Những con số "lạnh người" sau kỳ nghỉ tết

08:48 | 20/02/2016

671 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ tính riêng trong 3 ngày (từ ngày 28 đến sáng mùng 2 Tết), hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh đã khám cấp cứu cho 17.278 trường hợp do tai nạn giao thông (tăng 113% so với Tết Ất Mùi), trong đó 1.928 trường hợp chấn thương sọ não (chiếm 11,2%), 182 trường hợp phẫu thuật chấn thương sọ não (chiếm 1%).

Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, trong 3 ngày Tết từ 7-2 đến hết ngày 9/2 tức là từ ngày 29 đến mùng 2 Tết), cả nước đã có tới 1.971 trường hợp cấp cứu do đánh nhau, xô xát. Như vậy, cho đến lúc nghỉ tết kết thúc, con số đáng buồn trên chắc chắn vẫn còn tăng do đây là thời điểm mọi người đi du xuân, lễ hội...

Con số giảm nhưng vẫn đáng lo

Theo như thống kê, số tử vong do tai nạn giao thông kể cả trước khi nhập viện và tiên lượng tử vong xin về là 88 trường hợp (giảm 1% so với Tết Ất Mùi). Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, thống kê của Cục CSGT (C67) từ 58/63 tỉnh, thành phố trong 3 ngày Tết Nguyên đán từ ngày 29 Tết đến 16 giờ ngày mùng 2 Tết ( từ ngày 7 đến ngày 9-2) cả nước xảy ra 104 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 64 người, bị thương 98 người. 

Trong đó, ngày 7-2 xảy ra 34 vụ, làm chết 23 người, bị thương 30 người đều ở  trên đường bộ. Ngày 8-2 cả nước xảy ra 32 vụ, làm chết 21 người, bị thương 30 người (trong đó có 1 vụ xảy ra ở đường sắt làm 2 người bị thương). Ngày 9-2 , cả nước xảy ra 38 vụ tai nạn, làm chết 20 người, bị thương 38 người  ( trong đó đường sắt xảy ra 1 vụ làm 1 người bị thương).

nhung con so lanh nguoi sau ky nghi tet
Hiện trường vụ TNGT ngày mùng 2 tết làm 3 người chết ở Chương Mỹ (Hà Nội).

Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá TNGT trong 3 ngày 29, 1, 2 Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 với cùng kỳ 3 ngày Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015  giảm về  số vụ, số người chết, số người bị thương, không xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể số vụ giảm từ 182 xuống 104 vụ (giảm 78 vụ, tương đương giảm 43%); số người chết giảm từ 107 xuống 64 người ( giảm 43 người, tương đương giảm 41%); số người bị thương giảm từ 157 xuống 98 người (giảm 59 người, tương đương giảm 38%).

Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia còn cho biết thêm, trong 3 ngày Tết tình trạng ùn ứ kéo dài xảy ra thường xuyên tại các tuyến đường xung quanh nhiều đền, chùa trên địa bàn thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nguyên nhân là do mật độ người tham gia giao thông tập trung về khu vực này quá lớn, thêm vào đó tình trạng xe lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm bãi trông giữ xe diễn ra phổ biến, người dân dừng đỗ tìm chỗ gửi xe nên tình trạng giao thông tại các khu vực này càng thêm lộn xộn. 

Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia kiến nghị các Sở, ban ngành địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 2313/CĐ-TTg về việc bảo đảm trật tự ATGT dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Bính Thân và Lễ hội Xuân 2016; kịp thời báo cáo các vụ TNGT giao thông đặc biệt nghiêm trọng về Ủy ban ATGT Quốc gia. Đồng thời xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của người dân về tình hình  trật tự ATGT và hoạt động vận tải khách qua số điện thoại đường dây nóng phục vụ Tết.

Công an tỉnh, thành phố huy động tối đa lực lượng CSGT phối hợp với các lực lượng công an khác (cảnh sát trật tự, công an xã...) đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm  trật tự ATGT, đặc biệt chú trọng xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn; vi phạm tốc độ khi lái xe; không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy, xe đạp điện. 

Tăng cường tuyên truyền thông qua hệ thống đài truyền thanh huyện, xã về nguy cơ tai nạn giao thông khi lái xe trong tình trạng đã uống rượu, bia; nguy cơ chấn thương sọ não và tử vong trong trường hợp bị tai nạn giao thông khi đi môtô, xe máy mà không đội mũ bảo hiểm đúng quy định; yêu cầu nhân dân thực hiện "Đã uống rượu bia-không lái xe", "Đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy"; "Không cầm và nghe điện thoại di động khi lái xe".

"Ớn lạnh" trong khoa cấp cứu

Ngoài số vụ TNGT nói trên, có 98 trường hợp nhập viện do pháo nổ, không có tử vong, số nhập viện tăng gấp đôi so với Tết Ất Mùi; 31 trường hợp nhập viện do chất nổ khác, không có ca tử vong. Và đặc biệt, theo như thống kê tổng số ca khám, cấp cứu do đánh nhau là 1.971 trường hợp (giảm 83% so với 3 ngày Tết Ất Mùi). Tuy nhiên có 10 trường hợp tử vong do đánh nhau, con số này trong 3 ngày Tết Ất Mùi là 4 trường hợp. 

Tính đến sáng mùng 2 Tết, số người bệnh còn nằm điều trị tại các bệnh viện là 70.574 trường hợp. Và hẳn ai cũng hiểu rằng, một trong những nguyên nhân "tạo" ra những con số đáng thương tâm với gần 20 nghìn  trường hợp nhập viện do TNGT và gần 2.000 vụ đánh nhau đó là từ những chén rượu chúc nhau ngày xuân.

Theo như cập nhật từ một số khoa Cấp cứu từ các bệnh viện Trung ương cho đến địa phương, hình ảnh ngày tết thật đáng thương tâm khi nơi đây luôn trong tình trạng quá tải. Trong những ngày nghỉ lễ, không riêng gì tết Nguyên Đán, khoa cấp cứu trở thành nơi "đầu sóng ngọn gió" trong những ngày này. Thời điểm lẽ ra được ở bên gia đình nhưng các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế luôn bận rộn làm việc không lúc nào ngơi tay để giành giật sự sống cho những trường hợp cấp cứu.

Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), các bác sĩ, điều dưỡng đang nỗ lực cấp cứu, điều trị cho khoảng 20 bệnh nhân. Và cứ khoảng 10-20 phút lại có thêm một chiếc xe cấp cứu đậu trước khoa, không ít bệnh nhân nằm trên cáng, đưa vào khoa trong tình trạng bê bết máu. Chứng kiến các trường hợp tai nạn thừa chết thiếu sống được đưa vào khoa cấp cứu tại các bệnh viện, mới thấy "ớn lạnh" với các vụ tai nạn được đưa vào nơi này. 

Theo lãnh đạo khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, chỉ tính trong 4 ngày nghỉ tết (từ 29 tết đến hết ngày mùng 3), khoa cấp cứu đã tiếp nhận 963 bệnh nhân. 

Bên cạnh các bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý nội khoa, ngoại khoa thì có đến 278 bệnh nhân bị TNGT. 18 người bị tai nạn có nguyên nhân được xác định do bia rượu. Nhiều người nhập viện trong tình trạng đa thương, đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông rất cao (205/278 bệnh nhân). 

Đã có 9 người tử vong vì chấn thương quá nặng. Theo đó, con số này khá cao, nhưng đã giảm so với năm 2015. 

Tại Bệnh viện Nhi đồng tỉnh Đồng Nai, trong 4 ngày Tết, đã có không ít em bé phải nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông. 

Theo số liệu tại Khoa cấp cứu, tính từ 29 tết đến hết ngày mùng 4 tết đã có trên 40 em bé là nạn nhân của tai nạn giao thông. Đặc biệt, có đến 19 bé bị chấn thương vùng đầu.

Để tiếp tục đảm bảo công tác thường trực khám chữa bệnh, cấp cứu, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị trong những ngày nghỉ còn lại, các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục đảm bảo công tác điều trị, phục vụ người bệnh và bảo đảm an ninh trật tự trong các cơ sở khám, chữa bệnh. 

Các cơ sở y tế thực hiện đúng các quy định liên quan và các quy trình chuyên môn kỹ thuật; thường trực công tác báo cáo tình hình cấp cứu, tai nạn thương tích, TNGT, đánh nhau, ngộ độc trong dịp Tết nhằm chủ động giám sát kịp thời diễn biến bất thường.

Công an nhân dân