Nỗi buồn mang tên... Lịch sử?

05:00 | 07/03/2014

6,270 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tôi thực sự bàng hoàng khi nghe GS Văn Như Cương công bố rằng, gần như 100% học sinh của Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, một trường danh tiếng bậc nhất ở Việt Nam - không đăng ký thi môn Lịch sử.

Năng lượng Mới số 302

Như vậy chứng tỏ một điều, học sinh đã quá chán học môn Lịch sử.

Còn nhớ hơn 1 năm trước, khi học sinh ném đề cương môn Lịch sử trắng sân trường, các nhà giáo dục khi ấy vẫn cho rằng đây là hành động bột phát, không phải là ý thức của các em học sinh về môn Lịch sử.

Người ta lý giải cho nguyên nhân vì sao học sinh không thích học Lịch sử, là do cách dạy cứng nhắc, nặng về các con số, sự kiện, bắt học sinh học thuộc lòng…

Người ta cũng đổ lỗi cho thầy, cô giáo là không tâm huyết dạy môn Lịch sử, hoặc cách dạy chiếu lệ, dạy cho qua giờ.

Nhân đây, tôi xin kể cho các bạn nghe hai câu chuyện nhỏ.

Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an có kể rằng, hành trang đầu tiên của ông khi đi theo Cách mạng từ năm 17 tuổi là lòng yêu nước. Lòng yêu nước của ông xuất phát từ những bài học lịch sử đầu tiên qua bài thơ “Lịch sử nước ta” của
Bác Hồ:

"Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam

Kể từ hơn bốn ngàn năm
Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hòa
Hồng Bàng là tổ nước ta
Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang
Thiếu niên ta rất vẻ vang
Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời
Tuổi tuy chưa đến chín, mười
Ra tay cứu nước, dẹp loài vô lương
An Dương Vương thế Hùng Vương
Quốc danh Âu Lạc cầm quyền trị dân
Nước Tàu cậy thế đông người
Kéo quân áp bức giống nòi Việt Nam.
Quân Tàu nhiều kẻ tham lam
Dân ta há dễ chịu làm tôi ngươi.
Hai Bà Trưng có đại tài
Phất cờ khởi nghĩa giết người tà gian…"

Chính lịch sử đã hun đúc cho ông lòng tự hào về quá khứ oanh liệt của cha ông. Và sau này, khi trở thành một vị Tướng của lực lượng Công an phụ trách an ninh và tình báo, mỗi khi giải quyết bất kỳ công việc gì, ông hay vận những bài học của lịch sử để xử lý công việc.

Một người khác là bà Thu Nhàn, vợ của vị tướng tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn. Bà cũng nói rằng, bà tham gia hoạt động với chồng cũng là từ những bài học lịch sử được học ở trong trường… Có thể nói, với rất nhiều thế hệ người Việt Nam, lịch sử dựng nước và giữ nước đã làm tăng thêm lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và tạo nên sức mạnh giúp cha ông ta vượt qua những khó khăn, gian khổ và cả hy sinh, mất mát.

Thiết nghĩ, giá trị của môn Lịch sử không còn điều gì phải bàn thêm nữa. Ấy vậy mà, bây giờ học sinh quay lưng lại với môn Lịch sử. Còn Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thì lại "chiều" theo ý muốn này của học sinh, mà để cho môn Lịch sử trở thành môn tự chọn. Thích thì thi, không thích thì bỏ qua.

Trong giai đoạn chúng ta chuyển nền kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có nghĩa là chúng ta chấp nhận sức mạnh của đồng tiền. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, lý tưởng của hầu hết học sinh, sinh viên nói riêng và thế hệ trẻ nói chung là càng kiếm ra nhiều tiền càng tốt. Đồng tiền bây giờ đã quyết định gần như tất cả mọi thứ, thậm chí kể cả quan niệm đạo đức, phong tục tập quán, lối sống.

Nếu ngày trước, mọi người dân đều có mức sống ngang nhau (tạm nói là trong giới công chức), thì sức mạnh của đồng tiền chưa thể hiện rõ. Tuy vậy, vào những năm đầu thập niên 80, đã có bài vè thế này: "Đồng tiền là tiên, là Phật/ Là sức bật của cuộc đời/ Là nụ cười của em thơ/ Là ước mơ của tuổi trẻ/ Là sức khỏe của tuổi già/ Là cái đà của danh vọng/ Là cái lọng để tiến thân/ Là cán cân của công lý/ Đồng tiền hết ý, đồng tiền ơi!".

Bài vè về đồng tiền này nghe thật… chối tai. Nhưng vận vào tình hình bây giờ, thì thấy không phải không có cái đúng.

Học Lịch sử là để trau dồi tinh thần yêu nước. Môn Lịch sử như một thứ thuốc kháng sinh vô hình giúp cho mỗi người có thêm một sức mạnh tinh thần khi đối phó với những nguy cơ gây bất ổn do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Bây giờ, chẳng có doanh nghiệp nào khi tuyển dụng nhân viên lại quan tâm đến điểm học môn Lịch sử của ứng viên. Người ta chỉ yêu cầu giỏi tiếng Anh, giỏi Tin học, giỏi các kiến thức chuyên ngành.

Vậy là môn Lịch sử không còn là động lực để giúp cho học sinh, sinh viên khi vào đời tìm được công ăn việc làm. Trong thời buổi này, chuyện cơm áo đâu có đùa được. Không giỏi Lịch sử chưa chắc đã chết đói, nhưng máy tính không giỏi, kiến thức ngành nghề không tốt thì đói là chắc. Chính vì vậy, học sinh bây giờ rất thực dụng khi chỉ học cái mình cần cho trước mắt. Còn thẩm mỹ văn chương ư, lòng yêu nước có từ kiến thức lịch sử ư… hãy để lùi lại phía sau.

Một vấn đề nữa là xem ra chúng ta đang dân chủ quá trớn trong việc dạy và học. Ấy là chiều theo ý thích của dư luận. Lẽ ra, Bộ GD&ĐT phải xác định vai trò, ý nghĩa của môn Lịch sử đối với việc trồng người. Khi đã xác định được như vậy thì sẽ bắt buộc học sinh phải học, chứ không thể để cho học sinh thích gì thì học nấy.

Vậy thử hỏi nếu có rất nhiều học sinh có năng khiếu các môn xã hội và không thích môn Toán thì sao? Ai cũng biết rằng, trừ những nhà khoa học, còn những người làm việc trong các ngành khoa học, xã hội chẳng ai cần biết phương trình, vi phân, tích phân là gì, chỉ cần biết cộng, trừ, nhân, chia cho đúng là đủ.

Nếu đã chiều theo ý muốn là cho học sinh tự chọn thì cho tự chọn tất cả. Ai thích học môn gì, môn gì phù hợp với ý thích của mình thì học, môn nào không yêu, không thích thì thôi. Nếu thế này thì loạn!

Chính vì sự không có kỷ cương trong giáo dục sẽ dẫn đến những suy nghĩ tự do, vô chính phủ ngay từ khi còn trẻ.

Tại sao các bậc phụ huynh lại bắt con mình phải ăn món này, uống thứ này, mặc dù nhiều món ăn, đồ uống đứa trẻ không hề thích? Không thích, nhưng vẫn phải bắt ăn, bắt uống vì đó là nguồn cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của con trẻ. Vậy thì học cũng là nạp năng lượng tinh thần, hành trang kiến thức cho mỗi người thì cũng phải bắt học, buộc phải học. Không nên bàn cãi về chuyện nên hay không nên.

Còn nhớ mấy năm trước, dư luận đã từng xôn xao về việc một học sinh của Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) có bài văn “lạ”. Ngày ấy, người ta đã nhao nhao lên phải tôn trọng cái gọi là “tự do tư tưởng” của học sinh.

Mỗi công dân đều phải chấp hành những quy định về luật pháp và đối với học sinh, cũng phải chấp hành những quy định về học tập. Còn việc dạy như thế nào để cho các em, các cháu yêu môn Lịch sử, soạn sách giáo khoa như thế nào cho phù hợp thì các nhà giáo dục, các nhà biên soạn sách, các nhà sử học phải ngồi lại với nhau để bàn bạc, để viết lại sách giáo khoa.

Đừng quá tham lam mà nhồi nhét vào đầu học sinh những số liệu, những sự kiện dài dằng dặc, mà không có cách nào có thể nhớ nổi.

Quả thật, nhìn sách giáo khoa môn Lịch sử và môn Ngữ văn, tôi cũng thấy ớn lạnh, bởi cách biên soạn sách giáo khoa như thế. Họ đã biến học sinh thành những cái máy sao chép văn bản, đưa vào đầu học sinh quá nhiều kiến thức vô bổ.

Gần đây, lại có một tình trạng thế này nữa, cái gì người ta cũng làm theo mẫu, từ đơn xin nghỉ phép, nghỉ ốm, đơn xin việc, thậm chí điếu văn bây giờ cũng có mẫu sẵn. Với cách dạy và học, rồi thực hiện mọi việc theo các văn bản mẫu như thế này thì hèn gì học sinh không muốn học môn Lịch sử nữa.

Như Thổ