Xử lý ô nhiễm tại hồ Tây cần phải triệt để
Ô nhiễm cao, hệ sinh thái suy giảm
Trước kia, môi trường và cảnh quan xung quanh hồ Tây tạo nên một bức tranh thiên nhiên hài hòa, tinh khiết. Nhưng bây giờ những giá trị về đa dạng sinh học nơi đây đã và đang suy giảm rõ, các kết quả điều tra thành phần các loài thực vật nổi ở Hồ Tây cho thấy, có sự giảm sút loài lớn nhất từ 115 loài (1996) đến nay chỉ còn khoảng 60-70 loài.
Như vậy, số loài đã giảm sút gần một nửa. Trong đó, giảm số lượng nhiều nhất là ngành tảo lục giảm từ trên 70 loài xuống còn hơn 10 loài. Các loài chim quý hay cá đặc hữu của hồ Tây như le le, sâm cầm, cá vền, cá lóc, trắm đen… gần như không còn. Nguyên nhân được các nhà khoa học chỉ ra là do môi trường nước ở hồ Tây những năm gần đây ngày càng tăng ô nhiễm, đặc biệt vào mùa khô. Hệ lụy đi kèm là số lượng cá chết ngày càng nhiều và càng tăng vào mùa nước cạn.
![]() |
Le le, loài chim đặc hữu của hồ Tây nay rất hiếm gặp |
Theo GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, vào những năm 60 của thế kỷ trước chất lượng nước hồ Tây còn rất tốt, hàm lượng BOD5 của nước hồ Tây nhỏ hơn 6mg/l, thuộc chất lượng nước loại A, nhân dân quanh khu vực thường ra hồ lấy nước về phục vụ ăn uống.
Tuy nhiên, hiện nay nước hồ Tây đã bị ô nhiễm tới mức trở thành nước loại B1, B2, hàm lượng BOD5 của nước ở giữa hồ cao nhất đạt tới 23mg/l, ở điểm gần bờ phía đường Thanh Niên cao nhất đạt tới 35mg/l (vượt cả mức lớn nhất của nước loại B2 - phục vụ cho tưới tiêu (25mg/l).
Thực tế trong 25 năm qua, TP Hà Nội đã có nhiều biện pháp bảo vệ hồ. Đơn cử như việc xây cống vòng quanh hồ để ngăn chặn và thu gom không cho các nguồn nước thải đổ thẳng vào hồ. Đây được cho là biện pháp kỹ thuật có hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước hồ.
Tuy vậy đối với hồ Tây, còn tồn tại nhiều nguồn thải nước ô nhiễm từ các cửa hàng ăn uống, các khách sạn và các công trình dịch vụ nằm ở khu vực sát bờ hồ, ở trong khu bán đảo Tây Hồ, và ở ngay trên mặt nước hồ, chưa được xử lý triệt để, nên môi trường nước gần bờ hồ Tây hiện còn bị ô nhiễm nặng, hàm lượng các chất ô nhiễm nước gần bờ gấp khoảng 2 lần so với nước ở giữa hồ...
Hà Nội cần quan tâm hơn nữa
Trong tháng 3 vừa qua, nước hồ Tây bất ngờ chuyển màu xanh rêu đậm đặc, gây lo lắng trong dư luận về vấn đề môi trường và sự sống của các sinh vật trong hồ. Bởi trước đó, trong các năm 2016 và 2018 hàng chục tấn cá chết đã nổi trắng mặt hồ Tây. Nhiều nguyên nhân khiến cá chết được đưa ra như nắng nóng, tảo nở hoa… Tuy nhiên, theo nhiều người dân sống ven hồ Tây, hiện tượng cá chết vẫn thường xuyên xảy ra nhưng số lượng không nhiều.
Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), chất lượng môi trường nước tại hồ Tây đang có dấu hiệu bị ô nhiễm. Nhiều thông số môi trường nước tại hồ Tây vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT, sinh khối và mật độ tế bào thực vật cao…
Bộ cũng đã có văn bản gửi đến UBND TP Hà Nội đề nghị quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương triển khai biện pháp cải thiện chất lượng môi trường nước hồ.
Từ cơ sở này, Bộ TN&MT đề nghị TP Hà Nội thực hiện ngay các biện pháp cải thiện chất lượng nước hồ Tây, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, duy trì sự cân bằng hệ sinh thái trong hồ. Bộ TN&MT cũng khuyến cáo, bên cạnh các thông số môi trường đã được quan trắc tự động, liên tục, TP Hà Nội vẫn cần tăng cường quan trắc định kỳ, quan trắc đột xuất khi phát hiện hiện tượng bất thường. Nhất là tại các vị trí có khả năng xâm nhập của nước thải từ các khu vực hoạt động xung quanh hồ, đặc biệt trong những ngày có mưa lớn.
Bộ TN&MT cho rằng, cần đánh giá toàn diện về các tác nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước mặt hồ Tây, xây dựng kế hoạch dài hạn bảo vệ môi trường nước mặt an toàn. Trong đó, cần chủ động tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; trao đổi thông tin với Bộ TN&MT và các bộ, ngành có liên quan để được phối hợp và hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật. Chủ động cung cấp, công khai thông tin khi có diễn biến bất thường về chất lượng nước tại hồ Tây.
Minh Châu
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025
-
Thủ tướng: Chúng ta đang nắm trong tay trách nhiệm và sứ mệnh vẻ vang trước mối đe dọa lớn nhất với hành tinh
-
Doanh nghiệp nhà nước nộp gần 400 nghìn tỷ đồng vào ngân sách năm 2024, đẩy mạnh chuyển đổi số
-
Quảng Ngãi và Kon Tum họp bàn việc sáp nhập, trình Trung ương trước tháng 5