Chuyên gia Mỹ:

"Trung Quốc hủy hoại môi trường Biển Đông vì xây đảo nhân tạo ồ ạt"

06:38 | 17/09/2020

319 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc Trung Quốc nạo vét và lấp đầy các khu vực để xây đảo nhân tạo đã gây ra những thiệt hại vĩnh viễn không thể khắc phục đối với các hệ sinh thái ở Biển Đông, một chuyên gia Mỹ nhận định.
Trung Quốc hủy hoại môi trường Biển Đông vì xây đảo nhân tạo ồ ạt - 1
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc xây dựng hàng loạt công trình sau khi bồi đắp trái phép Đá Vành Khăn tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam (Ảnh: ISI)

Tiến sĩ John McManus, Giáo sư sinh học biển tại Đại học Miami (Mỹ), đã đưa ra đánh giá như vậy trong cuộc trao đổi trực tuyến với báo chí do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 16/9.

Ông McManus đã có nhiều năm nghiên cứu về môi trường Biển Đông, từng đưa ra các cách tiếp cận khoa học sáng tạo nhằm hỗ trợ quản lý bờ biển và đường phân nước, và nỗ lực phát triển một công viên hòa bình quốc tế lớn trong khu vực quần đảo Trường Sa - một ý tưởng thường gắn với nghiên cứu liên kết đá ngầm do ông tiến hành.

Trong suốt trao đổi, chuyên gia Mỹ đã nhấn mạnh vai trò của Biển Đông ở nhiều khía cạnh, từ sự đa dạng của các hệ sinh thái, nguồn cung thủy sản đối với người dân các quốc gia ven biển tới vai trò rất quan trọng của vùng biển này với ngành vận tải biển thế giới.

Ông McManus cho hay, Biển Đông sở hữu những rạn san hô đẹp nổi tiếng thế giới với hàng trăm loài khác nhau. Biển Đông có vai trò rất quan trọng về thủy sản, với nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy lượng đánh bắt tại Biển Đông chiếm 15% lượng đánh bắt toàn cầu (số liệu năm 2010). Tổng giá trị đánh bắt như vậy hàng năm vào năm 2012 là 21,8 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm 45%.

Biển Đông, theo chuyên gia Mỹ, là một khu vực có vai trò vô cùng quan trọng đối với vận tải biển thế giới. Hàng năm lưu lượng vận tải biển đi qua khu vực này trị giá hơn 5.000 tỷ USD. Nếu có xung đột xảy ra trong khu vực, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới vận tải biển, dẫn tới sự gián đoạn về thương mại và vận tải toàn cầu. Nếu các tàu hàng phải tìm cách đi đường vòng, điều này sẽ tốn kém hơn rất nhiều về thời gian và tiền bạc.

Trung Quốc hủy hoại môi trường Biển Đông vì xây đảo nhân tạo ồ ạt - 2
Tiến sĩ John McManus (Ảnh: miami.edu)

Dù Biển Đông có những vai trò rất quan trọng như vậy nhưng ông McManus cho rằng vùng biển này đang chịu nhiều tác động đáng lo ngại từ các hoạt động thay đổi hiện trạng, đánh bắt quá mức và các hành vi quân sự hóa của Trung Quốc.

Trung Quốc xây đảo nhân tạo ồ ạt

Ông McManus cho hay, các bằng chứng và hình ảnh đều cho thấy các hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đã suốt nhiều năm qua kể từ năm 2013. Các hành động này của Trung Quốc đã tác động rất lớn tới môi trường khu vực quần đảo Trường Sa, tàn phá nhiều rạn san hô đẹp nổi tiếng thế giới.

Xét ở khía cạnh khoa học, Bắc Kinh đã bị chỉ trích vì không công bố các tác động tới môi trường khi xây dựng các đảo nhân tạo. Theo chuyên gia trên, trước sức ép của quốc tế, Trung Quốc có đưa ra một vài đánh giá về tác động môi trường nhưng rất sơ sài. Thậm chí có thời điểm Trung Quốc cho biết các nhà khoa học của họ đã tới khảo sát từng rạn san hô nơi họ xây dựng tiền đồn quân sự và chỉ đưa ra kết luận đơn giản là “các rạn san hô đã chết rồi”. Tuy nhiên, ông McManus cho hay, chính một số nhà khoa học Trung Quốc vốn đề cao sự trung thực đã không đồng tình với các quan điểm và nhận định như vậy.

“Các rạn san hô vòng đã bị biến thành các tiền đồn quân sự của Trung Quốc. Bắc Kinh đã san phẳng các rạn san hô và xây dựng các tiền đồn quân sự”, ông nói.

Ông McManus đã xem các hình ảnh lịch sử của từng tiền đồn quân sự và thấy rằng trước khi xây dựng các tiền đồn, Trung Quốc đã đưa các thuyền vào để đào bới, đánh bắt trai tai tượng. “Đó là sự tàn phá kinh khủng. Khi đã xây dựng các khối bê tông thì không gì có thể phục hồi được nữa”, ông nhấn mạnh.

Ông McManus lấy ví dụ, Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa từng là một đảo san hô tuyệt đẹp, nhưng giờ đã bị xây dựng thành một khu phức hợp lớn của Trung Quốc. “Việc xây dựng tiền đồn quân sự như vậy là bất hợp pháp trên mọi khía cạnh”, ông nói.

Từ các hình ảnh của Google Earth vào năm 2016, ông McManus nhận thấy hơn 90% thiệt hại đối với các rạn san hô ở Biển Đông là do các hoạt động của Trung Quốc gây ra.

“Việc nạo vét và lấp đầy các khu vực để xây đảo nhân tạo đã gây ra những thiệt hại vĩnh viễn không thể khắc phục. Việc nạo vét các luồng lạch và bến cảng cũng gây ra những thiệt hại như vậy”, ông nhấn mạnh.

Khai thác quá mức

Một vấn đề khác đáng lo ngại, theo ông McManus, là việc Trung Quốc đánh bắt quá mức ở Biển Đông, với đội tàu cá hùng hậu. Ông cho hay, chính phủ và quân đội Trung Quốc đã hỗ trợ các tàu đánh bắt, dẫn tới tình trạng đánh bắt quá mức và tận diệt nguồn thủy sản trên Biển Đông. Các tàu cá của Trung Quốc cũng thường đóng vai trò bán quân sự khi cần thiết.

“Khi sản lượng khai thác càng lớn, đến một mức nào đó nguồn cung tái tạo thủy sản sẽ giảm đi, như vậy việc khai thác sẽ không bền vững được nữa. Sự cạn kiệt nguồn cá xảy ra khi việc đánh bắt vượt quá ngưỡng khai thác tối đa bền vững. Đó là lý do chúng tôi hi vọng các quốc gia duy trì nguồn cá trong khu vực bằng cách đánh bắt dưới mức khai thác tiềm năng tối đa”, ông McManus khuyến cáo.

Ông McManus đặc biệt chú ý tới việc Trung Quốc đẩy mạnh đánh bắt trai tai tượng - một loài thủy sinh quý hiếm - khi nước này nạo vét và bồi đắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Vỏ trai tai tượng là ngành khai thác có trị giá hàng triệu đô la Mỹ và việc khai thác trái phép như vậy của Trung Quốc đã diễn ra ồ ạt trong nhiều năm.

Ông McManus cho biết, một chuyên gia từng nhìn thấy một hình ảnh trên mạng xã hội của Trung Quốc, cho thấy một thuyền đánh bắt của nước này có chân vịt cỡ lớn đã đào bới phần đá ngầm và san hô để tìm kiếm vỏ trai tai tượng lớn tại một khu vực ở Biển Đông.

“Khi tôi tới đó vào năm 2016, tôi xác nhận các nhận định đó là chính xác. Đó chính là các khu vực thiệt hại mà do các thuyền đào bới gây ra. Tôi đã phát hiện những thiệt hại tồi tệ nhất đối với một rạn san hô mà tôi từng chứng kiến trong 40 năm làm nghề khảo sát”, chuyên gia Mỹ nói.

Ông McManus cũng nhắc tới bãi cạn Scarborough, nơi có những rạn san hô lớn và rất đẹp, rực rỡ sắc màu. Nhưng các hình ảnh từ Philippines cung cấp cho thấy các đội tàu đánh bắt trai tai tượng của Trung Quốc đã xuất hiện tại đây.

“Cách thức đánh bắt của họ khá giống nhau: các tàu đi theo số lượng lớn và có sự hộ tống của tàu hải cảnh Trung Quốc. Các tàu nhỏ vào các vùng nông đề đào bới, cày phá san hô để đánh bắt trai tai tượng. Các hình ảnh vào tháng 3/2019 đã cho thấy các tàu của Trung Quốc khai thác và tập kết những vỏ trai tai tượng”, ông McManus nói.

Ba đề xuất

Để giảm các tác động tới môi trường và các hệ sinh thái ở Biển Đông, ông McManus đã đưa ra một số đề xuất.

Thứ nhất, ông McManus ủng hộ một đề xuất của các chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) về một thỏa thuận tạm thời tương tự Hiệp ước Nam Cực nhằm đóng băng tất cả các yêu sách chủ quyền, giữ nguyên hiện trạng. Ông cho rằng, khi có một hiệp ước như vậy, các bên sẽ không tiếp tục thực hiện bất kỳ hành động nào nhằm thay đổi hiện trạng.

Thứ hai, ông McManus cho rằng cần thúc đẩy vai trò của các tổ chức nghề cá và môi trường trong khu vực để bảo vệ môi trường biển. Nhiều nhà khoa học cũng ủng hộ từng bước xây dựng công viên hòa bình trong khu vực. Ông cho rằng nếu một quốc gia đánh bắt mà không có sự điều phối rõ ràng, nguồn thủy sản sẽ cạn kiệt, vì vậy các quốc gia phải phối hợp cùng các tổ chức môi trường và nghề cá để thúc đẩy việc điều phối.

“Giống như một chiếc bánh vậy, nếu một người ăn quá nhiều thì người khác còn rất ít bánh để ăn”, ông so sánh.

Thứ ba, ông McManus cho rằng cần tiến hành các hoạt động nghiên cứu chung của các chuyên gia tới từ các bên có yêu sách chủ quyền trong khu vực bởi đây là ý tưởng tốt để các bên cùng nhau bảo vệ môi trường biển.

Theo Dân trí

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc