Nghệ sĩ dương cầm Pháp Jean-Louis Haguenauer mang "Hòn đảo hạnh phúc" tới Hà Nội

10:38 | 24/10/2018

156 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đêm độc tấu piano cổ điển của nghệ sĩ dương cầm người Pháp Jean-Louis Haguenauer sẽ diễn ra vào lúc 20h00, ngày 27/10, tại hội trường L’Espace (24, Tràng Tiền, Hà Nội).  

Jean-Louis Haguenauer là một nghệ sỹ dương cầm đầy tài năng, một nhà giáo ưu tú với khả năng sư phạm đặc biệt. Ông từng là giảng viên piano tại học viện âm nhạc Strasbourg (Pháp) và hiện đang giảng dạy tại trường đại học danh tiếng Indiana ở Bloomington (Mỹ).

Ông là nghệ sĩ dương cầm đầu tiên thu âm toàn bộ các tác phẩm của Claude Debussy cùng các biến thể trên chính cây đàn Blüthner của nhà soạn nhạc lừng danh này. Các bản thu của ông được nhà phê bình âm nhạc André Tubeuf của tạp chí Classica hết sức khen ngợi: "Thanh âm đa sắc, ảo diệu cùng những tiết tấu nhanh, mạnh, đáng kinh ngạc".

Jean-Louis Haguenauer sẽ mang đến sân khấu L’Espace chùm tác phẩm kinh điển của 3 nhà soạn nhạc vĩ đại trong lịch sử âm nhạc cổ điển: Frédéric Chopin (1810-1849), Claude Debussy (1862-1918) và Karlheinz Stockhausen (1928-2007). Dẫu giữa họ có vực thẳm cách ngăn trong phong cách âm nhạc nhưng dường như luôn tồn tại một mối liên hệ đặc biệt giữa 3 nhà soạn nhạc, tựa những con sóng nối tiếp của cùng một đợt thủy triều.

Người thầy dạy piano đầu tiên của C.Debussy chính là một trong những học trò của F.Chopin. Vì thế không khó hiểu khi C.Debussy luôn có một sự ngưỡng mộ đặc biệt dành cho nhà soạn nhạc người Ba Lan F.Chopin và đến cuối đời, Debussy đã đề tặng Chopin những bản Etudes ông viết cho piano. Còn âm nhạc của K.Stockhausen cũng như các nhà soạn nhạc "hậu - serialism" đương thời (tạm dịch là âm nhạc chuỗi) cho thấy cách tiếp cận mới lạ của họ trong tổ hợp âm thanh thể hiện khá rõ nét ảnh hưởng của âm nhạc Debussy.

nghe si duong cam phap jean louis haguenauer mang hon dao hanh phuc toi ha noi
Nghệ sĩ dương cầm người Pháp Jean-Louis Haguenauer

Các tác phẩm của Debussy giới thiệu trong đêm nhạc gồm các tác phẩm tiêu biểu cho giai đoạn thứ hai trong sự nghiệp sáng tác của Debussy, mà phần lớn là các tác phẩm viết cho piano. Động lực sáng tác của Debussy vào thời điểm đó ắt hẳn là do ông đã mua được cây piano dây rung cộng hưởng hiệu Blüthner. Thang âm rõ nét cùng sự cộng hưởng màu nhiệm của nhạc cụ này đã giúp nhà soạn nhạc tạo ra những âm thanh vô cùng lý tưởng.

Mở đầu đêm nhạc, khán giả sẽ được chìm đắm trong mười hai “Khúc dạo đầu” (Préludes), được đánh giá là một trong những "đỉnh cao" của âm nhạc Debussy. Được soạn năm 1913, chùm tác phẩm mở đầu bằng “Sương mù” và kết thúc bằng “Pháo hoa”. Debussy đã sử dụng các phím trắng và đen của piano như thể đó là những bàn phím riêng biệt. Lối sử dụng các phím đen trắng kề nhau đó đã tạo nên những hiệu ứng âm thanh đáng kinh ngạc.

Ở phần tiếp theo, khán giả sẽ được thưởng thức tác phẩm “Klavierstück 9” của K. Stockhausen - nhạc sỹ tiên phong sử dụng âm nhạc điện tử trong sáng tác trong khi những nhà soạn nhạc đương thời không thể vượt qua những quy chuẩn truyền thống. Sự sáng tạo này có thể nói đã làm thay đổi hoàn toàn diện mục âm nhạc. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Stockhausen đã để lại hơn 300 tác phẩm với những thể loại đa dạng và độc đáo đến khó tin. “Klavierstück 9” được viết năm 1955 và hoàn thành năm 1961, dựa trên những đoạn lặp đi lặp lại của hợp âm gồm 4 âm thanh được chơi với cường độ khác nhau và những đoạn ngân hay chùm âm thanh được chơi ở những nốt cực cao của nhạc cụ.

Ở phần sau của chương trình, khán giả sẽ được thưởng thức các tác phẩm kinh điển của nhà soạn nhạc C.Debussy, trong đó phải kể đến “Những bức tranh khắc” (1903) gồm 3 tác phẩm ngắn được soạn cho piano: “Những ngôi chùa”, “Dạ tiệc ở Grenada và “Những khu vườn dưới mưa”. Với “Những bức tranh khắc”, nhà soạn nhạc đã sáng tạo một kỹ thuật chơi đàn mới, nhẹ nhàng, tinh tế, trái ngược hẳn với phong cách phô diễn kỹ thuật đương thời. Cách tư duy của Debussy cũng như các âm sắc phi thường trong “Những bức tranh khắc” gây ấn tượng mạnh mẽ với các nhà soạn nhạc đương thời, trong đó có Igor Stravinsky.

“Những ngôi chùa” được sáng tác sau khi Debussy tham dự triển lãm toàn cầu năm 1889 tại Paris. Quá ấn tượng với âm sắc trong trẻo và quãng nhạc độc đáo của gamelan (nhạc truyền thống Java và Indonesia), nhà soạn nhạc đã kết hợp với nhạc luật phương Tây để từ đó sáng tác ra tác phẩm vô cùng thú vị này.

“Dạ tiệc ở Grenada” tái hiện bối cảnh buổi dạ tiệc trong thành phố Grenada, vùng Andalusia, miền nam Tây Ban Nha. Khán giả sẽ có cơ hội thưởng thức cả một màn hòa tấu đầy màu sắc. Tất cả vang lên lộng lẫy qua ngón đàn điêu luyện của Jean-Louis Haguenauer. Một tác phẩm đồ sộ như thế, chỉ có thể là của Debussy!

Từ bỏ những chuyến đi lang thang nơi Phương Đông và vùng Andalusia xa xôi, Debussy trở về với “Những khu vườn dưới mưa”, với những giai điệu u uất hơn và chủ đề sáng tác quen thuộc : thiên nhiên, đặc biệt là mưa - nguồn cảm hứng bất tận của nhà soạn nhạc. Âm thanh của mưa trong các sáng tác của Debussy thực đến nỗi người nghe như cảm thấy tiếng nước chảy qua từng phím đàn, khi rỉ rách, lúc thánh thót, vô cùng sống động.

Tạm chia tay với Debussy, khán giả sẽ được đến với một phép màu khác, nơi thời gian dường như ngừng lại và kéo dài đến vô tận: “Khúc hát ru, op.57”, tác phẩm thể hiện khá rõ nét mối gắn kết trong âm nhạc giữa Chopin và Debussy.

Khép lại đêm nhạc, nghệ sĩ Jean-Louis Haguenauer sẽ đem đến cho khán giả sân khấu L’Espace một tuyệt tác khác của Claude Debussy: “Hòn đảo hạnh phúc”. Có thể nói đây là một trong những tác phẩm hiếm hoi có sắc màu tươi tắn, rực rỡ trong sự nghiệp sáng tác của Claude Debussy. Ở đó, khán giả có thể bắt gặp niềm hạnh phúc của những đôi tình nhân, những chiếc mặt nạ của sân khấu kịch Ý, những người phụ nữ trẻ ca hát, nhảy múa và một kết thúc lấp lánh ánh hoàng hôn.

Đặng Thanh

nghe si duong cam phap jean louis haguenauer mang hon dao hanh phuc toi ha noi

Nghệ sĩ dương cầm Bích Trà: Người được Joachim Raff lựa chọn?

Ai đó nói rằng, nếu Đặng Thái Sơn được Chopin lựa chọn thì nghệ sĩ pianist Bích Trà (con gái NSND Trà Giang và cố nghệ sĩ violon Bích Ngọc) được Joachim Raff lựa chọn chăng? Bích Trà đã làm sống lại tên tuổi nhạc sĩ tài hoa Joachim Raff - người Thụy Sĩ gốc Đức sau hơn một thế kỷ ông bị quên lãng ở châu Âu. Tôi có dịp gặp nghệ sĩ Bích Trà trong những ngày chị về Việt Nam thăm gia đình, cùng với đó là lịch làm việc dày đặc. Nghe chị nói về âm nhạc cổ điển, về Joachim Raff, về Chopin, về Schubert… và những trăn trở về nền âm nhạc cổ điển tại Việt Nam hiện nay.

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...