Thanh xuân của hai cô giáo

21:57 | 24/02/2019

254 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Những ngày sau Tết, mẹ tôi cứ loay hoay với cái điều khiển tivi, tìm xem có kênh nào phát lại chương trình Quán thanh xuân, đã phát chính thức hôm mùng 6 Tết hay không. Khi tôi tìm lại chương trình ấy trên mạng Internet cho mẹ tôi, một cô giáo lịch sử đã nghỉ hưu, mẹ liền ngồi xem mê mải. Đó là chương trình Tết hay nhất trong mắt mẹ tôi.  

Quán thanh xuân số Tết Kỷ Hợi 2019 đã thực sự khiến mẹ tôi nhớ lại một cách hạnh phúc không khí Tết thời mẹ còn thanh xuân, cùng với người em dâu của mình.

Đó là năm 1979, cô giáo Hiền và cô giáo Nguyên khi ấy đang dạy môn Sử và môn Lý tại trường cấp 3 Văn Lâm (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Hai cô giáo này tuổi gần bằng nhau, cùng làm dâu trong một gia đình. Chị dâu cả là Hiền, ở chung với bố mẹ chồng, em dâu hai là Nguyên, ở nhà riêng cùng xóm.

thanh xuan cua hai co giao
Diễm Quỳnh - Anh Tuấn hai MC của chương trình “Quán thanh xuân”

Ngày thường thì ở riêng, ăn riêng như vậy, nhưng Tết nhà giáo nghèo lắm, cô giáo Nguyên xin phép được ăn Tết chung với mẹ chồng. Thế là Tết đến, hai cô giáo cảm thấy nhẹ lòng hơn, vui hơn vì cùng được ăn Tết chung với mẹ chồng, sẽ có cái Tết đủ đầy hơn.

Mẹ chồng của hai cô giáo trẻ là bà Ổn, tuy là nông dân nhưng là chỗ dựa chắc chắn cho hai con dâu là nhà giáo, được tiếng là có lương nhà nước hẳn hoi. Bà cụ nông dân da trắng, môi đỏ bỏm bẻm nhai trầu, tóc vấn hai vòng quanh đầu, chít khăn đen mỏ quạ, chẳng có một đồng lương nhà nước, hóa ra vẫn là nhà tài trợ lớn nhất cho cái Tết của hai con dâu là nhà giáo khi ấy.

Mẹ chồng nông dân một mình cấy gần 5 sào ruộng. Mùa đông thì trồng thêm khoai tây, đỗ lạc... Bà thu vén hoa trái trong vườn đi bán dịp giáp Tết để có tiền lo Tết cho ông bà, các con đẻ và hai cô con dâu. Bà đem bán tất cả, nào là quả đào tiên, quả bưởi, lá trầu không, buồng cau, cây tre trong vườn, rồi đàn lợn con… thậm chí dỡ được đám khoai to cũng mang chợ bán.

Cô giáo Hiền và cô giáo Nguyên, cũng mong ngóng Tết đến. Nhà trường không có tiền Tết để phát cho giáo viên, nhưng chia cho mỗi người dúm mì chính cánh, dúm tiêu xay, hai lạng đỗ, một cân nếp, một túi kẹo lạc Hải Dương nấu bằng đường đỏ thẫm, ăn còn có mùi hôi do lạc có nhân bị hỏng. Mỗi cô được chia thêm hai lạng xương lợn, hoặc nếu không lấy xương lợn thì được hơn lạng thịt dắt mỡ. Ít ỏi nhiêu thôi mà hai cô giáo cũng hớn hở mang về góp với mẹ chồng. Ít ỏi như thế, mà mẹ chồng không cho ăn Tết chung, thì lấy đâu ra nồi bánh chưng sùng sục sôi trong bếp?

Hai cô giáo góp Tết có nhiêu đó thôi, mẹ chồng rộng lòng nhận hết khiến hai con dâu cũng thấy mình có chút công sức. Vậy mà Tết đến, vui đáo để. Mẹ chồng vun vén đủ nồi bánh chưng to củi cháy lách tách trong bếp, nồi xương hầm măng bên cạnh, nồi khoai nấu cà chua mới thơm nhỏ dãi, nồi chè bà cốt ngọt lịm môi, con gà trống nhốt sẵn trong lồng đợi đêm Ba mươi cúng ông bà, và chậu nhôm to ngâm gạo chuẩn bị làm bún.

Riêng cái vụ hai cô giáo cùng mẹ chồng tự làm bún thì quá nhiều cảm xúc. Nhắc đến cảnh làm bún ăn ba ngày Tết là cô giáo Hiền lại nhủn người, như có dòng điện âm thầm đốt dọc sống lưng. Gạo ngâm kỹ cho đến khi nước gạo bốc mùi chua, mẹ chồng mới bảo hai con dâu ngồi xay gạo. Cái cối đá nặng, hai cô giáo thay nhau ngồi xay mà mỏi rời rã cánh tay, đau gãy cả lưng. Xay xong thì lọc bột gạo, rồi cho vào cối giã cho nhuyễn. Hai con dâu đứng giã, mẹ chồng ngồi đầu cối, nhanh tay lật đảo tấm bột nặng. Cô giáo Hiền mỗi lần buông chân thả chày, lại thót tim sợ đầu chày nghiến vào tay mẹ chồng thì gãy tay như bỡn. Tết nhất đến nơi mà con dâu lỡ làm gãy tay mẹ chồng thì mất cả Tết! Nỗi sợ ấy ám ảnh mỗi lần cô giáo buông chày, ám ảnh đến tận ngày mẹ chồng ra đi về cõi ấy, biết bao năm rồi cũng chưa nguôi. Bún làm xong, vớt ra để cả ba rổ to cho ráo nước, ăn suốt ba ngày Tết. Có năm Tết nóng quá, bún bị ôi, ngửi thấy chua nhưng các cô giáo vẫn tiếc, vẫn cứ chan canh măng nóng vào rồi ăn, thế mà cũng không bị đau bụng!

Cô giáo Nguyên nhớ lại, mẹ chồng mỗi lần nấu gần xong một món dưới bếp, nêm nếm xong lại lớn tiếng gọi hai con dâu “Chúng bay ơi, ngon đáo để!” Thế là hai con dâu, dù đang bận rửa lá bánh, hay lau bàn thờ, cũng phải bỏ đó chạy xuống bếp nếm thử một miếng!

Tuy mẹ chồng vun vén khéo như thế, nhưng đại gia đình có 8 người lớn, 4 trẻ nhỏ, Tết đến vẫn phải ăn trông nồi, ngồi trông hướng, bởi thời bao cấp khó khăn, mọi thức ăn ngon đều đã cố gắng dồn cho Tết, mà thiếu thốn vẫn hoàn thiếu thốn. Lũ trẻ đứa nhanh tay gắp, đứa chậm hơn mếu máo khi đĩa thịt gà trống không, hai cô giáo cũng đành nhịn miệng nhường con, lúc dỗ lúc mắng con mình để không vì miếng ăn mà mất đi niềm vui chung.

Cô giáo Hiền, con dâu trưởng kể lại, bài học lớn mà cô học được trong việc sống chung với mẹ chồng, với em dâu trong đại gia đình dịp Tết, ấy là chữ NHƯỜNG NHỊN. Mang chữ ấy đi suốt cuộc đời, cô giáo hẳn nhiên nhận phần thua thiệt, nhưng mãi giữ được cái TÌNH.

Kiều Bích Hậu