Vì sao người Pháp hay đình công?

07:00 | 14/06/2016

1,875 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ai nói người Pháp không yêu bóng đá thì phải xem lại lịch sử World Cup và EURO. Quốc gia này không phải nơi khai sinh ra bóng đá, nhưng là cái nôi của cả World Cup và EURO. Pháp cũng là một trong số ít quốc gia từng lên ngôi vô địch cả hai giải đấu danh giá nhất hành tinh này. Nhưng yêu bóng đá là một chuyện, đình công thì… vẫn đình công như thường. Đình công dường như đã trở thành truyền thống của nước Pháp rồi.

Trái bóng EURO đã bắt đầu lăn trên các sân cỏ của đất nước hình lục lăng. Nhưng trong những ngày “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” cuồng nhiệt ấy, người ta vẫn canh cánh lo ngại về viễn cảnh khủng bố và các cuộc đình công đã kéo dài hơn 3 tháng nay ở Pháp có thể làm gián đoạn ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu này. Đối phó với đình công có vẻ dễ hơn giải quyết khủng bố, nhưng một khi các nghiệp đoàn lao động lại lên lịch đình công vào đúng thời điểm nước Pháp cần tiếp đón hàng triệu vị khách, đảm bảo an ninh cho các trận cầu được hàng triệu người theo dõi thì nó lại chẳng khác gì cơn đau đầu kinh niên.

vi sao nguoi phap hay dinh cong
Rác chất chồng trên một đường phố ở thủ đô Paris do công nhân một trung tâm xử lý rác thải lớn nhất Paris đình công

Những túi rác chồng chất lên nhau trên vỉa hè, ngày này qua ngày khác, bốc mùi xú uế là hình ảnh

Các cuộc biểu tình, đình công ở Pháp lần này đa số cho nghiệp đoàn CGT đứng ra tổ chức. CGT là một nghiệp đoàn lớn thứ hai nước Pháp (sau nghiệp đoàn CFDT) và thường có chủ trương biểu tình - đôi khi bạo động - để đòi quyền lợi cho công nhân chứ ít khi thương thuyết như các nghiệp đoàn khác.

thường thấy ở “thủ đô ánh sáng” những ngày này. Mặc dù không phải tất cả Paris đều bị bao phủ bởi rác thải không được thu gom, bởi một số công ty tư nhân xử lý rác thải vẫn làm việc ở một nửa trong số 20 địa hạt, quận của thành phố và nhiều đường phố không bị ảnh hưởng, nhưng công nhân ở trung tâm xử lý rác thải lớn nhất vẫn tiếp tục đình công. Nghiệp đoàn CGT - một trong những nghiệp đoàn có tiếng nói mạnh nhất ở Pháp vẫn kêu gọi họ đình công cho đến khi chính phủ phải đồng ý với những yêu sách của họ.

Vấn nạn rác chưa giải quyết xong, tình hình giao thông cũng chẳng khá gì. Dịch vụ tàu hỏa mới được nối lại gần đây sau 9 ngày ngưng làm việc của nhân viên lái tàu, thì lại đến lượt phi công của Hãng Hàng không Air France đình công. Air France cho biết, hãng đã phải hủy 20% số chuyến bay do phi công đình công và bảo đảm thực hiện khoảng 80% số chuyến bay còn lại, do khoảng 25% số phi công của hãng bắt đầu tham gia cuộc đình công kéo dài từ ngày 11 đến 14-6. Air France cam kết bảo đảm thực hiện khoảng 80% số chuyến bay nhưng vẫn dự báo, cuộc đình công sẽ gây thiệt hại khoảng 7 triệu EURO/ngày.

Cuối tháng 5 vừa qua, các cuộc biểu tình phong tỏa các công ty cung cấp xăng dầu, đình công trong các nhà máy điện nguyên tử, các nhà máy lọc dầu… đã dẫn đến cuộc khủng hoảng nhiên liệu tại Pháp. Ở nhiều nơi, nhiều trạm xăng đã không còn nhiên liệu để cung cấp cho người tiêu thụ, khiến chính phủ buộc phải huy động nguồn dầu mỏ dự trữ chiến lược để bù vào phần năng lượng bị thiếu hụt. Cho đến nay, các cuộc đình công tại các nhà máy lọc dầu đã chấm dứt. Tuy nhiên, cơ sở lọc dầu tại Donges thuộc tỉnh Loire-Atlantique tiếp tục bị phong tỏa bởi các công nhân thuộc tổ chức nghiệp đoàn CGT.

Nguyên nhân của các cuộc biểu tình gây sóng gió trên toàn nước Pháp từ hơn 3 tháng nay là dự luật cải tổ luật lao động mang tên “El Khomri” - tên của Bộ trưởng Bộ Lao động Myriam El Khomri đưa ra ngày 18-2. Dự luật này cho phép doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc sa thải công nhân, đặc biệt là những doanh nghiệp đa quốc gia. Cho phép làm việc trên 35 giờ/tuần nếu có sự đồng ý giữa chủ và công nhân. Hiện Pháp là nước có tỷ lệ thất nghiệp khoảng 10%, cao hơn nước lân cận là Đức hay các nước Bắc Âu. Với cải tổ này, Chính phủ Pháp hy vọng tạo điều kiện dễ dàng hơn để mướn công nhân, giảm thiểu nạn thất nghiệp.

Theo giới chuyên gia, dự luật cải tổ luật lao động của Pháp chưa hẳn là “cứng rắn”, thậm chí đến giờ mới cải cách còn là muộn hơn so với các nước khác trong khối Liên minh châu Âu (EU). Bởi, trước cuộc khủng hoảng kinh tế, nhiều nước châu Âu đã cải cách luật lao động để thích ứng với môi trường hiện đại. Trong khi đó, nước Pháp là một nước có nhiều chính sách bảo vệ quyền lợi của người lao động và là quốc gia duy nhất trong EU chưa thực hiện cuộc cải cách quy mô nào. Cứ mỗi lần chính phủ có ý định cải cách là các nghiệp đoàn lại đồng loạt xuống đường đình công làm tê liệt kinh tế quốc gia, khiến chính phủ đều phải lùi bước.

Vậy Pháp đã phải là quốc gia xảy ra nhiều cuộc đình công nhất hay chưa?

Nhà sử học người Pháp, đồng thời là một chuyên gia về đình công và phong trào công đoàn Stéphane Sirot cho rằng, các phong trào xã hội lớn ở cấp quốc gia, có thể kéo dài trong một thời gian dài - đó là “một phần tính cách Pháp”. Và khi người Pháp đình công - theo ông Sirot, họ cũng biểu tình, cũng ồn ào lớn tiếng. Đó là một truyền thống lâu đời của người Pháp khi xuống đường. Các cuộc biểu tình cũng có thể dẫn đến bạo động - điều chỉ làm tăng sự chú ý của giới truyền thông và khiến nước Pháp trở nên “nổi tiếng” về đình công”, cho dù các số liệu thống kê đình công ở các nước trên thế giới trong hơn 100 năm qua cho thấy, nước Pháp còn xếp ở giữa bảng.

Vậy vì sao người Pháp lại hay đình công như vậy?

Lý do chính có vẻ tập trung quanh mối quan hệ lịch sử giữa ông chủ và người lao động. Nhưng, như nhà sử học Sirot nhận xét, trong khi ở các nước Bắc Âu, thường khi đàm phán với chính phủ thất bại, các tổ chức nghiệp đoàn mới hô hào đình công, còn ở Pháp, đình công thường đi trước các cuộc đàm phán, hoặc song hành cùng đàm phán. Một điều đáng chú ý nữa là bản thân công chúng Pháp cũng chấp nhận đình công là cần thiết để cải thiện quyền của người lao động và tỏ ra khá thông cảm với các cuộc đình công. Ngoài ra, đình công ở Pháp thường xảy ra ở khu vực công, chứ ở khu vực tư nhân lại ít có xung đột.

Thường thì công đoàn sẽ nhận được sự nhượng bộ của chính phủ, nhưng lần này thì khác, họ đã gặp phải một “đối thủ” cứng rắn và “dẻo dai” chẳng kém - Đó là Thủ tướng Pháp Manuel Valls. Mặc dù tuyên bố muốn các cuộc đình công kết thúc càng nhanh càng tốt và thừa nhận về những hậu quả kinh tế, đặc biệt là du lịch, mà các cuộc đình công đã và đang gây ra cho nước Pháp, nhưng người lãnh đạo Chính phủ Pháp vẫn khẳng định ông sẽ không rút đề nghị thay đổi luật lao động, chỉ vì ý chí của thiểu số.

Trong những ngày tới, dự đoán tình hình đình công ở Pháp vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, cho dù đội tuyển quốc gia của họ đã giành chiến thắng trong trận đầu ra quân trước Rumania. Ông Philippe Martinez, cựu Đảng viên Cộng sản Pháp, lãnh đạo của nghiệp đoàn CGT, đã khẳng định tổ chức này sẽ tiếp tục kêu gọi người lao động trong mọi lĩnh vực đình công cho đến khi chính phủ hủy dự luật cải tổ lao động. Điều này sẽ ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh của nước Pháp và đầu tư nước ngoài vào quốc gia này.

Ở các nước Bắc Âu, thường khi đàm phán với chính phủ thất bại, các tổ chức nghiệp đoàn mới hô hào đình công, còn ở Pháp, đình công thường đi trước các cuộc đàm phán, hoặc song hành cùng đàm phán.

Linh Phương

Năng lượng Mới 531