TS Nguyễn Nhã và hành trình tiếp thị ẩm thực Việt

15:32 | 06/04/2014

2,346 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhắc đến TS Nguyễn Nhã, độc giả thường nhớ đến vị chủ biên tập san Sử - Địa nổi tiếng trước 1975 và là tác giả của luận án tiến sĩ “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” (năm 2003)… Nhưng, TS Nguyễn Nhà còn là nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa rất sâu sắc, trong đó có văn hóa ẩm thực. Và 30 năm qua, ông không ngừng làm công việc thầm lặng đó, xây dựng thương hiệu ẩm thực Việt, trong đó có phở Việt.

Sau gần 30 năm nghiên cứu văn hóa ẩm thực Việt Nam, TS Nguyễn Nhã từng đứng ra tổ chức các hội nghị khoa học về Bản sắc Việt Nam trong ăn uống và giới thiệu 170 món ăn truyền thống tại Khách sạn Majestic.

Bên cạnh đó, ông còn tổ chức các hội thảo khoa học về ẩm thực trị liệu, tiệc đãi Quốc Khách tại khách sạn Kỳ Hòa và cùng với 8 chuyên gia ẩm thực và nhà nghiên cứu sáng lập Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam do ông làm Viện trưởng.

TS Nguyễn Nhã và tác phẩm "Phở Việt" ra mắt ngày 4/4/2014 tại Tp. HCM

Viện nghiên cứu ẩm thực Việt Nam đã xây dựng lý luận ẩm thực Việt - bếp Việt qua các tọa đàm, hội thảo và ra sách về ẩm thực như “Bản sắc ẩm thực Việt Nam trong ăn uống”, “Độc đáo Ẩm thực Thăng Long - Hà Nội”, “Độc đáo ẩm thực Huế” thì sự ra mắt “Phở Việt” lần này cũng nằm trong chuỗi hành trình tiếp thị ẩm thực Việt ra thế giới của TS Nguyễn Nhã.

TS Nguyễn Nhã cho biết, sau “Phở Việt” sẽ tiếp tục biên soạn “Độc đáo ẩm thực Nam Bộ”, “Ẩm thực Sài Gòn”, “Chả Việt”… Từ đó kết nối với các chuyên gia ẩm thực, chuyên gia thực phẩm, các trường đào tạo đầu bếp, cùng nhau chuẩn hóa các món ăn thuần Việt, các nhà hàng Việt với các món ăn thuần Việt, không gian đầy ắp Việt từ trang trí, đũa bát, bàn ghế, nhạc Việt… để hình thành thương hiệu ẩm thực Việt trong bảng đồ ẩm thực thế giới.

Cùng với sự cộng tác của các nhà nghiên cứu Đào Hùng, tiến sĩ Vũ Thế Long, giáo sư Nguyễn Tiến Hữu và các chuyên gia ẩm thực Hồ Thị Hoàng Anh, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân, Hồ Đắc Thiếu Anh và đầu bếp Nguyễn Văn Lập, “Phở Việt” cho người đọc cái nhìn toàn cảnh về món ăn đã được thế giới vinh danh.

 “Phở Việt” cung cấp nhiều hình ảnh, tư liệu quý về phở Việt từ những ngày đầu cho đến hiện nay, khi phở Việt đã hiện diện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt có bức tranh vẽ phở gánh Hà Nội năm 1913 của họa sĩ người Pháp Maurice Salgé.

Đây quả là nguồn tư liệu rất cần thiết giúp du khách cũng như các nhà nghiên cứu nước ngoài có thêm cơ sở dữ liệu để tìm hiểu về phở cũng như văn hóa ẩm thực Việt Nam.

TS Nguyễn Nhã tặng GS Trần Văn Khê tác phẩm '"Bản sắc ẩm thực Việt Nam"

Có mặt tại buổi ra mắt “Phở Việt” của do TS Nguyễn Nhã chủ biên, GS Trần Văn Khê chia sẻ: “Tôi rất khâm phục Nguyễn Nhã bởi những lĩnh vực mà anh đã và đang theo đuổi: sử học, giáo dục, văn hóa, ẩm thực… Tôi nghiên cứu âm nhạc. Tuy tôi và Nguyễn Nhã nghiên cứu khác nhau về lãnh vực nhưng đều chung mục đích là muốn truyền bá bản sắc văn hóa Việt Nam trên toàn thế giới. Và cũng là cách giúp thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay yêu bản sắc dân tộc, yêu văn hóa Việt Nam hơn…"

Trong hành trình tiếp thị ẩm thực Việt ra thế giới, TS Nguyễn Nhã cho rằng cần sự chung tay của nhiều người. “Có lẽ tôi chỉ là người nghiên cứu còn nơi có tính quyết định trong việc quảng bá phải là Nhà nước và doanh nghiệp. Như ở Thái Lan chẳng hạn, có hẳn một công ty của hoàng gia phụ trách việc xây dựng văn hóa ẩm thực cho nước này và hiện đã có khoảng hơn 8.000 nhà hàng Thái chuẩn trên thế giới, không kể các nhà hàng Thái không thuộc công ty của Hoàng gia Thái”, TS Nguyễn Nhã cho biết thêm.

Cha đẻ của thuyết “sức mạnh mềm” GS. Joseph Nye cho rằng trong các loại sức mạnh ảnh hưởng tới thực thể khác bằng sức hấp dẫn và hợp tác chứ không phải bằng vũ lực hay tiền bạc thì văn hóa, hệ tư tưởng chính trị cũng như chính sách của một quốc gia có vai trò cực kỳ quan trọng trong thời đại ngày nay.

Và chúng ta tin tưởng rằng, ẩm thực Việt, trong đó có phở Việt cũng là một giá trị của "sức mạnh mềm" Việt Nam.

 

Thiên Thanh