Trung Quốc tiếp tục đầu tư hàng chục tỷ vào dầu khí

14:09 | 24/06/2021

|
(PetroTimes) - Tập đoàn dầu khí PetroChina trở thành nhà đầu tư lớn nhất thế giới vào phát triển thăm dò, khai thác dầu khí trong năm 2021. Tập đoàn này có kế hoạch đầu tư vốn 36,6 tỷ USD, vượt qua các tên tuổi lớn khác trên thế giới như Saudi Aramco với tổng đầu tư 35 tỷ USD, Royal Dutch Shell với 20,5 tỷ USD.
Trung Quốc tiếp tục đầu tư hàng chục tỷ vào dầu khí

PetroChina tiếp tục đầu tư và gia tăng số lượng khoan bất chấp nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc được dự báo là đang ở mức cao. Hãng dự kiến chi 37 tỷ USD vào việc phát triển thăm dò, sản xuất dầu khí, trong khi các công ty dầu khí hàng đầu thế giới khác như Saudi Aramco, ExxonMobil và Royal Dutch Shell đã tuyên bố cắt giảm chi phí vốn trong thời gian tới.

Nguyên chính chính được cho là chính quyền Trung Quốc lo ngại sự phụ thuộc ngày càng lớn vào các nhà cung cấp nước ngoài và đang nỗ lực đa dạng hóa hơn nữa các nguồn cung cấp năng lượng. Một trong những hướng đi chính trong vấn đề này là phát triển các nguồn NLTT. Một tập đoàn dầu khí nhà nước khác của Trung Quốc là Sinopec đang tăng cường đầu tư vào công nghệ hydro. Sinopec đã công bố kế hoạch hoạt động nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Kế hoạch này chủ yếu hướng tới việc sử dụng hydro rộng rãi trong dài hạn. Trong những năm tới, Sinopec sẽ đặt cược vào sự tăng trưởng sử dụng khí thiên nhiên.

Trong năm 2020, Sinopec đã khai thác được 30,2 tỷ m3 khí thiên nhiên. Tập đoàn này sẽ tập trung vào lĩnh vực khí đốt trong năm nay với sản lượng dự kiến đạt 34 tỷ m3 và sẽ tăng lên 38 tỷ m3 vào năm 2022 và 42 tỷ m3 vào năm 2023. Là nhà sản xuất hydro lớn nhất Trung Quốc, Sinopec sẽ tập trung vào sản xuất hydro dựa trên nhiên liệu hóa thạch trong vòng 5 năm tới, cũng như phát triển hydro “green” (sản xuất từ năng lượng mặt trời và năng lượng gió bằng phương pháp điện phân nước). Hãng có kế hoạch xây dựng 100 trạm nạp hydro trong năm nay và sẽ tăng lên 1000 trạm nạp vào năm 2025. Theo ban lãnh đạo của Sinopec, hydro sẽ là lĩnh vực cốt lõi trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Sinopec.

Ngoài ra, trong những tháng đầu năm 2021, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận hợp tác với Iran. Thỏa thuận này được coi là văn kiện hợp tác chiến lược quy mô lớn giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế và an ninh trong vòng 25 năm. Một trong những lĩnh vực hợp tác dự kiến là gia tăng đầu tư của Trung Quốc vào ngành dầu khí Iran, cũng như tăng sản lượng xuất khẩu dầu thô của Iran cho Trung Quốc. Hai nước cũng dự định thành lập một ngân hàng chung giúp Iran hoạt động tích cực trong thị trường tài chính thế giới.

Xuất khẩu dầu thô của Iran sang Trung Quốc tiếp tục tăng đáng kể từ đầu năm 2021. Trong tháng 3 vừa qua, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 1 triệu thùng dầu quy đổi/ngày từ Iran. Giới phân tích cho rằng, việc xuất khẩu dầu của Iran sang Trung Quốc đã trở thành nhân tố chính kiềm chế đà tăng giá dầu Brent, cũng như ảnh hưởng đến khả năng điều tiết thị trường của liên minh OPEC+. Trong khi đó, dầu thô của Iran xuất khẩu sang Trung Quốc lại có mức chiết khấu đáng kể so với dầu Brent (từ 4-6 USD/thùng). Theo Reuters, các tàu chở dầu của Iran từng tắt các bộ định vị khi tải hàng hóa để tránh bị vệ tinh phát hiện, nhưng sau đó lại có thể quan sát bằng vệ tinh tại vị trí gần các cảng biển ở Oman, UAE và Iraq. Một số tàu khác chở dầu đến vùng biển Singapore hoặc Malaysia, chuyển dầu thô sau tàu khác để tới Trung Quốc.

Tiến Thắng