Phòng, chống tham nhũng: Người dân có thể tạo ra sự khác biệt

10:50 | 10/01/2020

525 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo Tổ chức Hướng tới minh bạch, cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Việt Nam, năm 2019, mặc dù nhiều vụ tham nhũng lớn được đưa ra xét xử nhưng tham nhũng vẫn đứng vị trí thứ 4 trong số những mối quan tâm hàng đầu của người dân Việt Nam, trong khi năm 2016 là mối quan tâm thứ 7.

Sáng 7/1/2020, báo cáo “Phong vũ biểu tham nhũng Việt Nam năm 2019” đã được công bố tại Hà Nội do Tổ chức Hướng tới minh bạch tổ chức với sự phối hợp của Đại sứ quán Đan Mạch và Phần Lan.

Tại buổi công bố báo cáo, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Tổ chức Hướng tới minh bạch cho biết: Năm 2019, mặc dù nhiều vụ tham nhũng lớn được đưa ra xét xử nhưng tham nhũng vẫn đứng vị trí thứ 4 trong số những mối quan tâm hàng đầu của người dân Việt Nam, trong khi năm 2016 là mối quan tâm thứ 7.

49% người dân được khảo sát cho rằng, việc tố cáo tham nhũng không có tác dụng và lo sợ phải gánh chịu hậu quả do tố cáo. Đáng chú ý, đa số người dân được khảo sát cho rằng các nhóm lợi ích đang chi phối một cách thiếu minh bạch các chính sách và quyết định của Nhà nước vì lợi ích riêng.

nguoi dan co the tao ra su khac biet

Bà Viễn nói: “Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam, đe dọa sự ổn định chính trị và là trở lực lớn đối với sự phát triển của đất nước”.

Minh chứng cho điều này, ông Phí Ngọc Tuyển, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2019, công tác tự kiểm tra nội bộ đã phát hiện 26 vụ và 30 đối tượng tham nhũng; công tác thanh tra phát hiện 69 vụ và 45 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng; công tác giải quyết khiếu nại và tố cáo cũng giúp phát hiện 17 vụ và 37 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng. Bên cạnh đó, cơ quan kiểm toán đã phát hiện, chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu tội phạm liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn.

Theo Cục Phòng chống tham nhũng, năm 2019, có 46 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 10 trường hợp vi phạm, xử lý kỷ luật 8 trường hợp. 6 cá nhân nộp lại quà tặng theo quy định với tổng giá trị là 182 triệu đồng. Phát hiện và xử lý 3 vụ việc nhận quà không đúng quy định với tổng giá trị gần 4 tỉ đồng.

So với năm 2018, số vụ tham nhũng phát hiện qua công tác tự kiểm tra nội bộ năm 2019 tăng 1 vụ và 3 đối tượng (25 vụ và 27 đối tượng). Còn số vụ tham nhũng phát hiện qua thanh tra và qua giải quyết khiếu nại - tố cáo giảm không đáng kể.

Một “kênh” khác cho thấy tham nhũng năm 2019 đang diễn ra phức tạp là những con số trong công tác điều tra, xử lý của các cơ quan tư pháp. Ông Tuyển dẫn chứng, cơ quan công an đã thụ lý điều tra 423 vụ án, hơn 1.000 bị can về tội tham nhũng, trong đó khởi tố mới 220 vụ, 515 bị can, giảm 0,9% số vụ và tăng hơn 20% số bị can so với năm 2018. Thiệt hại trong các vụ án nói trên là hơn 7.500 tỉ đồng, 22.000m2 đất. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã thu hồi, phong tỏa được gần 9.500 tỉ đồng, gần 12.000m2 đất và nhiều tài sản khác.

Ông Tuyển cũng cho hay, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 300/672 bị can. Riêng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố mới 12 vụ, 16 bị can về tội danh tham nhũng. Tòa án nhân dân các cấp cũng đã xét xử sơ thẩm 279 vụ án, 614 bị cáo, trong đó có 10 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình và tù chung thân.

Ông Tuyển nhận định: Năm 2019 có không ít các vụ tham nhũng lớn, có ảnh hưởng đến hệ thống quản lý Nhà nước và người dân, đã nhanh chóng được điều tra, xử lý thể hiện quan điểm “không có vùng cấm” của Đảng, Nhà nước. Để công tác phòng, chống tham nhũng tới đây hiệu quả hơn nữa, cần thực hiện các giải pháp cơ bản, trong đó đặc biệt quan trọng là xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính và truyền thông để không chỉ những công chức, cán bộ, lãnh đạo trong các bộ máy công quyền mà cả người dân nhận thức rõ về tham nhũng, để trên cơ sở đó phòng và chống tham nhũng.

Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh thêm: Sự công khai, minh bạch rất quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Ví dụ, ở nhiều quốc gia phát triển, trên các website của cơ quan chức năng hoặc Chính phủ, những khoản chi tiêu tài chính, ngân sách... đều được công khai để người dân biết. Bởi suy cho cùng, khoản tiền đó đều là tiền thuế của người dân, cho nên người dân cần được biết, ngân sách thu từ họ được sử dụng như thế nào.

TS Lê Đăng Doanh nói: “Hiện website của Bộ Tài chính phần nào cũng đã công khai, minh bạch các con số như vậy. Tuy nhiên, cần công khai hơn nữa để không có cơ hội cho tham nhũng xảy ra”.

Ông Doanh cũng đề xuất nên ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn vào các dịch vụ công nhằm hạn chế sự giao tiếp giữa người với người để tránh tham nhũng nảy sinh từ đây.

Với vai trò là tổ chức khảo sát, nghiên cứu về phòng chống tham nhũng, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn kiến nghị: Người dân Việt Nam tin rằng họ có thể tạo sự khác biệt trong cuộc chiến chống tham nhũng. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cùng tất cả các cấp chính quyền cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cũng như hướng dẫn phương thức, cơ chế cụ thể để người dân tham gia phòng, chống tham nhũng. Điểm quan trọng nữa là cần bảo đảm cho những người đấu tranh chống tham nhũng sẽ không phải gánh chịu hậu quả tiêu cực.

8 vấn đề liên quan đến “Phong vũ biểu tham nhũng Việt Nam 2019”:

1. Người dân Việt Nam ngày càng quan ngại về tham nhũng.

2. Gần 1/5 người khảo sát nói rằng họ đã đưa hối lộ, giảm đáng kể so với những năm trước.

3. Các biện pháp phòng, chống tham nhũng của Nhà nước được cho rằng có hiệu quả hơn.

4. Nhiều người dân tin rằng họ có thể tạo ra sự khác biệt trong phòng, chống tham nhũng.

5. Người dân quan ngại về khả năng chi phối, thiếu minh bạch của các công ty, tập đoàn tư nhân lớn và các nhóm lợi ích.

6. Người dân đòi hỏi đội ngũ cán bộ công chức phải có tính liêm chính cao hơn.

7. Nữ giới nổi lên như là một chủ thể quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng.

8. Hối lộ tình dục là một vấn đề đáng lo ngại.

Tú Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc