Tư nhân hóa lực lượng gìn giữ hòa bình?

02:00 | 15/10/2013

1,495 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Reuters (8/10/2013), trong tuần này, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC) có kế hoạch bỏ phiếu một dự thảo thiết lập đơn vị Lực lượng gìn giữ hòa bình (LLGGHB) tại Cộng hòa Trung Phi, nơi đang rơi vào tình trạng vô chính phủ từ khi lực lượng nổi dậy chiếm thủ đô Bangui. Việc đưa Lực lượng gìn giữ hòa bình đến Syria cũng đang cân nhắc. Cùng lúc, người ta lại bàn đến khả năng tư nhân hóa Lực lượng gìn giữ hòa bình để Liên Hiệp Quốc (LHQ) bớt tốn kém…

Tư nhân hóa lực lượng lính mũ nồi xanh?

Vấn đề gìn giữ hòa bình (ngốn ngân sách nhiều hơn bất kỳ chương trình nào khác của LHQ, với 7,3 tỉ USD) lâu nay là nỗi “khổ tâm” không chỉ với LHQ mà còn với cộng đồng thế giới. Ngày càng có nhiều quốc gia “trốn quân dịch” khi lẩn tránh sứ mạng gìn giữ hòa bình tại các điểm nóng, nơi binh lính họ đối mặt nhiều đe dọa tử vong. Tại sao không giao việc gìn giữ hòa bình cho các công ty an ninh tư nhân? Đó là đề tài tranh luận thời gian gần đây, trong một thế giới luôn bất an và hòa bình trở nên được định nghĩa là “một khái niệm trừu tượng”...

Đến nay, Lực lượng gìn giữ hòa bình (lính mũ nồi xanh) đã thành lập được 65 năm. Năm 1948, LHQ quyết định thành lập một lực lượng quân sự để thực hiện sứ mạng ổn định hòa bình tại các điểm nóng. Lực lượng lúc đó chỉ khoảng 700 người với sứ mạng đầu tiên là ổn định tình hình Trung Đông và giám sát tiến trình ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan tại Kashmir. Sứ mạng quan trọng hơn được thực hiện năm 1956, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng kênh đào Suez (liên quân Anh - Pháp - Israel tấn công Ai Cập sau khi Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser quốc hữu hóa Suez). Trước thùng thuốc súng Suez, Ngoại trưởng Canada Lester Pearson đề nghị LHQ tung ra lực lượng quân sự đa quốc gia. 27 nước đóng góp quân lực và lính mũ nồi xanh đã có mặt tại Ai Cập vào 10 ngày sau.

Hầu hết chiến dịch của Lực lượng gìn giữ hòa bình vài thập niên gần đây bắt đầu phức tạp bởi không chỉ liên quan đến quân sự mà còn dính dáng đến chính trị và nhân quyền. Bên cạnh việc duy trì hòa bình, Lực lượng gìn giữ hòa bình còn giám sát hiệp định ngừng bắn, truy quét các nhóm vũ trang địa phương và bình ổn khu vực vùng đệm. Đó là chưa kể có khi họ tham gia ngăn chặn buôn lậu vũ khí, khủng bố, tàn phá môi trường và làm công tác nhân đạo. Từ sau Thế chiến thứ II, LHQ đã tung ra nhiều đơn vị Lực lượng gìn giữ hòa bình, như tại cuộc chiến Triều Tiên năm 1950, cuộc chiến Iraq-Kuwait đầu thập niên 90, các cuộc xung đột ở Rwanda, Haiti, Bosnia-Herzegovina...

Cụ thể: Lực lượng sứ mạng thống nhất (UNITAF) ở Somalia, Lực lượng tiến hành (IFOR) và Lực lượng ổn định (SFOR) tại Bosnia-Herzegovina, Lực lượng đa quốc gia tại Haiti, Lực lượng gìn giữ hòa bình hỗn hợp (CIS) tại Tajikistan và CIS tại Georgia. Thành viên UNSC gánh mọi chi phí cho Lực lượng gìn giữ hòa bình (chính xác hơn, lương trả cho lính mũ nồi xanh không phải xuất từ túi UNSC mà từ chính phủ họ, theo ngạch lương quân đội quốc gia sở tại). Đó là cơ chế Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ.

Trở lại với câu hỏi liệu có thể tư nhân hóa lực lượng lính mũ nồi xanh? Trong thực tế, các công ty quốc phòng tư nhân ngày càng có mặt nhiều trong lĩnh vực quân sự. Họ gồm đủ thành phần, từ công ty tư vấn nhỏ, tướng tá nghỉ hưu, công ty đa quốc gia đến cả công ty an ninh chuyên cung cấp lính cảm tử đánh thuê theo hợp đồng. Quân đội Mỹ là khách sộp nhất của thị trường quốc phòng tư nhân. Bộ quốc phòng Mỹ đã ký hàng ngàn hợp đồng với các công ty quốc phòng tư với trị giá ít nhất 500 tỉ USD. Công nghiệp quốc phòng tư nhân là một trong những ngành công nghiệp béo bở. Toàn cầu, hiện có vài trăm công ty lớn hoạt động tại hơn 100 quốc gia với lợi nhuận hàng năm hơn 100 tỉ USD - theo tác giả P. W. Singer viết trên chuyên san Policy Review.

Có ba khu vực chính trong thị trường quốc phòng: cung cấp dịch vụ tiền phương; tư vấn, cố vấn chiến lược và huấn luyện; cuối cùng là dịch vụ hậu cần (hỗ trợ kỹ thuật, vận chuyển…). Vài công ty lớn đến mức có thể cung cấp gần như từ A-Z mọi yêu cầu khách hàng. Thí dụ International Charters Inc (Mỹ). Công ty này gồm cựu binh đặc nhiệm Mỹ lẫn sĩ quan nghỉ hưu Liên Xô cũ, không những có thể chỉ vẽ chiến thuật mà còn cung cấp trực thăng tấn công và trực thăng vận tải. Cần nói thêm, International Charters Inc từng “tham chiến” tại Liberia - một trong những điểm nóng nhất châu Phi thập niên 90 của thế kỷ trước. Trong vài trường hợp, khả năng “cạnh tranh” của công ty an ninh tư nhân đã nhỉnh hơn bộ máy Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ.

Cụ thể, năm 1995, khi lực lượng Mặt trận thống nhất cách mạng (RUF - nổi tiếng man rợ với màn chặt chân, tay nạn nhân) tổ chức hàng loạt vụ bắt cóc và gây hỗn loạn tình hình chính trị Sierra Leone, chính phủ nước này đã thuê Công ty An ninh Executive Outcomes (gồm nhiều cựu binh - sĩ quan lực lượng cảnh sát đặc biệt Nam Phi thời Apartheid). Với trực thăng và súng cối hạng nhẹ, Executive Outcomes đã đánh tơi tả RUF, giúp Sierra Leone tổ chức thành công cuộc bầu cử đầu tiên sau suốt một thập niên. Năm 1999, Sierra Leone lại rối loạn. Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ được phái đến. Với nhân lực và ngân sách gấp 20 lần Executive Outcomes, Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ mới có thể bình ổn tình hình sau vài tháng (và một chiến dịch quân sự thất bại đến mức phải được lính Anh giải cứu)…

Tư nhân hóa với mức độ nào?

Theo các ý kiến ủng hộ tư nhân hóa Lực lượng gìn giữ hòa bình, có ba lĩnh vực mà công ty tư nhân có thể tham gia: 1- Bảo vệ an ninh; 2- Tham gia lực lượng phản ứng nhanh; 3- Thực hiện toàn bộ chiến dịch. Một trong những ưu điểm của Lực lượng gìn giữ hòa bình tư nhân (so với Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ) là tính cơ động và chi phí thấp. Executive Outcomes có thể gửi quân tiền phương trong vòng 14 ngày từ khi nhận đơn đặt hàng và triển khai toàn bộ hơn 1.500 lính tinh nhuệ của họ (cùng vũ khí đạn dược) trong vòng 6 tuần. Chi phí cho một chiến dịch 6 tháng tốn khoảng 150 triệu USD (khoảng 600.000USD/ngày). Trong khi đó, tấm hóa đơn của Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ trung bình một ngày là 3 triệu USD (vào giai đoạn chiến dịch căng thẳng và quyết liệt)!

Ngân sách cho Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ hiện lên đến 7,3 tỉ USD

Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản. Vài công ty an ninh tư nhân - do bị chi phối bởi tính chuyên nghiệp hóa - đã không ngần ngại thuê thành phần đáng lý nằm trong danh sách tội phạm chiến tranh (như Executive Outcomes thuê cựu sĩ quan cảnh sát đặc biệt apartheid nói ở trên). Trong trường hợp này, công việc mà Executive Outcomes làm mang dáng dấp một màn đâm thuê chém mướn hơn là gìn giữ hòa bình. Thậm chí cho dù có chọn lựa cẩn thận thành phần nhân viên, công ty an ninh tư nhân cũng không thể kiểm soát được hành động của họ ngoài thực địa. Khi nhân viên phạm tội (giết thường dân chẳng hạn), liệu công ty có sẵn lòng giao nộp cho nhà chức trách (tức “thân chủ” mình) hay tìm cách bao che?

Một trong những vụ điển hình là Công ty Dyncorp. Được thuê làm nhiệm vụ gìn giữ an ninh cho LHQ và bảo trì máy bay cho quân đội Mỹ tại Bosnia, một số nhân viên Dyncorp đã dính vào đường dây mại dâm trẻ em. Bọn này được chuyển công tác sang nước khác và không hề bị truy tố tội danh nào. Tính chất phức tạp vấn đề còn ở chỗ luật quốc tế (với các công ước mang tính quốc tế) lại không thể áp dụng cho công ty an ninh tư nhân, khi họ chỉ bị ràng buộc bởi luật doanh nghiệp và bị chi phối bởi những điều kiện trong hợp đồng với khách hàng. Hơn nữa, luật hình sự Mỹ không áp dụng bên ngoài lãnh thổ Mỹ nên một khi nhân viên công ty an ninh Mỹ phạm tội ở nước ngoài, khả năng truy tố hắn là điều không tưởng.

Gút lại, việc thuê công ty tư nhân để đảm đương sứ mạng gìn giữ hòa bình - trong vài trường hợp - không khác gì một vụ “hình sự hóa chính trị”, trong khi bản chất chính trị không chỉ hiếm khi ăn nhập hình sự mà còn bị nhiều yếu tố xã hội-kinh tế khác chi phối. Cùng lúc, một mình LHQ lại không gánh nổi nhiều sứ mạng nặng nề cùng lúc. Hơn nữa, tính hiệu quả của Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ vài năm gần đây ngày càng kém trong khi ngân sách LHQ mỗi lúc mỗi khủng hoảng. Hẳn nhiên việc tìm cách san sẻ là khả năng phải tính đến. Xóa sổ Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ là ý nghĩ hoang đường nhưng sự phối hợp giữa LHQ và tư nhân có thể được xem là giải pháp. Điểm khởi đầu tốt cho giải pháp này là tạo ra tiến trình gìn giữ hòa bình (có sự tham gia tư nhân) chặt chẽ hơn, với sự ra đời chính thức các hệ thống, từ tiêu chuẩn thuê mướn đến các yêu cầu chuẩn mực về tuân thủ luật pháp quốc tế, cũng như biện pháp trừng phạt khi vi phạm…

Dù thế nào, lực lượng tư nhân cũng đã hiện diện đáng kể trong công nghiệp quốc phòng thế giới và cốt lõi dường như chỉ nằm ở chỗ cần tách bạch lĩnh vực riêng biệt nào mà tư nhân không được tham gia. Trong vấn đề gìn giữ hòa bình thế giới (nhằm hỗ trợ LHQ), sự tách bạch trên cũng là điều tính đến ngay từ khởi điểm, trước khi xảy ra một xìcăngđan “lem luốc” (chẳng hạn công ty an ninh tư nhân được thuê hóa ra là bình phong của một cơ quan cấp chính phủ nào đó). Cần nói thêm, việc kêu gọi tư nhân hóa Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ cũng có thể là chiến dịch ngụy trang cho một chủ trương, được thực hiện nhằm làm giảm thiểu sức ảnh hưởng của LHQ, dù trong thực tế, tổ chức này ngày càng mang tính “biểu tượng” hơn là thực thể chính trị quốc tế có thực quyền và được tôn trọng. 

Mạnh Kim