Nhiều chuyên gia dự Hội thảo “Xây dựng tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam”
Toàn cảnh buổi Hội thảo. |
Sáng nay 5/12, Tạp chí điện tử VietTimes phối hợp CLB Café Số (Hội Truyền thông số Việt Nam) tổ chức hội thảo “Xây dựng các tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam” tại khách sạn Hòa Bình (Hà Nội).
Tham dự hội thảo có lãnh đạo Hội Truyền thông số Việt Nam cùng chuyên gia, luật sư hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và khách mời là doanh nhân, đại diện các cơ quan ban ngành.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh các quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cùng các thông tư, dự thảo thông tư của Ngân hàng Nhà nước đang tạo ra những thay đổi trong cấu trúc sở hữu và hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Thực tế cho thấy, tại Việt Nam hiện nay, các ngân hàng đang đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các tập đoàn tài chính quy mô lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ đến sản xuất, thương mại, dịch vụ, bất động sản… có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định và phát triển của nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, các quy định quản lý hoạt động của những tập đoàn tài chính lại chưa được hoàn thiện, đồng bộ. Vụ án ngân hàng SCB - Vạn Thịnh Phát đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, để lại bài học lớn trong việc xây dựng thể chế nhằm quản lý các tập đoàn tài chính đa ngành.
Bởi vậy, Hội thảo “Xây dựng các tập đoàn tài chính phát triển bền vững tại Việt Nam” được tổ chức với mong muốn ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân, giới đầu tư về các vấn đề liên quan sở hữu ngân hàng và quản lý các tập đoàn tài chính.
Các ý kiến này sẽ là sự đóng góp đối với quá trình xây dựng chính sách, kiến thiết quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ trong thời gian tới, nhằm mục tiêu xây dựng, quản lý các tập đoàn tài chính phát triển thịnh vượng và bền vững.
Hội thảo sẽ mở đầu bằng việc trình bày các tham luận về lịch sử kiểm soát, quản lý vấn đề sở hữu tại các ngân hàng của Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI và bức tranh sở hữu tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân hiện nay của ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng.
Tiếp đó, hội thảo sẽ dành phần lớn thời gian cho 2 phiên thảo luận, để lắng nghe các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra ý kiến, đánh giá, bình luận và đề xuất các giải pháp trong quản lý vấn đề sở hữu tại các ngân hàng cũng như nêu kinh nghiệm quốc tế hữu ích đối với Việt Nam.
Với sự góp mặt của các chuyên gia kinh tế, tài chính hàng đầu Việt Nam, nội dung thảo luận đa chiều, hội thảo hứa hẹn mang lại nhiều giá trị thực tiễn, góp phần tạo dựng một nền tảng vững chắc cho xây dựng chính sách – pháp luật về ngân hàng thương mại và tập đoàn tài chính Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
TS Nguyễn Trí Hiếu nêu kinh nghiệm quốc tế về quản lý các ngân hàng. |
Trao đổi với PetroTimes, TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế cho biết ở Mỹ cũng có sự kiểm soát về tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng. Tuy vậy, tại Mỹ, tỷ lệ sở hữu của pháp nhận được quy định thấp hơn tỷ lệ sở hữu của cá nhân, nguyên do là nhà chức trách Mỹ cho rằng pháp nhân dễ thao túng ngân hàng hơn cá nhân.
Còn Việt Nam thì ngược lại, tỷ lệ sở hữu của cá nhân được quy định thấp hơn pháp nhân. Điều này xuất phát từ “đặc thù” của văn hoá doanh nghiệp tại Việt Nam, đó là các cá nhân có quyền lực rất lớn trong doanh nghiệp.
TS Hiếu cũng cho hay, bên Mỹ có thông lệ Affidavit (tuyên bố hữu thệ). Trong nhiều trường hợp, các cổ đông phải “Affidavit” rằng nếu họ khai gian, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên tại Việt Nam chưa có thông lệ này. Đáng lo hơn nữa là còn xuất hiện tình trạng nói một đằng nhưng làm một nẻo, dẫn đến chưa thực sự kiểm soát được sở hữu thực sự của một cá nhân hay một tổ chức kinh tế tại ngân hàng.
Về vai trò của nhà quản lý, các cổ đông có thể lách quy định sở hữu bằng việc nhờ đứng tên hộ, nhưng điều này thường sẽ không giấu được cơ quan chức năng. Muốn làm quyết liệt thì sẽ làm được, việc điều tra một người có liên quan đến ai trong ngân hàng đâu có khó.
Ví dụ, các cổ đông bị nghi ngờ có sự kết nối với nhau thì thường có dấu vết kết nối qua tài khoản, thể hiện trên sổ sách. Dĩ nhiên có giao dịch tiền mặt, không có dấu vết, nhưng điều này rất ít. Thường thường, các giao dịch đó có thể tìm ra dễ dàng. Nhưng quan trọng là phải làm thanh tra nghiêm túc, rõ ràng. Trường hợp vụ SCB, cán bộ phát hiện ra sai phạm nhưng nhận hối lộ và che giấu thì vô cùng nguy hiểm.
Ông đề xuất cần có chế tài nghiêm ngặt, ở Nghị định hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có thể đưa ra chế tài, nếu ngân hàng nào vi phạm quy định lặp đi lặp lại, chẳng hạn như 3 lần, thì phải rút giấy phép. Cần phải có một vài ngân hàng sai phạm bị xử phạt một cách mạnh tay để làm gương cho toàn thị trường.
Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, trình bày tham luận. |
Trong khuôn khổ hội thảo, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cho rằng nếu tập đoàn tài chính không bền vững thì nền kinh tế không thể phát triển bền vững.
The ông Hòe, tuy chưa có khái niệm chính thức thống nhất, mô hình chung của một tập đoàn tài chính (Financial Business Group) bao gồm một công ty mẹ (công ty này không phải là định chế tài chính) nhưng có một định chế tài chính là công ty con và có thể có thêm 1 hoặc nhiều các công ty con.
Trong đó, các công ty con tận dụng được lợi thế nguồn lực, uy tín, thương hiệu của công ty mẹ. Còn công ty mẹ tận dụng từ công ty con về gia tăng doanh thu; dịch vụ trọn gói; tăng năng lực cạnh tranh.
Tuy vậy, hạn chế là dẫn sở hữu chéo chằng chịt, trong điều kiện không minh bạch thì vô cùng khó kiếm soát. Cùng với đó là việc tuồn vốn cho công ty sân sau dễ dãi, tạo rủi do lan truyền trong hệ thống, ưu đãi nội bộ nhằm lách luật, thiếu minh bạch.
Theo ông Hòe, thống kê tài sản vốn của 11 tập đoàn tài chính lớn của Việt Nam cho thấy, tổng tài sản gần 14 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 67% toàn hệ thống tập đoàn tài chính. Dư nợ 9,9 triệu tỷ đồng chiếm 67,3% tổng dư nợ tín dụng.
Trong đó, có 10 tập đoàn tài chính do ngân hàng thương mại là công ty mẹ; 1 tập đoàn tài chính do công ty bảo hiểm là công ty mẹ. Hệ sinh thái của tập đoàn tài chính có vốn Nhà nước đơn giản hơn, thuần về lĩnh vực tài chính.
“Hệ sinh thái của tập đoàn tài chính tư nhân cơ cấu phức tạp hơn rất, nhiều công ty con hoạt động phi tài chính, gồm cả bất động sản”, ông Hòe bình luận.
Dẫn báo cáo NHNN tại kỳ hợp 3, Quốc hội XV, ông Hòe nói rằng sở hữu cổ phần giữa tài chính tín dụng, tài chính tín dụng và doanh nghiệp giảm đáng kể;
Một số tổ chức tín dụng có số cổ đông, tỷ lệ sở hữu tập trung cao. Nhiều khó khăn về thông tin trong việc nắm bắt, kiểm soát sở hữu chéo...
Yên Chi
-
Một công ty chứng khoán báo lãi quý IV/2024 sụt giảm, tài sản lớn theo nợ vay
-
Make In Vietnam 2024 vinh danh LynkiD, biểu tượng của đổi mới và sáng tạo trong công nghệ số
-
Saigonbank đang làm ăn ra sao trước khi "đón" cổ đông lớn gia nhập?
-
Gần 20.000 phần quà dành cho khách hàng PVcomBank trong dịp Tết Ất Tỵ 2025
-
PVcomBank đồng hành cùng trường Đại học Điện lực trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao