Vu khống, nói xấu trên mạng xã hội: Chẳng lẽ bó tay!

10:17 | 26/12/2019

524 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Có thể nói tình trạng vu khống, nói xấu trên mạng xã hội đang trở thành vấn đề lớn, nhức nhối của xã hội trong thời gian gần đây. Rất nhiều thông tin bị xuyên tạc, bóp méo một cách trắng trợn, thậm chí nhiều thông tin bịa đặt hoàn toàn nhưng kẻ xấu tung lên mạng gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
vu khong noi xau tren mang xa hoi chang le bo tay

Nhiều quy định pháp luật, nhiều biện pháp đã được cơ quan chức năng đưa ra và triển khai khá bài bản, rầm rộ, cùng với đó nhiều vụ việc, cá nhân liên quan đã bị xử lý. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn không giảm mà ngày còn gia tăng phức tạp, nguy hiểm. Mới đây một tờ báo lớn còn bị photoshop, sửa tít theo kiểu bôi xấu, chơi khăm... gây bức xúc trong dư luận. Nguy hiểm hơn là các tin xấu, tiêu cực theo kiểu giật gân thường nhận được số lượng người chia sẽ, bình luận ác ý khá lớn và phát tán nhanh ‘chóng mặt’.

Tác hại tiêu cực do bị vu khống, bôi xấu trên mạng xã hội là vô cùng lớn. Nhiều người không chịu nổi áp lực dư luận phải tự vẫn, gia đình ly tán, các doanh nghiệp thì thiệt hại, ngừng sản xuất, thậm chí phá sản vì tin đồn ác ý. Ngay cả các tổ chức, cơ quan nhà nước cũng bị tấn công, bôi xấu với các tin đồn thổi vô căn cứ gây khó khăn cho hoạt động quản lý điều hành, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, nghi kỵ lẫn nhau...

Nguyên nhân còn xảy ra tình trạng này là do chế tài chưa nghiêm nên chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa. Đặc biệt xã hội chưa tạo ra được luồng dư luận, định hướng thông tin lành mạnh, tích cực để ‘cô lập’, bài trừ, loại bỏ đối với hành vi vu khống, nói xấu trên mạng xã hội, lên án các đối tượng coi thường pháp luật. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân nhằm định hướng, chỉ ra cho họ biết đâu là hành vi vi phạm pháp luật, không được làm chưa được thực hiện hiệu quả, kém chất lượng.

Do đó, để chấn chỉnh, xử lý hiệu quả tình trạng vu khống, nói xấu trên mạng xã hội trước hết là phải tăng chế tài, kể cả chế tài hành chính lẫn hình sự. Theo đó, bên cạnh xử phạt nghiêm khắc các hành vi vu khống, nói xấu, bịa đặt thì phải xử lý nhanh, rốt ráo yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vu khống, bịa đặt gây ra với cá nhân, tổ chức.

Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu, nhận thức được tác hại tiêu cực của hành vi vu khống, bôi nhọ người khác trên mạng xã hội và chế tài họ phải gánh chịu nếu thực hiện hành vi này.

Không thể để hành vi vu khống, nói xấu trên mạng xã hội cứ mặc sức ‘hoành hành’, ngày càng gia tăng và ra sức tàn phá các giá trị, nền tảng xã hội, gây hại cho rất nhiều người. Trong khi đó, một số nơi các cơ quan chức năng và cả xã hội gần như phải ‘chịu trận’, bị động trong xử lý vi phạm như thời gian vừa qua./

Vĩnh Linh