Trại tập trung Ravensbruck - trại nữ tù nhân khét tiếng (Phần 2)

15:00 | 07/04/2019

2,362 lượt xem
|
(PetroTimes) - 130.000 nữ tù nhân đã bước qua cổng vào Ravensbruck, 50.000 người trong số họ bị sát hại. Trong những ngày cuối cùng, toàn bộ hồ sơ tù nhân đều bị đốt cùng với các thi thể. Tro cốt của họ bị ném xuống hồ.

Walter Sonntag là một bác sĩ khét tiếng tàn ác ở trại Ravensbruck. Mỗi sáng, ông ta trong đồng phục SS màu đen, rảo bước qua hàng nữ tù nhân đứng đợi bên ngoài bệnh viện của trại. Họ là những người bị chó cắn, bị đánh đập hoặc bị sưng chân vì quá lạnh. Ông ta thường dùng ủng đá hoặc dùng gậy tre quật họ trong khi miệng lúc nào cũng nở một nụ cười.

trai tap trung ravensbruck trai nu tu nhan khet tieng phan 2
Lao động khổ sai tại trại tập trung Ravensbruck

Tại bệnh viện, ông ta thường thích nhổ răng còn nguyên vẹn của tù nhân mà không dùng thuốc gây tê và coi đây là một thú vui. Ông ta chọn chừng 75 tù nhân làm vật thí nghiệm, đập xương họ ra rồi ghép lại, rồi lại đập ra.

Trong các ca phẫu thuật đặc biệt, ông ta cắt cơ chân của tù nhân, nhét bụi bẩn, mảnh vụn thủy tinh, gỗ vào vết thương và để mặc họ như vậy hoặc là dùng thuốc thử nghiệm để chữa cho họ.

Ở trại Ravensbruck, bác sĩ đồ tể Sonnatag còn được giao nhiệm vụ tìm ra cách ngăn chặn bệnh giang mai và lậu để binh lính Đức có thể thoải mái vào nhà chứa mà không sợ mắc hai bệnh này.

Không ai biết chính xác có bao nhiêu người chết trong các cuộc thí nghiệm của bác sĩ Sonnatag. Người ta còn đồn rằng bác sĩ này đã tiêm xoắn khuẩn giang mai vào cột sống của tù nhân.

Trong cuốn sách, nhà báo Helm cho biết nhóm phụ nữ chuột bạch này đặc biệt dũng cảm. Họ tìm cách tuồn thông tin ra để bên ngoài biết những gì đang xảy ra ở Ravensbruck.

Họ dùng nước tiểu của chính mình để làm mực vô hình viết thư và gửi về London. Họ phản kháng ngầm với những gì họ đang phải chịu đựng.

Tháng 5-1944, tin tức về sự tàn ác không thể tin nổi mà nữ tù nhân Ravensbruck đang trải qua đã được phát sóng trên đài phát thanh hoạt động bí mật ở Anh. Tuy nhiên, trại tập trung khét tiếng này vẫn tồn tại cho đến khi Thế chiến II kết thúc.

trai tap trung ravensbruck trai nu tu nhan khet tieng phan 2
Buồng giam phạm nhân

Hơn thế nữa, đầu năm 1945, mọi chuyện ở Ravensbruck mới lên đến đỉnh điểm khi số tù nhân ở đây đạt đỉnh và tình trạng quá chật chội là một vấn đề lớn của trại tập trung.

Để xử lý tình trạng này, Đức quốc xã đã lập các phòng hơi ngạt để giết bớt tù nhân. Mỗi một lần, 150 phụ nữ bị đưa vào đây để hành quyết.

Những người còn sống sót

Theo nhà báo Helm, nhiều tù nhân từng sống sót tại Ravensbruck về sau bị chấn thương tâm lý đến mức họ không muốn nghe, không muốn nhắc đến ký ức kinh hoàng này. Họ chỉ muốn chôn vùi nó mãi mãi.

Khi đọc thông tin về Ravensbruck, người ta khó hình dung ai đó có thể sống sót mà ra khỏi cái lò tử thần này. Nhưng trong thực tế, nhiều người đã giữ được mạng sống ra khỏi trại tập trung.

Nhà báo Helm viết: "Tồn tại là một vấn đề nan giải. Để sống sót, thứ mà bạn cần hơn bất kỳ điều gì khác là may mắn. Nếu có sức khỏe, bạn có thể có cơ hội sống nhiều hơn. Nếu bạn còn có tác dụng vào việc gì đó và có thể lao động khổ sai, bạn sẽ được để cho sống".

Rất nhiều tù nhân ở Ravensbruck can đảm đến không thể tin nổi. Họ trốn khi cai tù vào chọn tù nhân để đưa vào phòng hơi ngạt. Một cách khác để sống sót là trở thành thủ lĩnh của phòng. Thủ lĩnh của phòng là tù nhân nhưng họ hành xử và tàn độc như cai ngục vì bản năng sinh tồn.

trai tap trung ravensbruck trai nu tu nhan khet tieng phan 2
Xung quanh trại là các hàng rào điện tử

Sống trong trại giam khét tiếng này nhưng chỉ có một vài người dám tìm cách vượt ngục. Một trong số đó là nữ tù nhân Katharina Waitz, một người Gypsy và bị Hitler coi là "giống thoái hóa" rồi bị tống vào Ravensbruck.

Trước đó, cô gái trẻ dũng cảm này đã từng trốn hai lần và đều bị bắt lại, trải qua hằng tháng trời bị tra tấn trong phòng trừng phạt. Waitz vẫn không từ bỏ hy vọng trốn thoát lần nữa. Trong bóng đêm dày đặc, cô tìm cách qua mặt lính gác và chó canh rồi trèo lên mái nhà của căng tin dành cho nhân viên nhà tù. Từ đó, cô trèo qua hàng rào điện, trùm chăn lên dây thép gai, vượt qua 5 hàng rào dây thép gai và bức tường cao 4,5 mét rồi chạy trốn vào rừng.

Waitz trốn được ba ngày đêm. Trong thời gian đó, những tù nhân khác cùng phòng với cô bị bắt đứng liên tục trong phòng trừng phạt, không được động đậy và không được ăn.

Vào buổi sáng thứ 4, Waitz bị bắt trở lại nhà tù, mình mẩy đẫm máu và vết chó cắn. Cô bị quẳng vào phòng trừng phạt. Cai ngục bảo với những tù nhân còn lại rằng họ có thể xử Waitz thế nào tùy thích.

Phát cuồng vì bị bỏ đói và trừng phạt, đám tù nhân nữ dùng chân ghế đập cô tới chết. Họ đổ lỗi cho cô vì những gì họ phải trải qua và làm công việc giết người bẩn thỉu thay cho cai ngục.

Trong suốt 6 năm tồn tại, hàng nghìn phụ nữ đã chịu đựng những số phận ác nghiệt tương tự. Họ làm việc cho tới chết. Họ bị bỏ đói, bị đánh đập, bị treo cổ, bị đầu độc, bị thiêu sống…

Nhưng khi chiến tranh kết thúc, những gì đã xảy ra ở Ravensbruck nhanh chóng bị lãng quên. Suốt 70 năm qua, những tội ác kinh khủng hiện diện ở trại tập trung này hầu như không ai biết tới.

130.000 nữ tù nhân đã bước qua cổng vào Ravensbruck, 50.000 người trong số họ bị sát hại. Trong những ngày cuối cùng, toàn bộ hồ sơ tù nhân đều bị đốt cùng với các thi thể. Tro cốt của họ bị ném xuống hồ.

Nhưng chính những người sống sót trở về lại là những người góp phần lớn che phủ bức màn bí mật lên trại tập trung Ravensbruck.

Theo nhà báo Helm, khi phỏng vấn nhân chứng, một người cho biết không thể diễn tả thành lời những gì xảy ra ở trại đó.

Người khác nói rằng khi kể cho gia đình, bè bạn những gì mình đã trải qua trong Ravensbruck thì bị người thân ngăn lại vì mọi người nghĩ họ bị điên. Có người lại ngăn nhà báo Helm viết về trại tập trung chỉ vì nó quá kinh khủng.

Trong quá trình tìm tư liệu viết sách, nhà báo Helm không biết bao nhiêu lần phải rơi nước mắt vì những gì mình biết. Thế nhưng nhà báo Helm vẫn quyết tâm đeo đuổi đến cùng. Đối với cô, những tiếng nói còn lại của Ravensbruck cần phải được lắng nghe.

Hòa Thu

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc