Việt Nam đang bào chế thuốc chữa ung thư?

07:00 | 03/06/2016

1,543 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đó là thông tin mà nhóm nghiên cứu bộ môn Bào chế, Trường ĐH Dược Hà Nội đã thông báo mới đây. Thuốc được điều chế bằng công nghệ bào chế liposome, tất nhiên mới trong phạm vi phòng thí nghiệm nhưng cũng đã cho thấy không những hiệu quả điều trị mà còn giảm độc tính của thuốc đối với cơ thể, giảm chi phí đối với người bệnh. Quả thật là một tin đáng mừng cho cả ngành dược Việt Nam và đặc biệt là cho bệnh nhân ung thư.  

Nguy cơ đại dịch ung thư…

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 150 nghìn người mới mắc và 100 nghìn người tử vong vì ung thư. Còn Bệnh viện K thống kê: 5 năm trước, mỗi ngày phòng khám Bệnh viện K tiếp nhận khoảng 700-800 bệnh nhân thì ngày nay con số này tăng vọt lên đến hơn 1.000 bệnh nhân, tức là tăng khoảng  10-20% mỗi năm.

Liên Hiệp Quốc cũng đưa ra con số bi quan khi từ 14 triệu người bị ung thư và tử vong vào năm 2012 sẽ tăng lên đến 22 triệu người sau 20 năm nữa, tức khoảng 60%. Đồng nghĩa với việc số người tử vong tăng từ 8,2 triệu người mỗi năm lên 13 triệu người/năm.

Chưa bao giờ ung thư lại đáng lo ngại như bây giờ bởi những nguyên nhân dường như hiện hữu xung quanh cuộc sống: môi trường ô nhiễm, thực phẩm bẩn, hóa chất tràn lan trong các thiết bị thiết yếu của cuộc sống v.v…

trien vong bao che thuoc chua ung thu o viet nam
Bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K

Năm ngoái, tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Luật Dược với mục tiêu vì người bệnh”, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Trương Quốc Cường, Bộ Y tế đã thông báo ngành dược trong nước đã điều chế được thuốc ung thư đã là một tin vui đối với người bệnh và đến hôm nay khi Trường ĐH Dược Hà Nội chính thức thông báo điều chế thành công thuốc điều trị ung thư hướng đích thì người dân không chỉ nức lòng mà còn hy vọng về sự sống nếu trong trường hợp có người thân mắc bệnh hoặc chính bản thân.

An toàn và rẻ hơn

Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Dược cho biết: Bệnh nhân ung thư phần lớn được điều trị bằng hóa trị, xạ trị nhằm tiêu diệt những tế bào ung thư trong cơ thể. Thế nhưng như “con dao hai lưỡi”  các phương pháp này lại tiêu diệt luôn cả những tế bào lành, khỏe mạnh, làm cho người bệnh mệt mỏi, suy nhược… thậm chí tử vong vì suy kiệt chứ không phải vì bệnh. Khắc phục nhược điểm ấy, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Dược Hà Nội đã nỗ lực điều chế thuốc chữa ung thư hướng đích, nghĩa là điều trị đúng vào tế bào ung thư trên cơ sở đặc tính của nó.

Và Trường ĐH Dược Hà Nội đã thàng công khi thông báo điều chế được liposome doxorubicin, loại thuốc đã điều trị thử nghiệm hiệu quả trên chuột được ghép tế bào ung thư của người. Điều đáng nói nhất của thuốc này là chỉ diệt khối u ác tính mà không gây tổn hại đến tế bào lành tính, đồng thời giảm thấp nhất độc tính của thuốc đối với cơ thể. Ngoài ra, thuốc liposome doxorubicin còn có thể trị bệnh nấm hệ thống.

Việc nghiên cứu thành công đã mở ra cơ hội sản xuất được sản phẩm thế hệ mới tại Việt Nam và giảm giá thành điều trị vốn rất đắt đỏ, nhiều người bệnh nghèo không có cơ hội sử dụng thuốc thế hệ mới.

Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Hòa, doxorubicin là một loại anthracycline hóa trị được sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với phương pháp điều trị hay các thuốc khác để điều trị một số dạng khác nhau của ung thư.

Tác dụng của nó là làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Thuốc được tiêm vào tĩnh mạch với liều lượng dựa trên tình trạng y tế, kích thước cơ thể và khả năng đáp ứng điều trị của người bệnh.

Để khắc phục những độc tính của thuốc đối với người sử dụng trực tiếp và người chăm sóc, nhóm nghiên cứu mà trưởng nhóm là PGS.TS Phạm Thị Minh Huệ, Chủ nhiệm Bộ môn Bào chế đã nghiên cứu và bào chế liposome dưới dạng tiêm với thành phần dược phẩm doxorubicin để chữa ung thư.

Liposome, theo PGS.TS Phạm Minh Huệ là những tiểu phân hình cầu có kích thước nano, có cấu trúc gồm một hoặc nhiều lớp màng lipid kép bao quanh một lõi chứa hoạt chất. Liposome được coi là một hệ vận chuyển lý tưởng với khả năng chứa, bảo vệ, vận chuyển và giải phóng hoạt chất vào những vị trí mong muốn trong cơ thể một cách chính xác và đúng liều lượng. Tuy nhiên, với cấu trúc như vậy thuốc sẽ được đưa vào liposome như thế nào?

Dựa vào đặc tính dễ tan trong nước của doxorubicin, nhóm nghiên cứu đã đưa dược phẩm này vào trong khoang nước của liposome nhờ vào sự chênh lệch pH, đặc tính ion hóa của liposome và cuối cùng kết quả thành công.

Qua các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm trên chuột, nhóm nghiên cứu khẳng định chế phẩm liposome doxorubicin có được các đặc tính tương tự với các chế phẩm đối chiếu có uy tín trên thị trường và được chứng minh tác dụng cũng như độ an toàn với giá thành ước tính rẻ hơn một nửa.

Tuy nhiên, nếu sử dụng liposome doxorubicin để điều trị ung thư, các nhà nghiên cứu cảnh báo, với đặc tính của thuốc không nên để dính vào da, mắt. Nếu chẳng may để thuốc chạm vào da, phải rửa ngay bằng xà bông và nước.

Trường hợp thuốc dính vào mắt, phải rửa mắt với nhiều nước trong 15 phút. Những người chăm sóc nên dùng biện pháp phòng ngừa (ví dụ đeo găng tay) để tránh tiếp xúc với nước tiểu của bệnh nhân hoặc chất dịch cơ thể khác ít nhất 5 ngày sau khi điều trị.

Tăng khả năng điều trị

Bên cạnh chữa ung thư thì liposome cũng được đưa vào đề điều trị nấm (có tính chất hệ thống) với thành phần dược phẩm Amphotericin B. Amphotericin B là một kháng sinh chống nấm, được sử dụng trong các trường hợp nhiễm nấm nặng, có thể gây tử vong hoặc ngăn ngừa nhiễm khuẩn nấm ở những bệnh nhân bị sốt, lượng bạch cầu trong máu thấp (bạch cầu trung tính) hoặc bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu (người nhiễm HIV, ghép tạng hoặc ung thư).

Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn sự phát triển của nấm nhờ gắn vào sterol (chủ yếu là ergosterol) ở màng tế bào nấm làm biến đổi tính thấm của màng. Thuốc cũng gắn với sterol bào chất của người (chủ yếu cholesterol) nên giải thích được một phần độc tính của thuốc đối với người.

Để khắc phục độc tính này, nhóm nghiên cứu thuộc Trường ĐH Dược Hà Nội đã dựa vào đặc điểm không tan trong nước của amphotericin B để bào chế thuốc dưới dạng liposome bằng cách tạo phức với phospholipid kép của lớp vỏ liposome. Liposome amphotericin B đã được thử nghiệm trên chuột trong phòng thí nghiệm và cũng ghi nhận được thành công nhất định.

Với điều chế thành công thuốc trị ung thư mở ra một ứng dụng mới trong công nghệ điều chế dược phẩm. Hy vọng thời gian không xa nữa, thuốc chống ung thư, chống nấm liposome doxorubicin và Liposome amphotericin B của Trường ĐH Dược Hà Nội sẽ được triển khai sản xuất để ước mơ thành hiện thực người bệnh sớm được tiếp cận với loại thuốc điều trị trúng đích “made in Viet Nam” chính hiệu với giá thành rẻ và hiệu quả hơn nhiều so với thuốc nhập khẩu có chất lượng tương tự.

Được biết, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đã có dự định hỗ trợ giai đoạn 2 của nghiên cứu liposome doxorubicin, mục đích là sản xuất thuốc trên quy mô lớn, tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người, thử tương đương sinh học và đưa thuốc ra thị trường.

Nguyễn Bách

Năng lượng Mới 528

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.