Những băn khoăn về dự thảo Luật Hộ tịch

09:01 | 14/08/2013

1,091 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chưa hài lòng với dự thảo Luật Hộ tịch do Bộ Tư pháp soạn thảo, Chủ tịch Quốc hội và các thành viên UBTVQH đã yêu cầu ban soạn thảo nghiên cứu, biên soạn lại để trình Quốc hội vào đầu năm 2014 chứ không phải vào cuối năm nay như dự kiến ban đầu.

Thảo luận cho ý kiến về Luật Hộ tịch vào chiều 13/8, hầu hết các thành viên UBTVQH đều băn khoăn, không hài lòng với dự thảo này. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu cứ theo Luật Hộ tịch trình hôm nay thì chưa chắc người dân đã giảm bớt thủ tục phiền hà, mà có khi còn phát sinh thêm nhiều rắc rối.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Hộ tịch chiều 13/8.

Điều băn khoăn của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là khi Luật Hộ tịch ra đời với mã số định danh thì có thể thay thế được CMTND, hộ khẩu hiện nay không? Qua nghiên cứu Luật Hộ tịch Bộ Tư pháp trình, Phó Chủ tịch Quốc hội đưa ra nhận định là chỉ thấy phát sinh thêm nhiều loại thủ tục, giấy tờ và lại còn phát sinh thêm nhiều chi phí.  

Luật Hộ tịch với sự ra đời của mã số định danh liên quan đến vấn đề hộ khẩu, CMTND, hộ chiếu… Nhiều đại biểu thắc mắc: Tại sao không gom lại làm một loại, như thế mỗi người chỉ cần một loại giấy tờ thôi? Còn nếu cứ quy định thế này cũng chỉ phát sinh thêm nhiều chi phí nhưng lại chẳng giúp được gì.

Đi lại phiền hà, mất thời gian, công sức của người dân để làm thủ tục là điều Chủ nhiệm Ủy ban giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi phân tích. Giao việc triển khai cho cấp xã thực hiện để tiện cho người dân, nhưng điều ông Đào Trọng Thi băn khoăn là, nếu người dân không sinh sống ở nơi mình sinh ra thì có phải quay về địa phương làm thủ tục hay không? Liệu có mối quan hệ nào giữa nơi cư trú và nơi khai sinh không? Theo ông Thi, nếu một người dân sinh ra ở miền Bắc, nhưng lại sinh sống ở miền Nam, nếu lại phải về quê làm thủ tục thì rất xa xôi.

Đề cập đến vấn đề được coi là chuyên môn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu triển khai Luật Hộ tịch thì sẽ tác động thế nào đến ngân sách và số lượng biên chế? Với 11 nghìn xã trong cả nước sẽ phải có ít nhất 11 nghìn hộ tịch viên. Hiện nay chỉ có 5 nghìn người, nghĩa là sẽ phát sinh thêm 6 nghìn người nữa. Lúc đó lượng biên chế sẽ lại phình to ra.

Giải đáp băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định số lượng biên chế sẽ không tăng lên so với hiện nay khi triển khai Luật Hộ tịch. Với quan điểm cái gì hại cho dân thì kiên quyết không làm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, Luật Hộ tịch ra đời với mục đích là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sau này. 

Đến đầu năm 2016 khi Luật Hộ tịch bắt đầu có hiệu lực, lúc đó mỗi công dân sẽ được cấp một mã số định danh, lúc đó chỉ còn lại một loại thẻ công dân điện tử thay thế cho các loại thẻ khác. Bên cạnh đó với Luật Căn cước sau này sẽ thay thế cho CMTND, hộ chiếu. Sau này chỉ có một loại thẻ điện tử công dân, chỉ cần thẻ này cũng có thể biết người đó có giấy phép lái xe hay không…

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, những thắc mắc vừa nêu của các đại biểu cũng là những cái vướng khiến luật này chưa thực sự khả thi. Đặt trong cương vị người dân, Chủ tịch Quốc hội cũng thấy “sợ” khi đề cập đến luật này.

“Tại sao cứ phải có hộ khẩu người ta mới cho học đúng tuyến? Quyền của người ta là được đi học. Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo cho người dân đi học. Nhà tôi cạnh trường nhưng không thể cho con học, vì trường đó thuộc về phường khác. Quy định như vậy thì rất khó cho dân”.

Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn: “Nhiều loại giấy tờ như thế dân không làm đâu, rồi lúc đó Luật lại không khả thi. Cái này không khác gì CMTND có khai cả tên bố mẹ vào. Làm thử mất bao nhiêu tiền rồi, giờ lại thôi không làm nữa. Phải rút kinh nghiệm từ việc này. Ban soạn thảo cần chuẩn bị lại, có thể triển khai thí điểm tại một vài thành phố xem sao”.

Dẫn lời “Việc gì có lợi cho dân thì quyết làm, việc gì có hại cho dân thì quyết tránh”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng lưu ý ban soạn thảo Luật Hộ tịch phải đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước với người dân. Luật ban hành trước hết phải vì lợi ích của người dân, làm sao chỉ cần một loại giấy tờ là đủ, nhưng cũng cần đảm bảo dưới góc độ quản lý nhà nước.

Chưa thực sự hài lòng với nhiều nội dung và lý giải của ban soạn thảo, UBTVQH đã thống nhất không trình Luật Hộ tịch ra Quốc hội vào tháng 10, mà sẽ lùi lại một bước để giao cho Ban soạn thảo rà soát, chỉnh sửa lại và sẽ trình Quốc hội vào năm 2014.

Trà My