Những ngân hàng nào “mặn mà” với dự án năng lượng xanh?

11:51 | 15/04/2020

6,009 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thực tế để tiếp cận vốn từ ngân hàng đối với các dự án năng lượng tái tạo là không dễ. Ví dụ như đối với điện mặt trời, việc "người người, nhà nhà" đổ tiền làm điện mặt trời nên nhu cầu về vốn trung, dài hạn lớn trong khi nguồn cung có giới hạn.

Việt Nam lên kế hoạch thúc đẩy tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, như thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió và năng lượng sinh khối lên 21% tổng công suất lắp đặt, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng đang gia tăng nhanh chóng, và giảm 25% lượng phát thải khí nhà kính tới 2030. Đây chính là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều các nhà đầu tư quan tâm đến việc phát triển các dự án về năng lượng tái tạo. Nhiều ngân hàng cũng đã bắt đầu có những gói cho vay giá trị lớn để thúc đẩy phát triển ngành năng lượng xanh này.

nhung ngan hang nao mam ma voi du an nang luong xanh
Tiếp cận vốn từ ngân hàng đối với các dự án năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều rào cản

Tại hội thảo “Tài chính xanh thúc đẩy năng lượng trong các ngành tại Việt Nam” do tổ chức Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam phối hợp Liên minh năng lượng bền vững (VSEA) và Nhóm công tác về biến đổi khí hậu (CCWG) phối hợp tổ chức, ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm đào tạo của Hiệp hội Ngân hàng cho biết, dư nợ tín dụng dành cho năng lượng tái tạo có tốc độ tăng trưởng nhanh, giữa năm 2018 đạt 123.000 tỷ đồng, nhưng chỉ trong 6 tháng năm 2019 đã tăng lên 250.000 tỷ đồng và có xu hướng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Dự án điện mặt trời hút vốn đầu tư

Năng lượng mặt trời là một trong những năng lượng thu hút được dòng vốn đầu tư nhiều nhất trong thời gian qua. Hiện tại, lĩnh vực điện mặt trời nhận được quan tâm của nhiều ngân hàng. Khách hàng có 2 dạng: Một là những dự án lớn cung cấp tổng thể. Hai là dự án công suất vừa hoặc điện mặt trời áp mái cho các hộ gia đình.

Mới đây nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã ký kết một thỏa thuận cho vay trị giá 37,8 triệu USD với Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển năng lượng TTC (Công ty Năng lượng TTC) nhằm cung cấp tài trợ dài hạn cho việc xây dựng và vận hành một nhà máy điện mặt trời công suất 50MW tại Tây Ninh.

Dự án sẽ xây dựng và vận hành nhà máy điện mặt trời công suất 50 MW cùng các công trình phụ trợ tại Tây Ninh, giúp giảm 29.760 tấn phát thải carbon hàng năm.

Trước đó, hàng loạt các ngân hàng cũng đã mở những gói tín dụng đối với các dự án năng lượng tái tạo. Những cái tên như Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV đã có những gói tín dụng xanh cho các dự án trong năm 2018. Vietcombank đang cho vay 3 dự án là Srêpok 1, Srêpok 2 và BP Solar. Srêpok 1 có tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng tại Đắk Lắk. Srêpok 2 và BP Solar 1 là 2 dự án ở Phước Hữu, Ninh Thuận.

VietinBank cũng công bố tài trợ 1.000 tỷ đồng, tương đương 62,5% tổng vốn đầu tư cho dự án điện mặt trời TTC 01 tại Tây Ninh.

Năm 2017, Agribank và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cũng ký thỏa thuận đồng tài trợ vốn cho nhà máy điện mặt trời Phong Điền (Thừa Thiên Huế) với vốn đối ứng của chủ đầu tư chiếm 40%, vốn vay các ngân hàng chiếm 60%.

Riêng HD Bank dành 7.000 tỷ đồng cho các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và tính đến năm 2018 đã cấp 3.000 tỷ đồng cho các dự án năng lượng điện mặt trời.

Ngoài cho vay vốn đầu tư dự án thì nhiều ngân hàng cũng hợp tác với doanh nghiệp cho vay khách hàng dùng hệ thống năng lượng mặt trời.

Chẳng hạn, BIDV phối hợp với Công ty Năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK) đưa ra các gói giải pháp điện mặt trời hỗ trợ các hộ gia đình. Hạn mức cho vay tối đa 75% tổng vốn đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái công suất 2-10 kWp với thời hạn 12-36 tháng, lãi suất 10%/năm.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng là một trong số những nhà băng tham gia cấp vốn cho dự án điện mặt trời, đơn cử như nhà máy Phước Hữu công suất lắp đặt 65 MWp của CTCP Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang. Cụ thể, MSB cấp vốn cho Vịnh Nha Trang thông qua việc mua toàn bộ 650 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm do công ty phát hành với lãi suất cổ định năm đầu tiên là 10% và các kỳ tiếp theo là tổng của lãi tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng tại MSB cộng với biên độ 3,5%/năm.

Điện gió vẫn khó hấp thụ vốn

Theo nghiên cứu phạm vi vùng, không áp dụng dự án cụ thể của Chương trình Hỗ trợ Phát triển Năng lượng của Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ), chi phí đầu tư cho mỗi kW điện gió tại Việt Nam là 1.870 USD không bao gồm cơ sở hạ tầng, tính theo chi phí sản xuất quy dẫn (LCOE).

Nếu áp dụng một kịch bản tiết kiệm thì cũng tốn đến 1.500 USD. Như vậy, suất đầu tư điện gió đang đắt tương đương suất đầu tư điện gió trong bờ tại châu Âu và Bắc Mỹ, cao hơn 300-500 USD mỗi kW so với Ấn Độ và Trung Quốc.

Với mức chênh lệch mong manh giữa chi phí đầu tư và giá bán điện, việc thu hút được dòng vốn khó khăn là điều dễ hiểu. Cho đến giờ, dù tiềm năng điện gió cao nhưng các bài toán lợi nhuận chưa đủ hấp dẫn để các tổ chức tín dụng gật đầu rót vốn cho các dự án.

Thống kê gần đây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy, tính đến hết 31/5/2019, cả nước mới có 7 nhà máy điện gió đã được đưa vào vận hành với tổng công suất lắp đặt là 331 MW. Các nhà máy điện gió đã phát 14,5 triệu kWh trong tháng 5/2019.

Nguyên nhân khiến các nhà đầu tư điện gió vẫn e ngại đầu tư vào Việt Nam có nhiều, trong đó việc huy đồng vốn cho các dự án còn gặp nhiều trở ngại. Cán bộ phụ trách mảng đầu tư ngân hàng thuộc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho biết: “Đầu tư vào năng lượng tái tạo là lĩnh vực đầu tư mới gần đây thu hút các nhà đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, các nhà đầu tư này lại thường thiếu năng lực nên có tình trạng ngân hàng từ chối tài trợ cho các dự án”.

Tính đến thời điểm hiện tại, BIDV là một trong số ít ngân hàng đã cấp tín dụng cho nhiều dự án lớn điện gió, biến những khu vực tưởng như hoang hóa trở thành nguồn năng điện hòa vào mạng lưới quốc gia. Cụ thể, Dự án Hướng Linh 1 và Hướng Linh 2 (Quảng Trị), tổng công suất 60 MW và dự án Phương Mai 3 (Bình Định), công suất 20,7 MW.

Thực tế để tiếp cận vốn từ ngân hàng đối với các dự án năng lượng tái tạo là không dễ. Ví dụ như đối với điện mặt trời, việc "người người, nhà nhà" đổ tiền làm điện mặt trời nên nhu cầu về vốn trung, dài hạn lớn trong khi nguồn cung có giới hạn. Chưa kể, đầu tư ồ ạt song không phải doanh nghiệp nào cũng có thể ký hợp đồng đấu nối vào lưới điện quốc gia.

Theo một lãnh đạo ngân hàng, các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng này có thể tiếp cận vốn vay lên đến 70% tổng mức đầu tư, yêu cầu về vốn đối ứng với từng dự án lại khác nhau nhưng mức phổ biến là tối thiểu 30% tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, tiêu chí ngân hàng đặt ra cho dự án không đơn giản: phải hòan thành đúng tiến độ, hòa lưới điện quốc gia.

Ngân hàng sẽ đánh giá năng lực của chủ đầu tư, phân tích mức độ rủi ro của dự án trước khi quyết định tỷ lệ vốn đối ứng. Bên cạnh đó, khi cho vay các dự án như vậy thì ngân hàng cũng đánh giá các yếu tố trên khá kỹ càng. Dù thế, bởi điện mặt trời, điện gió là những lĩnh vực mới nên hiện còn nhiều hạn chế nhất định như đáp ứng về hạ tầng đấu nối, cơ chế giá… Đây cũng là những khó khăn nhất định cho ngân hàng trong quá trình thẩm định để đưa ra quyết định đầu tư, tài trợ vốn.

M.T

nhung ngan hang nao mam ma voi du an nang luong xanhCòn rất nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng tín dụng xanh
nhung ngan hang nao mam ma voi du an nang luong xanhPhát triển tín dụng xanh qua cách tiếp cận tổng thể và có hệ thống
nhung ngan hang nao mam ma voi du an nang luong xanhNgân hàng đóng vai trò trọng yếu trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư