Quyền người tiêu dùng bị xâm phạm bởi tin nhắn "rác"

08:02 | 11/04/2015

1,610 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện nay, rất nhiều người dân bị làm phiền, thậm chí bị lừa bởi các tin nhắn qua điện thoại với nội dung quảng cáo, trúng thưởng… Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, trong trường hợp này quyền của người tiêu dùng đã bị xâm phạm.

Thông tin tại Hội nghị pháp luật cạnh tranh, phòng vệ thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, do Cục Quản lý Cạnh tranh Bộ Công Thương tổ chức tại TP HCM ngày 10/4.

Người dân thường xuyên nhận những tin nhắn “rác”

Ngoài những tin nhắn quảng cáo thông thường, không ít tin nhắn gởi đến người dân nhằm hướng dẫn thực hiện theo các yêu cầu trong nội dung tin để thu lợi bất chính, dạng như “Chúc mừng bạn đã trúng thưởng… để xem chi tiết soạn tin… gởi đến số…” hay “Bạn vừa nhận được tiền khuyến mại vào tài khoản trả trước, để kích hoạt tài khoản khuyến mại soạn tin… gởi đến…”. Nếu không tỉnh táo thực hiện theo các hướng dẫn này người tiêu dùng sẽ bị trừ rất nhiều tiền trong tài khoản hoặc nếu không thực hiện theo thì người tiêu dùng cũng cảm thấy bị làm phiền vì phải liên tục kiểm tra tin nhắn.

Theo ông Phan Thế Thắng, Phó trưởng phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tình trạng người dân nhận được các tin nhắn quảng cáo, lừa đảo rất nhiều và không ít người đã bị mắc bẫy. Cho dù có bị lừa đảo hay chưa thì việc thông tin cá nhân của người tiêu dùng bị tiết lộ khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng là đã vi phạm pháp luật.

Hội nghị pháp luật cạnh tranh, phòng vệ thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Tại Điều 6 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định, khi thu thập, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân phải thông báo rõ ràng, công khai mục đích của việc thu thập, sử dụng thông tin và phải được người tiêu dùng đồng ý… Vì vậy, việc thông tin của người tiêu dùng bị tiết lộ cho các cá nhân, doanh nghiệp để nhắn tin quảng cáo thu lợi khi chưa được sự đồng ý của người tiêu dùng là đã vi phạm điều này. Người tiêu dùng có thể khiếu nại đến các Hội bảo vệ người tiêu dùng địa phương, Sở Công Thương, Cục Quản lý Cạnh tranh…

Mặc dù được quy định như trên nhưng theo các luật sư  rất khó để thực thi điều này, bởi Luật chưa đưa ra các biện pháp chế tài cụ thể, chưa có căn cứ để xác định mức độ thiệt hại và căn cứ để xử phạt. Do đó, người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm quyền lợi mà ít ai nghĩ đến chuyện khiếu nại để bảo vệ quyền của mình. Và cũng vì thế, chưa đủ sức răn đe những đối tượng vi phạm.

Mai Phương (tổng hợp)