Nhìn lại cuộc bạo loạn tại Kazakhstan: Năng lượng gắn chặt với chính trị

10:56 | 13/01/2022

412 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đến nay, tình hình chính trị tại quốc gia lớn nhất Trung Á này cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, những gì xảy ra đã cho thấy năng lượng khí đốt cũng có khả năng gây ra xung đột, bạo lực xã hội rất nghiêm trọng. Oilcapital mới đây đã có bài viết phân tích liên quan đến cuộc bạo loạn đổ máu tại Kazakhstan, xảy ra trong những ngày đầu năm mới 2022.
Nhìn lại cuộc bạo loạn tại Kazakhstan: Năng lượng gắn chặt với chính trị

Ngày 05/1, cuộc bạo loạn có vũ trang nổ ra tại nhiều thành phố, trung tâm kinh tế của Kazakhstan nhằm phản đối giá khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) trong nước tăng gấp đôi. Dòng người biểu tình yêu cầu giải tán chính phủ. Trước tình hình đó, Tổng thống Kazakhstan Kassym Zhomart Tokayev đã quyết định giải tán chính phủ do ông Askar Mamin đứng đầu. Tổng thống Tokayev đã ra lệnh thực hiện điều hành nhà nước đối với giá LPG, xăng dầu và một số sản phẩm thiết yếu khác trong vòng 6 tháng.

Giá nhiên liệu LPG tăng

Ngày 01/01/2022, giá LPG tại Kazakhstan đã tăng gấp đôi, từ 60 lên 120 tenge/lít. Theo Bộ Năng lượng nước này, việc giá nhiên liệu tăng liên quan đến thay đổi chính sách bán khí. Theo đó từ năm 2022, toàn bộ hoạt động kinh doanh LPG sẽ được thực hiện trên các sàn giao dịch hàng hóa. Đồng thời, theo Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan Magzum Mirzagaliyev giải thích với truyền thông rằng, để hỗ trợ người tiêu dùng trong nước, giá khí đốt đã được quy định ở mức 38.000 tenge (dưới 100 USD/tấn) hoặc thấp hơn 5-6 lần so với giá xuất khẩu (khoảng 500 USD/tấn). Ông Mirzagaliyev cũng khẳng định, chi phí sản xuất LPG trong nước hiện ở mức 100.000 tenge/tấn.

Giá bán LPG của nước này cũng thấp nhất trong khu vực, do đó, việc giữ giá khí đốt thấp không kích thích tăng trưởng sản xuất. Trong năm 2020, sản lượng tiêu thụ LPG tại Kazakhstan đạt hơn 1,4 triệu tấn. Năm 2021, con số này tăng lên 1,6 triệu tấn. Nhu cầu gia tăng song nguồn cung lại không tăng trưởng, đồng thời việc sửa chữa thường xuyên các cơ sở sản xuất cũ khiến tổng sản lượng LPG sụt giảm. Trong điều kiện hiện nay, thị trường trong nước đang thiếu sức hấp dẫn đầu tư để mở rộng sản xuất LPG. Thâm hụt nguồn cung LPG trong năm 2021 trở nên trầm trọng do số lượng phương tiện giao thông chuyển sang sử dụng nhiên liệu LPG đã tăng gấp đôi từ 139.990 phương tiện (2019) lên 313.373 phương tiện. Sau bạo loạn, các cơ quan chức năng Kazakhstan đã bắt giữ giám đốc một nhà máy chế biến khí đốt ở thành phố Zhanaozen tại khu vực Mangistau với cáo buộc thao túng giá LPG.

Cũng cần phải lưu ý thêm rằng, trước ngày 01/01/2022, giá LPG ở Kazakhstan vẫn rẻ hơn 2-3 lần so với giá tại Nga, Belarus và Ukraine. Điều này đã tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh khí đốt Kazakhstan và bán tại các thị trường Nga với mức lợi nhuận lên tới 200-300%.

Bạo loạn chính trị - xã hội liên quan đến khí đốt

Hoạt động biểu tình trong những ngày đầu tháng 01/2021 tại Kazakhstan gia tăng nhanh chóng. Ngày 02/01, người dân tại khu vực Mangistau đã tham gia các cuộc biểu tình tự phát và chặn các con đường ở thành phố Aktau và Zhanaozen. Theo Tengrinews, sau hai ngày biểu tình, các chủ cây xăng ở khu vực Mangistau đã giảm giá LPG từ 120 tenge/lít xuống còn 85-90 tenge/lít. Tuy nhiên, mức giảm này không làm thỏa mãn dòng người biểu tình.

Bạo loạn gia tăng đã buộc Tổng thống Tokayev đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở Almaty và khu vực Mangistau đến ngày 19/01. Phát biểu trên kênh truyền hình Khabar24, Tổng thống Tokayev lên án các cuộc tấn công lớn nhằm vào những nhân viên thực thi pháp luật gây ra thương vong, đồng thời nhấn mạnh, các cuộc bạo động đã được dàn xếp bởi những kẻ âm mưu có động cơ tài chính, chính trị. Chúng đã chuẩn bị kế hoạch hành động kỹ lưỡng.

Một số kênh thông tin trên Telegram cũng cho biết, các kênh kinh doanh của cựu Tổng thống Nazarbayev đang rút khỏi Kazakhstan. Có thông tin cho rằng, nhà tài phiệt - tỷ phú Patokh Shodiev, đồng sở hữu công ty khai khoáng Eurasian Resources Group đã lên máy bay riêng rời khỏi Kazakhstan. Trước đó một ngày, một tài phiệt khác là Kenes Rakishev - lãnh đạo công ty luyện kim Sat&Company đã vội vàng rời khỏi Kazakhstan và đang trú tại London. Các kênh Telegram còn cho rằng, nhóm lợi ích của gia đình ông Nazarbayev trực tiếp đứng đằng sau việc giá LPG trong nước tăng mạnh. Theo đó, hai con rể của ông Nazarbayev là Timur Kulibayev (thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Gazprom) và Kairat Sharipbayev đã gián tiếp gây ra tình trạng bạo loạn.

Giá nhiên liệu LPG tăng rất có thể là do các công ty tư nhân do Sharipbayev và Kulibayev kiểm soát nguồn cung khí đốt từ Kazakhstan cho nhà máy chế biến khí đốt của Gazprom tại Orenburg, Liên bang Nga với doanh thu ước tính khoảng 750-850 triệu USD/năm. Câu hỏi đặt ra là tiền thuế thu được từ hoạt động xuất khẩu này có được nộp vào ngân sách nhà nước hay không.

Thông tin trên các kênh Telegram đã chỉ ra rằng, dường như có ai đó thực sự muốn làm chao đảo tình hình chính trị ở Kazakhstan, kết hợp “ném đá” Nga. Cần lưu ý là người Nga chiếm 18,42% dân số, tương đương 3.478.287 người tại Kazakhstan. Theo nhiều nhà phân tích chính trị, lý do thực sự dẫn đến các cuộc biểu tình và bạo loạn xuất phát từ cộng đồng người Kazakh gốc Anh. Những người Kazakh giàu có ở London đã có những tuyên bố gây mâu thuẫn xung quanh nhà lãnh đạo Nazarbayev. Một số là những nhân vật thân tín với ông Nazarbayev, trong khi số khác được coi là phe đối lập với nhà lãnh đạo này.

Cũng cần nói thêm rằng, trong những năm gần đây, các công ty dầu khí đa quốc gia như Chevron, ExxonMobil, BP, Total đã và đang phát triển các tài nguyên dầu khí chính của Kazakhstan. Nga chỉ có đại diện là Lukoil, chiếm tỷ trọng nhỏ trong sản xuất tại quốc gia Trung Á này. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà các cuộc biểu tình, bạo loạn xảy ra từ ngày 02/01 lại đến từ trung tâm dầu khí Mangistau.

Ở góc độ kinh tế, nền kinh tế Kazakhstan trong những năm gần đây ghi nhận sự ổn định, không xảy ra khủng hoảng. Trong năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt 9.100 USD. Chỉ số phát triển con người đứng thứ 51 thế giới. Rõ ràng là tình hình kinh tế - xã hội của nước này là cơ bản ổn định trong 2 năm qua, thậm chí là tích cực hơn do ngân sách quốc gia năm 2021 được hưởng lợi từ việc giá năng lượng và đất hiếm tăng mạnh. Xét cho cùng, Kazakhstan không gặp các vấn đề xuất phát từ nguồn cung năng lượng. Theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, quốc gia Trung Á này đứng đầu thế giới về sản xuất uranium (chiếm 40,8% sản lượng toàn cầu), đứng thứ hai về amiăng, đứng thứ 3 về crôm, thứ 4 về niken, thứ 8 về than đá và đứng thứ 12 về dầu mỏ.

Khủng hoảng giá năng lượng là một phần nguyên nhân bạo loạn

Các chuyên gia trong ngành đồng tình rằng, việc tăng giá khí đốt và các loại nhiên liệu khác đã trở thành một lý do “tuyệt vời” cho các thế lực “ngầm” gây bất ổn tình hình chính trị trong nước, đồng thời bày tỏ hy vọng, các nhà chức trách Kazakhstan sẽ sớm ổn định tình hình, nhất là khi có sự hỗ trợ của lực lượng gìn giữ hòa bình từ Tổ chức An ninh tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu.

Chuyên gia Quỹ An ninh năng lượng quốc gia, Đại học tài chính trực thuộc Chính phủ LB Nga Igor Yushkov nhận định, những cuộc biểu tình, bạo loạn nổ ra do giá khí đốt tăng cao cho thấy trước hết là sự xung đột chính trị trong giới tinh hoa ở Kazakhstan, vì xét cho cùng, kể cả giá LPG tăng gấp đôi như vậy cũng sẽ không dẫn đến tình trạng bạo loạn, đập phá trên diện rộng. Ví dụ có thể thấy như khủng hoảng điện tại Trung Quốc và khủng hoảng giá khí đốt tại châu Âu mới đây.

Cuộc khủng hoảng hiện nay ở ngành năng lượng đã trở thành động lực cho các hoạt động chống phá nhà nước tại Kazakhstan. Chuyên gia Yushkov cũng lưu ý thêm rằng, một số chính trị gia muốn lợi dụng tình hình này để thay thế các đối thủ cạnh tranh “cứng” của mình. Điều này được tận dụng triệt để bằng cách khai thác tâm lý bất mãn của người dân lao động rằng, tại sao một đất nước đang xuất khẩu than, khí đốt ngày càng nhiều lại tăng giá bán năng lượng cho người dân của mình. Hiện tại, Kazakhstan đang xuất khẩu hơn 10 tỷ m3 khí đốt mỗi năm sang Nga và ngày càng nhiều khí đốt sang Trung Quốc. Những biện pháp tăng thuế nhiên liệu của chính quyền dẫn đến sự bất bình lớn trong dân chúng. Do đó, nếu không có yếu tố chính trị, thế giới đã không chứng kiến những cuộc đụng độ và biểu tình nghiêm trọng như vậy.

Giám đốc Quỹ phát triển năng lượng Nga Sergei Pikin đánh giá, giá khí propan-butan đã tăng đáng kể ở Nga. Rõ ràng, vấn đề khí đốt địa phương đang phát triển quá “nóng”. Các công ty khí đốt tìm cách nâng mức giá trên thị trường toàn cầu để tăng lợi nhuận xuất khẩu nhiên liệu thô. Thêm vào đó, thị trường nhiên liệu của Kazakhstan không có nhiều cạnh tranh. Tính hình bất ổn tại quốc gia Trung Á này là hệ quả của tình hình xã hội quá “nóng”, buộc Chính phủ đã phải phản ứng nhanh hơn. Đồng thời, chuyên gia này cho rằng, tình hình nền kinh tế Kazakhstan đang nhanh chóng ổn định trở lại khi các cơ quan chức năng của đất nước trong nhiều lĩnh vực đã quay trở lại làm việc, trong đó có thị trường thực phẩm, nhưng guồng quay của sự bất bình xã hội sẽ khó dừng lại. Các khu vực khác nhau của đất nước, thành phần dân tộc đa dạng, những mâu thuẫn lịch sự nội bộ có thể làm trầm trọng thêm những xung đột lịch sử chống lại nền dân chủ này. Tuy nhiên, chính quyền sẽ đối phó và ổn định tình hình.

Một số chuyên gia phân tích tài chính và quản lý rủi ro nhận định, các cuộc biểu tình lớn ở Kazakhstan trước hết là một trò chơi địa chính trị giữa phương Tây và Nga. Phương Tây đã làm rung chuyển Ukraine, Belarus và giờ là đến lượt Kazakhstan. Trước tình hình đó, các nhà chức trách vốn đã khá thành công trong xây dựng nền kinh tế, lại có cách hành xử khá thụ động. Không loại trừ khả năng Nga buộc phải can thiệp. Đây là một trò chơi địa chính trị lớn trước thềm cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ vào ngày 12/01. Điều này rất giống với phong cách của phương Tây.

Các chuyên gia Nga cũng cho biết thêm, Uzbekistan sẽ được lợi từ những cuộc biểu tình ở Kazakhstan. Uzbekistan có sự ổn định chính trị với dân số đông, chính sách cứng rắn nên dòng tiền đầu tư sẽ thu hút nhiều nguồn đầu tư hơn, trong đó có sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư từ Kazakhstan. Để hiện đại hóa nền kinh tế và công nghệ của đất nước, cần có một chính phủ toàn trị cứng rắn và nền kinh tế tự do.

Tiến Thắng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc