Nhiều doanh nghiệp và chính phủ đặt cược lớn vào hydro

11:12 | 15/12/2020

|
(PetroTimes) - Năm 2020 đánh dấu việc hydro trở thành loại nhiên liệu "xanh" được lựa chọn trong tương lai khi nhiều doanh nghiệp và chính phủ đặt cược lớn vào việc hydro có thể giúp chống lại tình trạng biến đổi khí hậu.
Đức: Nhập khẩu hay tự sản xuất hydro?Đức: Nhập khẩu hay tự sản xuất hydro?
Chương trình phát triển hydrogen của NgaChương trình phát triển hydrogen của Nga
Nhiều doanh nghiệp và chính phủ đặt cược lớn vào hydro

Theo nghiên cứu của Rystad Energy, các dự án hydro "xanh" trong 9 tháng đầu năm 2020 có tổng kinh phí hơn 150 tỷ USD. Tổng công suất thiết kế đạt hơn 70 GW. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây đã tiếp bước các quốc gia châu Âu khi đặt mục tiêu không phát thải ròng carbon vào giữa thế kỷ XXI. Trong khi hầu hết các quốc gia phát triển cùng với Trung Quốc và Ấn Độ có kế hoạch gia tăng sản lượng điện tái tạo, mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cũng đang thúc đẩy các nước tìm cách loại bỏ dần các ngành công nghiệp không thể điện khí hóa và phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Các mục tiêu chính của quá trình khử carbon tập trung vào các ngành sử dụng than, dầu, khí đốt làm nguyên liệu thô, nhất là ngành luyện thép, xi măng, phân bón, hàng hải và hàng không. Để đáp ứng mục tiêu đó, các cường quốc xuất khẩu dầu khí, than đã đề ra các chính sách phát triển sản xuất và xuất khẩu hydro "xanh".

Hydro được điều chế từ khí thiên nhiên, có ứng dụng công nghệ thu gom và lưu trữ carbon thải ra hoặc hydro được sản xuất bằng công nghệ điện phân nước sử dụng năng lượng tái tạo được gọi là hydro "xanh". Để hydro "xanh" có thể cạnh tranh với than, dầu, khí đốt thì chi phí sản xuất phải giảm xuống dưới 1,5 USD/kg. Các chi phí quan trọng phải giảm để đạt mục tiêu dưới 1,5 USD/kg là giảm chi phí sản xuất điện gió, điện mặt trời và chi phí của máy điện phân nước.

Viễn Đông