng mà tôi mệnh Kim - Lân lại thay đổi cách xưng hô cho bớt suồng sã - Tôi mệnh Kim, sinh vào giữa mùa hè, dở hơi lắm.

- Dở thì ông cũng làm đến Tổng giám đốc còn gì. Nếu không dở, chắc làm Bộ trưởng.

- Làm Bộ trưởng dễ hơn làm Tổng giám đốc ông ạ, vì làm chức càng to thì quyền càng lớn, nhưng trách nhiệm thì lại không tương xứng.

- Ông đùa đấy à?

- Thì ông thấy quá rõ, đã có mấy Bộ trưởng mất chức vì kém cỏi đâu? Họ có rất nhiều lý do để biện bạch cho mình và cái tội dễ trút nhất là do lãnh đạo tập thể. Mà thôi, không nói chuyện chính trị. Uống đi. Hôm nay phải uống say đấy nhé.

- Rồi, hôm nay uống say.

Được vài tuần rượu, Lân bốc đồng và ngâm nga:

- Mày có câu thơ của Bạch Cư Di  trong bài Khuyến tửu không? “Diện thượng kim nhật lão tạc nhật. Tâm trung túy thì thắng tỉnh thì...”... Thấy cái mặt mình ngày hôm nay già hơn ngày hôm qua. Khi ta say, lòng ta sáng hơn lúc tỉnh...  Tuyệt vời chưa? Nhưng hai câu sau nữa mới ghê: “Tử hậu đôi kim đài dĩ trụ. Bất như sinh tiền nhất hồ tửu”... Khi chết rồi, vàng có chất cao đến vũ trụ. Cũng không bằng lúc sống có được hồ rượu.

Nói rồi Lân cười ha hả và ngửa cổ uống cạn. Vũ cũng nổi hứng:

- Thế cho nên sau này cụ Nguyễn Du mới ảnh hưởng Bạch Cư Dị mà có câu thơ: “Sinh tiền bất tận tôn trung tửu. Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi” - Khi sống mà không uống hết rượu trong bầu, chết rồi, ai tưới rượu lên mồ cho.

- Phải gọi là tưới rượu lên... “lên mả”  mới đúng từ quê mình.

Đang lúc vui,  có chuông điện thoại. Thục nhấc máy:

- Dạ... Anh gặp anh Vũ ạ. Vâng, anh làm ơn chờ tý chút.

Rồi Thục đưa máy cho Vũ:

- Phòng cảnh sát hình sự  gặp anh.

Vũ cầm máy:

- Alo, tôi Vũ đây... Thế à? Tốt quá. Đồng chí cử một tổ theo dõi hắn thật chặt. Tôi sẽ ký lệnh bắt ngay. Mà nếu thấy hắn định chạy trốn thì cứ tìm cách giữ lại đã.

Vũ đặt máy, quay sang Lân:

- Uống với  ông ly nữa, tôi lại phải đi đây.

- Bắt ai à?

- Anh em tăm ra kẻ giết thằng Túc rồi.

Lân nghe Vũ nói xong, sắc mặt thay đổi hẳn. Sự thay đổi đó, không lọt qua được mắt Vũ.

 Vũ cười lớn:

- Sao trông sắc mặt ông lạ thế. Sức khỏe có vấn đề gì à?

- Không, nhưng tự dưng tôi nghĩ không khéo có ngày nào đó, ông lại hỏi cung tôi thì kinh nhỉ?

- Làm kinh tế mà cứ phóng tay tiêu tiền như ông, chuyện ấy cũng không phải là đùa đâu. - Vũ nói nửa đùa nửa thật - Nào ông có hãi khi tôi phải điều tra ông không?

Lân ngẫm nghĩ  rồi lại rót rượu:

- Tôi sợ gì?  Vũ ơi, ông cứ yên tâm đi, nếu tôi có tội, tự tôi sẽ xử lấy tôi. Thôi, tôi cũng đi về đây, cho ông còn làm nhiệm vụ.

- Ông phải rất cẩn thận trong công việc đấy. Tôi mới được đọc một báo cáo của Công an huyện Nam Hưng rằng, rất nhiều đoạn đường mà ông bán cho bọn “bê phảy” làm, đã hỏng hết rồi. Hôm nọ, đoàn cán bộ của Tỉnh ủy do Bí thư Lâm đi công tác, họ thấy nhiều đoạn đường làm vô cùng cẩu thả và có người đã đề nghị cho lập đoàn thanh tra.

- Tôi cũng có nghe việc đó. Tuần tới, tôi cho đi kiểm tra...

- Ông phải rất chú ý điều này nữa: Ông không được điều hành tổng công ty theo kiểu gia đình chủ nghĩa và tự ông quyết hết mọi việc. Ông coi cán bộ cấp phó của ông như những người tôi tớ để ông sai vặt và có lúc ông nói với họ bằng giọng gia trưởng, độc đoán... Bây giờ ông đang mạnh, họ im lặng, hơn nữa họ cũng dựa vào sự quyết đoán ào ào của ông để kiếm chác, cho nên họ cứ mặc kệ để ông bơi giữa dòng sông đang mùa lũ. Nhưng lúc ông đắm đò, họ bỏ mặc đấy.

Nghe Vũ nói với giọng rất nghiêm, Lân cũng lắng nghe một cách nghiêm túc:

- Nói như vậy, có nghĩa là ông đã biết rất nhiều về chỗ tôi.

- Không gọi là nhiều được, nhưng cũng không phải là ít. Và với tất cả những điều tôi biết, thì tôi bắt đầu lo cho ông đấy.

- Ông có thể nói cụ thể hơn được không?

- Không phải bỗng dưng mà cô Hồng và ông Quân cùng đứng đơn tố cáo ông. Cô ấy là người tốt, biết vì cái chung, ông Quân thì trình độ có hạn, quản lý, chỉ huy cứng nhắc nhưng cũng là con người trung thực và bấy lâu nay, cán bộ, nhân viên rất quý hai người này, nhưng họ lại không phục. Đơn giản thôi, muốn để cấp dưới phục thì mình phải giỏi, nhưng để họ quý thì phải là người có tâm. Vậy tại sao họ tố cáo ông? Nếu họ tố ông mười điều mà trong đó chỉ cần đúng một nửa thì cũng là gay cho ông rồi. Tất nhiên, hiện nay ông đang có cái ô rất to là ông Hiển. Nhưng liệu ông ấy còn làm được bao lâu? Cùng lắm là hết khóa Hội đồng nhân dân lần này và như vậy chỉ còn không quá nửa năm nữa. Đã có người bảo là “tại sao lại phải đi chợ chiều” rồi đấy.

Vũ ngừng lại nhìn thẳng vào mắt Lân:

- Với tất cả tình bạn hữu, ông hãy nói thật cho tôi điều này?

- Ông cứ hỏi?

- Có đúng là ông cho thằng Hải vay tiền để góp vào Công ty Anh Thư không?

- Đúng. Hai trăm triệu.

- Và ông muốn dùng thằng Hải để phá Anh Thư?

Lân cúi đầu, trả lời yếu ớt:

- Không... không phải thế.

- Vậy nếu đặt câu hỏi nghi vấn rằng ông và thằng Hải đã bày mưu tính kế làm cho Anh Thư sập, để ông nhận lại các công trình của hắn và đem bán cho các “bê phảy” thì ông nghĩ sao?

Lân khẳng khái:

- Không có chuyện đó. Chẳng qua là vì thằng Hải vốn chơi với ông già, nay nó khó khăn, tôi giúp nó. Nhưng mà ai đơm đặt ra vậy?

- Tôi lại thấy sự đơm đặt đó có vẻ logic đấy.

- Ông nghi cả tôi?

- Tôi rất sợ phải nghi bạn bè... Nhưng bây giờ thì tôi sợ.

Lân thở dài:

- Rồi thế nào thì sự thật cũng được bày ra. Ông cứ yên tâm làm bổn phận của anh công an. Thôi, tôi về đây.

Lân lại rót thêm chút rượu uống hết rồi ra về. Tới cổng, Lân quay lại nắm tay Vũ:

- Ông nhớ mài  chỗ sừng tê giác ấy mà uống. Quý lắm đấy. Cố mà uống cho đều. Phải kiếm lấy đứa con tử tế ông ạ. Ông uống hết đi, nếu thấy có hiệu quả, tôi mua thêm cho mà uống.

Thấy Vũ im lặng vẻ xúc động Lân tưởng Vũ sợ vì nhận quà, Lân vỗ vai:

- Này ông bạn, cứ yên tâm đi. Thằng Lân này không hối lộ bạn đâu.

- Ông nghĩ sai rồi. Tôi xin nhận. Rất cảm ơn ông.

(Xem tiếp kỳ sau )

Nguyễn Như Phong