Nhật Bản, Trung Quốc hạ nhiệt?

11:21 | 07/11/2014

681 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 6/11, Chính phủ Nhật Bản và Trung Quốc cuối cùng đã lên kế hoạch cho cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình, sẽ diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC, theo thời báo Nhật Bản The Japan News.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Nếu cuộc đối thoại diễn ra, chứng tỏ rằng cuộc gặp vào các ngày 3, 4/11 vừa qua trong khuôn khổ Hội nghị APEC đã có tác dụng giảm bớt phần nào căng thẳng giữa lãnh đạo hai quốc gia. Cuộc gặp riêng sắp tới đây sẽ là lần gặp gỡ chính thức đầu tiên của ông Abe và ông Tập kể từ khi nhậm chức.

Vào năm 2012, Trung Quốc đã từ chối tổ chức gặp gỡ Thủ tướng Abe, trừ khi nhà lãnh đạo Nhật Bản chịu nhượng bộ trong vấn đề Senkaku/Điếu Ngư bằng cách thừa nhận “có tranh chấp” tại khu vực này.

Theo hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo, suốt thời gian đàm phán từ lúc đó đến bây giờ, Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng, ông Abe cần hứa sẽ không tiếp tục đi thăm đền Yasukuni - ngôi đền gây nhiều tranh cãi do thờ các binh lính bị cho là tội phạm chiến tranh trong Thế chiến 2. Mặc dù vậy, ông Abe cũng không có dấu hiệu gì cho thấy sẽ chấp nhận các điều kiện trên.

Tuy nhiên, vào tháng trước, báo chí Nhật Bản lại đưa tin rằng, ông Abe có thể sẽ nhượng bộ Trung Quốc bằng cách thừa nhận có tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Theo Tạp chí The Diplomat, Nhật Bản đã đưa ra đề xuất rằng, tại cuộc gặp bên lề APEC, Thủ tướng Abe trước tiên cần tái khẳng định Senkaku thuộc lãnh thổ Nhật Bản, nhưng sau đó sẽ đả động tới việc Trung Quốc cũng có yêu sách chủ quyền đối với quần đảo này và như vậy, gián tiếp thừa nhận có tranh chấp ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhưng cho đến nay, dường như không có điều gì được nhắc tới ở trên có khả năng được nêu trong một tuyên bố chung hay bất kỳ văn bản chính thức nào sau hội nghị cấp cao APEC.

Vào thời điểm hiện nay, vấn đề gây căng thẳng nhất giữa hai quốc gia có lẽ không phải Senkaku mà là đền thờ Yasukuni. Thủ tướng Abe đã khiến Trung Quốc và Hàn Quốc vô cùng tức giận khi tới thăm ngôi đền này vào tháng 12/2013. Vào tháng trước, ông Abe lại đề cập tới việc đi thăm ngôi đền gây tranh cãi này với nội các của mình và đã bị Trung Quốc lên án khá gay gắt, coi đó là hành động tôn thờ tội phạm chiến tranh, muốn xóa sạch vết nhơ quá khứ quân phiệt. Làn sóng phẫn nộ trong các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên dự kiến sẽ dâng cao hơn nữa nếu trong năm 2015, tức là 70 năm sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ hai kết thúc, ông Abe vẫn tới viếng đền Yasukuni.

Đền Yasukuni thờ binh lính Nhật Bản bị coi là tội phạm chiến tranh từ Chiến tranh thế giới 2

Chính vì vậy, việc lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc sắp tới có thể ngồi vào bàn với nhau sẽ là chủ đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Cuộc đối thoại được mong chờ sẽ giúp giảm căng thẳng giữa hai bên nhưng cũng không loại trừ khả năng có thể khiến tình hình tồi tệ hơn.

Nhật Bản đang lên kế hoạch về đề nghị thiết lập một cơ chế liên lạc hàng hải giữa các cơ quan quốc phòng của 2 nước. Cơ chế này sẽ bao gồm đường dây nóng giữa chính quyền hai phía và được nối trực tiếp với các tàu thuyền cũng như máy bay của 2 quốc gia nhằm tránh những cuộc đụng độ đáng tiếc.

Hà My (theo The Japan News)