Tình bạn dưới góc nhìn Phật giáo

08:53 | 16/06/2018

2,059 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong cuộc sống, gặp được bạn hiền, bạn tốt là một điều thật hiếm quý, giống như được ăn đào tiên trên trời, ngàn năm mới ra quả một lần.

Mỗi người trong chúng ta, từ khi sinh ra cho đến khi mất đi, nếu là người may mắn đều sẽ có rất nhiều cơ hội nhận được những tình cảm tốt đẹp ở cuộc đời. Trong đó không thể không nhắc đến tình cha mẹ mênh mông, cao vời, tình thầy sâu nặng, dạy dỗ ta nên người, hay tình yêu lứa đôi thơ mộng, đẹp tựa những đóa hồng. Bên cạnh những tình cảm thiêng liêng, cao đẹp ấy có một tình cảm rất đỗi bình dị và cao quý nhưng đôi khi vì quá quen thuộc, gần gũi mà chúng ta không nhận ra, đó là: tình bạn.

tinh ban duoi goc nhin phat giao

Đối với mỗi người, có được tiền tài, địa vị, sự nghiệp trong xã hội đã là một điều khó, nhưng để tìm được cho mình một người bạn tri kỉ có thể sẻ chia bao điều trong cuộc sống lại càng khó hơn.

Ca dao có câu:

“Ra đi vừa gặp bạn hiền,

Cũng bằng ăn quả đào tiên trên trời.

Ra đi vừa gặp bạn quen,

Cũng bằng tắm nước ao sen trước chùa”

Trong cuộc sống, gặp được bạn hiền, bạn tốt là một điều thật hiếm quý, giống như được ăn đào tiên trên trời, ngàn năm mới ra quả một lần. Bởi gặp được bạn hiền là chúng ta được thân cận bậc thiện tri thức, được mở tung cánh cửa tâm hồn đón nhận làn gió trong lành, mát dịu của chân trời tri thức mới, như được“tắm nước ao sen trước chùa”, cảm giác rất khoan khoái, dễ chịu.

Còn nhà Phật quan niệm, gặp được thiện tri thức là chúng ta phải gieo nhân duyên phước báu từ nhiều đời kiếp trước. Vậy thế nào là một tình bạn chân chính, và làm thế nào để chúng ta có thể tìm thấy người bạn đúng nghĩa. Trong kinh Hiền Nhân, đức Phật có nói về bốn cách kết bạn, đó là: kết bạn như hoa, kết bạn như cân, kết bạn như núi và kết bạn như đất.

tinh ban duoi goc nhin phat giao

Thứ nhất là “kết bạn như hoa”. Đó là kiểu tình bạn chạy theo vật chất, lợi dụng lẫn nhau. Khi giàu sang thì tìm mọi cách để làm quen dựa dẫm, khi nghèo khó thì bỏ mặc như người xa lạ. Như đức Phật đã nói: “Khi một bông hoa còn tươi tốt thì giắt trên đầu nâng niu yêu quý, còn khô héo rồi thì vứt bỏ đi”.

Tình bạn như thế thì không thể bền lâu. Vì vậy kinh Hiền Nhân cũng đã dạy: “Ở đời, có thịnh ắt có suy, có hợp ắt có tan, lành dữ vô thường, họa phúc đều do mình tự chuốc lấy. Kết bạn mà không bền chắc thì không nên thân”.

Thứ hai là “kết bạn như cân”. Cân là vật dùng để đo lường. Kết bạn như cân là kiểu tình bạn đòi hỏi phải qua lại. Như đặc tính của cân, để vật nặng thì gục đầu xuống, vật nhẹ thì vổng đầu lên, cũng vậy, tình bạn này khi có qua lại thì cung kính nhau, không qua lại thì khi dễ nhau.

Cả hai cách kết bạn này, chúng ta thấy rõ đều thiếu nhân thiếu nghĩa, đều không bền lâu. Vì vậy, chúng ta không nên kết bạn như hoa, như cân.

Thứ ba là “kết bạn như núi”. Núi là nơi có dồi dào nguồn thức ăn, nơi chim muông đến tụ hội, nương tựa để sinh sống và nhờ đó làm cho sự sống thêm đa dạng và phong phú hơn. Kết bạn như núi cũng được hiểu như thế, là tình bạn san sẻ, bồi đắp, bổ khuyết cho nhau. Khi giàu sang thì giúp đỡ lẫn nhau, khi nghèo khó thì cùng nhau vượt qua.

Ví như một sinh viên đi học xa nhà, hàng tháng phải nhận tiền trợ cấp của gia đình để trang trải việc học cũng như sinh hoạt hằng ngày. Chẳng may một khi nào đó vì gia đình khó khăn hoặc phải đóng học phí, bạn phải chịu cảnh cơm tương mì gói hay nhịn đói, hoặc trường hợp xấu hơn nữa là mất chỗ trọ. Những lúc này nếu có người nào đó đến giúp đỡ bạn với tâm chân thành, vui vẻ thì cả hai đều được lợi ích riêng, người nhận giúp đỡ sẽ có được sự ấm cúng của tình bạn, có thể vượt qua những khó khăn để tiếp tục việc học, còn người giúp đỡ thì trong lòng sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc và an lạc vì đã làm được một việc tốt.

Cuối cùng là “kết bạn như đất”. Nhắc đến “đất” chúng ta sẽ liên tưởng đến một đức tính rất cần thiết đối với mỗi con người, đó là nhẫn nhịn. Vì sao đất được ví với hạnh nhẫn nhịn? Vì khi chúng ta đổ xuống đất những thứ dơ uế, bất tịnh, đất đều âm thầm chấp nhận và chịu đựng mà không một lời oán thán. Chúng ta hãy học hạnh nhẫn nhịn này của đất.

Bảo Thư (Sưu tầm)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.