30 tấn cá nhiễm phenol: Từ cực độc đến vô hại!

07:30 | 19/06/2016

1,932 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước thông tin cá nục nhiễm chất phenol, một chất được cho là cực độc tuyệt đối cấm trong thực phẩm được phát hiện ở Quảng Trị với số lượng 30 tấn, người dân thực sự rất hoang mang không biết thực hư chất độc đó như thế nào, tác hại ra sao nhất là trong hoàn cảnh cơ quan hữu trách nơi bảo cấm nơi bảo không. Thế nhưng sau đó lại có tin phenol vô hại.  

Độc hay không độc

Ngày 7-6, sau khi phát hiện tại các kho đông lạnh trên địa bàn có một số lượng lớn hải sản được thu  mua trước và sau sự cố cá chết, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Trị phối hợp cùng UBND huyện Vĩnh Linh đã kiểm tra và phát hiện 30 tấn cá nục trong kho đông lạnh của bà Lê Thị Thuộc, cơ sở Dũng Thuộc, ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị có chất phenol.

Sự việc cụ thể trong tổng số 110 tấn cá được lưu trữ trong kho đông lạnh, trong đó có 70 tấn cá nục, 10 tấn cá ngừ, 20 tấn cá trích, cá sòng và 10 tấn các loại cá khác, cơ quan chức năng đã lấy 6 mẫu ngẫu nhiên gồm 1 mẫu cá ngừ, 1 mẫu cá trích, 1 mẫu cá sòng, và 3 mẫu cá nục (1 mẫu của 20 tấn cá thu mua trước thời điểm sự cố cá chết bất thường và 1 mẫu của 20 tấn cá thu mua sau sự cố cá chết được 10 ngày và 1 mẫu của 30 tấn thu mua ngay sau thời điểm cá chết).

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, 5/6 mẫu các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép. Riêng mẫu cá nục đã phát hiện có chất phenol với hàm lượng 0,037mg/kg. Theo lãnh đạo của Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Quảng Trị thì phenol là một chất cực độc và tuyệt đối không được có trong thực phẩm.

Chính vì vậy, chiều ngày 11-6, lực lượng liên ngành tỉnh Quảng Trị đã lập biên bản niêm phong 30 tấn cá nục bị nhiễm phenol tại cơ sở Dũng Thuộc và có kiến nghị lên UBND tỉnh đề nghị tiêu hủy lô hàng.

tu cuc doc den vo hai
Cơ quan liên ngành niêm phong lô cá nục nhiễm phenol của cơ sở Dũng Thuộc

Phenol có độc hại?

Tuy nhiên, trái chiều với Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế lại nhận định phenol không phải chất cấm trong thực phẩm và với hàm lượng dưới mức cho phép (tính theo trọng lượng của người tiêu dùng) thì không hề độc hại.

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã trả lời báo chí: “Sáng ngày 13-6, chúng tôi đã có cuộc họp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) về việc phenol có phải là chất cấm hay không. Và kết quả là trong danh sách các chất cấm không có chất này”.

Ông Long cũng cho biết thêm, từ trước tới nay, chưa có ai nghiên cứu hàm lượng phenol trong hải sản. Nếu có chỉ là nhằm đánh giá về mức độ ô nhiễm của môi trường. Khi môi trường bị ô nhiễm thì có thể nhiễm vào cá chứ tự nhiên không ai nghiên cứu phenol trong cá. Bởi không có quy định hay không có trong danh mục các chất cấm thì  không ai kiểm tra.

Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị cũng khẳng định, trong quy định của ngành nông nghiệp, phenol không có trong danh sách chất cấm. Ông Hưng còn nói trong tự nhiên, nước biển và khi cấp đông, sử dụng, chế biến có thể phát sinh ra phenol.

Về hướng giải quyết đối với lô 30 tấn cá nục nhiễm phenol, ông Long khẳng định: “Hiện chúng tôi vẫn đang yêu cầu dừng lưu thông lô hàng này và cho lấy tiếp mẫu để kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Trường hợp kết quả không cao hơn hàm lượng đã phát hiện tại Quảng Trị, không ảnh hưởng tới sức khỏe sẽ cho lưu thông”.

Vậy phenol là chất gì mà Sở Y tế Quảng Trị khẳng định là chất độc, cấm có trong thực phẩm trong khi Cục An toàn thực phẩm lại nhận định ngược lại?

Mỹ là quốc gia đã định nghĩa là quy định khá chi tiết về phenol: “Là một chất hữu cơ, hiện diện trong tự nhiên, hay được chế tạo, phenol ở thể lỏng được dùng trong thương mại, phần lớn dùng để sản xuất nhựa có chất Phenol và chế tạo nilon hoặc sợi tổng hợp. Phenol cũng được dùng để giết vi khuẩn, mốc meo, tẩy uế, khử trùng bên cạnh còn được dùng sản xuất thuốc súc miệng, kẹo thông cổ…

Mỹ cũng phân tích rõ: “Phenol không tích lũy trong cá, các thú vật khác hay cây cối. Phenol cũng không tích lũy trong cơ thể con người và được loại trừ một cách nhanh chóng qua đường tiểu tiện dưới dạng sulfate, glucuronide. Về thực phẩm cơ quan quản lý các chất độc hại và bệnh dịch, Bộ Y tế Hoa Kỳ quy định mức rủi ro tối thiểu cho việc tiêu thụ thực phẩm có chứa phenol trong ngắn hạn (dưới 14 ngày) là 1mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày Còn dài hạn và trung hạn không quy định”.

Về thông tin cho rằng, phenol gây ung thư thì hiện chưa có bằng chứng nào nên Viện Nghiên cứu Ung thư quốc tế và Cơ quan Quản lý môi trường Mỹ không xếp phenol vào nhóm chất gây ung thư. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Cơ quan Quản lý thực phẩm châu Âu đã cho hay, trên cơ sở tổng lượng hấp thu trong ngày, cơ thể con người có thể chịu được khoảng 0,18microgram/kg tỷ trọng/ngày.

Ông Long cũng nhấn mạnh: “Mỗi người ăn với mức phenol trên thì không vấn đề gì về sức khỏe. Còn với hàm lượng phenol  0,037mg/kg cá xét nghiệm ở Quảng Trị thì với cân nặng trung bình của người Việt Nam 50-60kg, ăn khoảng 200g cá/ngày cũng còn thấp so với cảnh báo của châu Âu. Nhưng trên thực tế, không phải ai cũng có thể ăn 2 lạng cá mỗi ngày”.

Hàm lượng cao mới chết người

Phenol có thể gây chết người, theo ông Long phải có hàm lượng là 300-600mg/kg thể trọng. Ví như có một thí nghiệm cho thấy, 50% con chuột được thí nghiệm đã chết khi dùng 300-600mg phenol/kg thể trọng. Ngoài ra, nếu ăn uống phải hải sản có chứa hàm lượng phenol cao sẽ phá hủy đường ruột nghiêm trọng, đồng thời làm bỏng, hỏng da. Ông Long cũng lưu ý, con người có thể bị phơi nhiễm phenol (với hàm lượng cao)  qua nhiều đường khác nhau như không khí, qua đất, nước hay môi trường làm sản xuất nilon, nhựa…

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa cũng khẳng định, với hàm lượng phenol phát hiện trong 30 tấn cá ở Quảng Trị cũng không đáng lo ngại. Chỉ cần mua về rã đông rồi ngâm, rửa bằng nước sạch và nước ấm nhiều lần có thể làm phenol tan ra, không còn trong cá.

Thực ra, phenol có độc hại hay không thì giờ mới chỉ có Bộ Y tế khẳng định trên cơ sở tham khảo các tài liệu của các quốc gia khác, còn thực tế chưa hề có những nghiên cứu của ngành y tế trong nước để đưa ra quy định với hàm lượng cho phép. Điều đó thực tế cũng làm người dân hoang mang, ngay cả khi các quốc gia tham khảo có thể có tiêu chuẩn cao đối với các chất được coi là ảnh hưởng đến sức khỏe.

Một điều nữa khiến người dân hoang mang là ngay giữa các cơ quan quản lý cũng không thống nhất về các chất cấm, những chất được coi là độc hay không độc. Bởi vậy để trấn an người dân và cũng là để ngành thủy hải sản có thể phát triển được, xuất khẩu tốt, không làm thiệt hại đến doanh nghiệp, ngành y tế cần sớm nghiên cứu và ban hành cụ thể quy định về hàm lượng không chỉ đối với phenol mà có thể nhiều chất khác.

Phenol là một chất rắn hoặc dạng dung dịch không màu hoặc màu trắng. Có thể tổng hợp được và cũng có trong tự nhiên, được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau.

Chất này có trong nước, không khí và cả trong nước ngầm. Thậm chí có trong cả thực phẩm như xúc xích, gà rán, thịt rán, hoặc có tự nhiên trong dâu, cà chua, táo, đậu phộng (lạc), ca cao, nho đỏ, sữa.

T.A

Năng lượng Mới 532

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc