TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất giải pháp căn cơ để "bình ổn" thị trường vàng

17:47 | 03/06/2024

560 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trao đổi với phóng viên PetroTimes TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính cho rằng, biện pháp NHNN bán vàng cho các ngân hàng trong ngắn hạn có thể "bình ổn" thị trường vàng. Nhưng về lâu dài giải pháp căn cơ vẫn là phải có một thị trường vàng "tự do", tức là cần phải sửa Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
TS Nguyễn Trí Hiếu: Cần lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia để “tiếp sức” doanh nghiệpTS Nguyễn Trí Hiếu: Cần lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia để “tiếp sức” doanh nghiệp
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Giá vàng có thể tăng TS. Nguyễn Trí Hiếu: Giá vàng có thể tăng "rất nóng" trong thời gian tới

Thời gian qua giá vàng trong nước đã biến động mạnh, tăng nhanh, chênh lệch cao so với giá quốc tế. Để bình ổn thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai phương án bán vàng trực tiếp cho bốn Ngân hàng Thương mại Nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank) và Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn – SJC (Công ty SJC) để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân từ hôm nay (3/6). Mục tiêu là sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước và thế giới về mức phù hợp và bền vững.

TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất giải pháp căn cơ để
Chuyên gia Tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu

Đánh giá về biện pháp này, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính cho rằng, đây là một điều đáng hoan nghênh. Vừa qua, Chính phủ, NHNN cũng có nhiều biện pháp, trong đó NHNN tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC với mong muốn làm giảm chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Chính phủ cũng chưa sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Cho nên, tất cả các sáng kiến mới đều được hoan nghênh.

“Mục tiêu của đầu tiên là phải bình ổn thị trường vàng; Thứ 2 là "kéo" giá vàng trong nước tiệm cận giá vàng thế giới; thứ 3 là giữ ổn định nền kinh tế, không để những xáo trộn thị trường vàng tác động xấu đến nền kinh tế. Liệu rằng biện pháp mới này có đạt được 3 mục tiêu hay không? sẽ cần thêm thời gian để trả lời" - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, một trong các vấn đề quan trọng trong kế hoạch mới này là, liệu người dân còn mặn mà với việc mua bán vàng hay không? Bởi trước kia người dân đến các cửa hàng mua một cách thoải mái, mà bây giờ đến các ngân hàng chỉ giao dịch một chiều, tức chỉ mua nhưng lại không bán được. Trước kia người dân có thói quen mua ở đâu bán ở đó, bây giờ mua ở ngân hàng rồi lại mang ra chỗ khác bán liệu sẽ gặp trở ngại? Rồi phản ứng của thị trường sẽ thế nào?

Ngoài ra, điều quan trọng hơn nữa là, số lượng vàng các ngân hàng bán ra có đáp ứng được nhu cầu hay không, giả sử người dân đổ xô đi mua vàng thì sao? Giả sử giá vàng trong nước tiếp cận giá vàng thế giới, đâu đó khoảng cách giảm khoảng từ 3-5 triệu đồng, người dân vẫn "ùn ùn" đi mua vàng, liệu có đủ lượng vàng bán hay không?. Nếu đủ thì rất tốt. Còn nếu như không đủ, thì biện pháp này có tạm ngưng (như việc đấu thầu vàng trước đó hay không?)

“Thời gian tới, nhà đầu tư không biết ngân hàng nhà nước sẽ bán ra bao nhiêu, không biết sau này ngân hàng nhà nước còn đủ lượng vàng để bán không?. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước nếu để thị trường rõ ràng, ổn định, lượng bán ra bao nhiêu, thông số, giá bao nhiêu phải công khai, minh bạch hơn” - TS. Hiếu nhận định.

TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất giải pháp căn cơ để
Người dân xếp hàng mua vàng trong ngày đầu bình ổn giá (Ảnh: Người Lao động)

Nói về việc các ngân hàng không tính lãi khi bán vàng cho người dân để bình ổn thị trường vàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhóm Big 4 và Công ty SJC hiện nay đang đứng ở vai trò phân phối vàng chứ không phải kinh doanh vàng, ngân hàng nhà nước sẽ định giá vàng. Bởi lẽ, các ngân hàng này sẽ không tính lãi trên việc giao dịch, họ mua của ngân hàng nhà nước thế nào sẽ bán theo giá đó. “Trong bối cảnh này, các ngân hàng thực hiện được việc này là rất tốt, rất đáng hoan nghênh”, TS. Hiếu cho hay.

Trả lời câu hỏi của PV, về việc giá vàng trong nước chênh lệch với giá vàng thế giới ở mức nào thì hợp lý?. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, để đảm bảo thị trường ổn định, bền vững, nếu giảm hiệu quả, thì giảm chênh lệch so với thế giời từ 3- 5 triệu đồng, tức là giá vàng trong nước cao hơn với giá thế giới từ 3-5 triệu đồng là chấp nhận được, bởi còn phải tính đến các loại thuế, phí...

Cũng theo TS. Hiếu, vấn đề giá vàng ở Việt Nam không phải chỉ có yếu tố cung cầu nội địa, mà còn bị ảnh hưởng, chịu tác động bởi các yếu tố trên thế giới. Các ngân hàng trung ương, các nhà đầu tư trên thế giới đang gom vàng, giá vàng trên thế giới đang xu hướng tăng, và sắp tới Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có động thái giảm lãi suất thì sẽ có tác động lên giá trị đồng USD. Đồng đô la giảm giá thì giá vàng sẽ tăng. Do vậy, về xu hướng thì giá vàng thế giới sẽ không giảm trong năm nay. Kể cả nếu giá vàng trên thế giới giảm trong năm nay, có thể cũng chỉ giảm trong thời gian ngắn do cung cầu, do các nhà đầu tư bán tháo vàng chốt lời mà thôi.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, để giải quyết chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới về lâu dài vẫn cần sửa Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

“ Theo tôi nhìn nhận là đây chỉ là biện pháp nhất thời chứ chưa phải giải pháp căn cơ, căn cơ phải là sửa Nghị định 24. NHNN phải rút lại vai trò nhập khẩu vàng, để lại vai trò đó cho các nhà kinh doanh vàng. Họ đáp ứng nhu cầu của thị trường bằng cách cung cấp vàng, tự do mua vàng, nhập khẩu vàng... Thương hiệu vàng SJC phải được hủy bỏ để cho tất cả sản phẩm vàng có sự cạnh tranh công bằng. Nếu còn giữ "độc quyền vàng" thì thị trường vàng vẫn rất chênh vênh”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Mạnh Tưởng

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps