TRỆCH không phải bà con của TRẬT

08:38 | 10/08/2014

|
Bạn đọc: Xin nhờ ông giải đáp giùm sự khác biệt giữa “chếch - chệch - trệch - trật” cũng như các từ có liên quan. Tôi đã tra một số từ điển nhưng không được thỏa mãn. Xin cảm ơn ông! Ngô Tuấn

Năng lượng Mới số 346

Học giả An Chi: Tạm tách từ “trật” ra để nói riêng, ta có ít nhất tám từ “chích”, “chếch”, “chịch”, “chệch”, “trịch” “trệch”, “lịch” và “lệch” là những điệp thức của nhau. Tất cả đều liên quan đến một từ của tiếng Hán ghi bằng chữ [歷] mà âm Hán Việt hiện đại là “lịch”. Nghĩa thông dụng và quen thuộc của từ này là “trải qua”. Ðây là nghĩa gốc mà ta có thể thấy trong các tổ hợp “kinh lịch”, “lai lịch”, “lý lịch”, “lịch duyệt”, “lịch lãm”, “lịch thiệp”, v.v...  Nghĩa này thực tế không có liên quan gì đến nghĩa hiện hành của tám điệp thức trên đây trong tiếng Việt cả. Nhưng với “cặp đôi” “lịch lạc” thì có đấy! “Lịch lạc” [歷落] là “so le, không đều”, như đã giảng trong Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng. Với từ tổ này của tiếng Hán và với nghĩa đã thấy của nó, thì “lịch” có một điệp thức là “lệch” trong cấu trúc “lệch lạc” của tiếng Việt. Cấu trúc này được Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên giảng là “lệch, không ngay ngắn, không cân”. Như thế là về ngữ nghĩa thì ta (“lệch lạc”) và Tàu (“lịch lạc”) khăng khít như môi với răng! Hơn nữa, về âm lý thì “lịch ↔ lệch” là một hiện tượng có thể được chứng minh bằng những trường hợp tương tự giữa hai vần “ICH ↔ ÊCH”: - chích [của phương ngữ Nam Bộ] - chếch; - kịch [cợm] - kệch [cỡm]; - [con] lịch - [con] lệch (giống như con lươn nhưng ngắn); - mích [lòng] - mếch [lòng]; - [mốc] thích - [mốc] thếch; - nhích [mép] - nhếch [mép]; Cứ như trên thì ta đã có điều kiện cần và đủ về từ nguyên học để khẳng định rằng, từ “lệch” (của tiếng Việt) là một điệp thức của hình vị Hán Việt “lịch” [歷] mà nghĩa gốc là “trải qua”.

Rồi cặp “lịch ↔ lệch” này còn có một điệp thức nữa là “trịch”, gần nghĩa với nó, vẫn còn thông dụng trong phương ngữ Nam Bộ, như có thể thấy trong Từ điển phương ngữ Nam Bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên, Từ điển từ ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín và xưa hơn nữa là trong Ðại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của (1895-96). Bản thân “trịch” lại có một điệp thức là “trệch”, trước đây thông dụng ở phương ngữ miền Bắc (còn bây giờ thì cả ngoài Bắc lẫn trong Nam). Nhìn vào diện mạo ngữ âm, có thể ta sẽ có cảm giác rằng, “trịch/trệch” mới là mô-đéc chứ “chệch”, “lệch” thì cổ lỗ, nhà quê nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại. “Trịch” mới thực sự là lão làng và, về tương quan ngữ âm “TR ↔ L” thì ở đây, “trịch” ↔ “lịch” cũng y chang như: - “tràn” ↔ “lan” [瀾] là dậy sóng (ngoài nghĩa “sóng to”); - “trêu” [chọc] ↔ “liêu” [撩] mà Mathews’ Chinese  English Dictionary đối dịch là “to tease” (chòng ghẹo).

“Trêu” có một điệp thức là “lêu”, mà Ðại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng là “cung quơ ngón tay, chỉ mặt kẻ khác, làm dấu nhạo cười” còn bốn tiếng “lêu lêu mắc [mất] cỡ” thì cực kỳ quen thuộc với trẻ con trong Nam ngày xưa. Giữa thế kỷ XVII, từ này vẫn còn đọc với tổ hợp phụ âm đầu T-L thành “tlêu” như đã được ghi nhận trong Dictionarium annamiticum lusitanum et latinum [Từ điển Việt Bồ La] của A. de Rhodes (Roma, 1651).

- “tròng” ↔ “lung” [籠] trong “lung đầu” [籠頭], mà Mathews’ Chinese English Dictionary đối dịch là “a halter” (thòng lọng). Nghĩa của “lung đầu” cũng được thể hiện bằng riêng một chữ “lung” mà tự dạng gồm có bộ “cách” [革] là da bên trái còn bên phải thì chữ “long” [龍] là rồng (font của chúng tôi không có chữ này nên xin miêu tả như thế). “Thòng lọng” là một điệp thức đặc biệt song âm tiết của “tròng”. Chữ “tròng” này không được ghi nhận trong từ điển của A. de Rhodes nhưng trong quyển từ điển này thì từ “tròng” (trong “tròng trắng, tròng đỏ) được ghi với tổ hợp phụ âm đầu T-L thành “tlàõ” (= tlaòng).

- “tránh” (trong “trốn tránh”) ↔ “lánh” [另], là “riêng biệt”, “tách ra”. Giữa thế kỷ XVII, từ này vẫn còn đọc với tổ hợp phụ âm đầu T-L thành “tlánh” như đã được ghi nhận trong từ điển của A. de Rhodes.

Vì “TR ↔ L” là một hiện tượng cực kỳ cổ xưa nên thí dụ không có nhiều nhưng trên đây là những trường hợp rất bổ ích không những cho việc nghiên cứu từ nguyên của một số từ Việt gốc Hán mà còn có thể góp phần vào việc nghiên cứu ngữ âm lịch sử của chính tiếng Hán nữa. Và nếu sự thật đúng như thế thì ta có thể kết luận rằng thanh mẫu “lai” [來] trong âm vận học Trung Hoa từng có (hoặc từng có những chữ có) tổ hợp phụ âm đầu T-L. Bây giờ xin trở lại với hai từ “trịch”, “trệch”. Giữa hai điệp thức này thì “trịch” (Nam) xưa hơn “trệch” (Bắc). Lý do là khi lưu dân người Việt đi xuống phía Nam để lập nghiệp thì họ đem theo từ “trịch” “nguyên xi” rồi khi dân Ðàng Ngoài biến I thành Ê đối với một số từ, trong đó có “trịch” (thành “trệch”) thì dân Ðàng Trong không hay biết nên vẫn giữ nguyên cách phát âm cũ (là “trịch”). Vậy “trịch” xưa hơn “trệch”.

Còn “chích”, “chếch”, “chịch”, “chệch” là hệ quả của việc phát âm TR thành CH nhưng cuối cùng đã từ vựng hóa với một sự phân công tế nhị về ngữ nghĩa và cách dùng, “chích”, “chịch” ở trong Nam còn “chếch”, “chệch” thì ngoài Bắc. “Lịch” và “lệch” thì có lẽ là những từ sinh sau đẻ muộn nhất vì được phát âm theo phụ âm đầu L, xuất hiện từ đời Ðường. Thực ra, chúng tôi chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ, đặc biệt về mấy trường hợp có CH hoặc L nhưng do nhu cầu trả lời cho bạn Ngô Tuấn nên xin tạm trình bày như trên.

Bây giờ xin nói về từ “trật”. Ðây là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [失], mà âm Hán Việt hiện đại là “thất”, có nghĩa là “sai lầm” (không kể các nghĩa khác). Tương quan ngữ âm “TH ↔ TR” giữa “thất” và “trật” rất dễ thấy. Trên Năng lượng mới số 344, chúng tôi có viết: “So với các nền văn tự ghi âm bằng chữ cái La Tinh thì lĩnh vực từ nguyên học về các từ Việt gốc Hán có riêng một lợi thế thú vị là sự trợ giúp của các thanh phù trong công tác truy tầm từ nguyên liên quan đến những hình thanh tự (…) vì giữa thanh phù và chữ được nó ghi âm từng có giai đoạn đồng âm hoặc cận âm.” Về mặt này thì ta thấy chữ “thất” [失], với phụ âm đầu TH, ghi âm (làm thanh phù) cho một số chữ hình thanh có âm “trật”, như: [秩], [帙], [紩], v.v... là những chữ có phụ âm đầu TR. Quen thuộc nhất là chữ “trật” [秩], thường thấy trong từ tổ “trật tự”. Ðặc biệt, chữ “điệt” [跌] là vấp ngã, cũng hài thanh bằng chữ “thất” [失], đã bị đọc sai thành “trật”, như trong phần mềm Hanosoft 3.0 (2010 edition) cuả Tống Phước Khải, có lẽ do bị ấn tượng rằng chữ “thất” [失] thường hài thanh cho nhiều chữ “trật”. Nhưng thiết âm của nó là “địch khiết thiết” [迪齧切] nên nó phải được đọc thành “điệt”.

Cách đây trên 60 năm, một số hiệu thuốc Ðông y ở Sài Gòn - Chợ Lớn có bán một loại thuốc trị đau xương, nhức gân tên Tàu là [跌打丸] (Ðiệt đả hoàn). Chữ “điệt” này cũng bị in sai thành “trật” trên nhãn thuốc nên tên  thuốc trở thành “Trật đả hoàn”. Nhưng đây chỉ là chuyện “cao đơn (đan) hườn (hoàn) tán” chứ từ điển hoặc phần mềm về chữ Hán thì phải chính xác mới được. Ðể củng cố thêm cho lời khẳng định về tương quan TH ↔ TR giữa “thất” và “trật”, xin nói thêm rằng hình vị Hán Việt “điệt”, hài thanh bằng chữ “thất” (TH), với nghĩa “vấp ngã”, có một điệp thức là “trượt/trợt” (TR). Với những cứ liệu trên đây, ta có thể thấy quan hệ “cật ruột” giữa “thất” và “trật” là điều không có gì phải nghi ngờ; đồng thời “trật” và “trệch” (với các điệp thức của nó) không có quan hệ bà con gì về mặt từ nguyên.

A.C