Nghệ nhân Hà Thị Cầu- Người giữ “lửa” hát Xẩm cuối cùng đã ra đi

20:35 | 03/03/2013

1,002 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes)- Sự ra đi của nghệ nhân hát Xẩm cuối cùng là nỗi bàng hoàng tiếc nuối của biết bao nghệ sỹ, nghệ nhân dân gian và công chúng yêu mến bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc này.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu đã ra đi vào trưa nay (3- 3- 2013) tại nhà riêng ở Yên Mô, Ninh Bình. Gần trọn cuộc đời cống hiến cho việc “giữ lửa” hát Xẩm, cụ Hà Thị Cầu được nhân dân cả nước biết đến và dành tặng những tình cảm yêu mến. Người ta vẫn phong tặng người nghệ sỹ dân gian này với những cái tên trìu mến như “Thần Xẩm”, “chúa Xẩm” và cụ được coi là báu vật của nền nghệ thuật hát Xẩm Việt Nam.

Tên thật Hà Thị Năm (song người dân vẫn gọi cụ với cái tên Cầu cách gọi theo tên con trai cả của cụ), sinh năm 1917, tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong một gia đình 3 đời hát xẩm. Cuộc đời của người nghệ nhân này cũng nhiều lắm những gian nan khi phải theo mẹ mưu sinh ngay từ nhỏ. Lên 8 tuổi, cụ đã bê chiếc thau đồng theo mẹ lê la khắp các chợ quê để hành nghề hát xẩm kiếm sống.

                                            Trọn cuộc đời nghệ nhân Hà Thị Cầu dành cho hát Xẩm

Sau này mẹ con cụ nương nhờ học hát tại nhà ông trùm xẩm Chánh Trương Mậu khi đó là trưởng 6 gánh hát ở Ninh Bình. Sau đó cụ Hà Thị Cầu trở thành người vợ thứ của ông trùm xẩm Nguyễn Văn Mậu (biệt danh là Chánh Trương Mậu). Sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn nhưng cụ Cầu là người khá thông minh và có trí nhớ tuyệt vời.

Điều đặc biệt là cụ Cầu không hề biết chữ, cụ chỉ học hát bằng cách nhập tâm từng câu, từng lời, từng lối luyến âm, nhả chữ. Dần dà xẩm đã ngấm sâu vào máu thịt và rồi cái tên Hà Thị Cầu đã trở thành một người hát xẩm rong nổi danh ở vùng Hà - Nam – Ninh. Ngoài ra cụ Cầu cũng rất tài danh khi vừa hát cụ còn chơi được nhiều nhạc cụ như phách, nhị, trống... cùng một lúc. Vì thế mà người đàn bà tài sắc này đã được ông trùm Xẩm rất mực thương yêu.

Năm cụ Cầu 40 tuổi thì ông Mậu qua đời, để lại cho vợ 7 người con, 4 người lần lượt bị mất vì bệnh đậu mùa. Tuy cuộc sống lang thang nghèo khó nhưng cụ Cầu vẫn bám trụ với nghệ thuật hát Xẩm- cũng là phương kế duy nhất mưu sinh và nuôi con. Sau này vì quá thiếu thốn, không nuôi nổi con cụ đã phải cho đi một người. Đến khi về già cụ nương tựa vào người gái duy nhất nhưng cuộc sống cũng vô cùng khốn khó.

                                                                     Đau đáu một nỗi lo thất truyền hát Xẩm  

Suốt cuộc đời, tiếng đàn réo rắt của Xẩm vẫn song hành với những niềm vui, nỗi buồn của người nghệ nhân này. Có thể coi cụ là một pho sử sống của nghệ thuật Xẩm, là người có giọng hát khỏe, cao vút độc đáo và lối xử lý kỹ thuật nhuần nhuyễn, cụ đã thuộc nằm lòng những làn điệu xẩm tưởng chừng như đã mất. Không chỉ thế cụ còn sáng tác những làn điệu Xẩm ý nghĩa. Hẳn rất nhiều người còn nhớ tiết mục xẩm đặc sắc mà nghệ nhân Hà Thị Cầu từng hát, là Theo Đảng trọn đời, do chính bà viết vào những năm 70 thế kỷ trước.

Chả thế mà khi nhớ đến cụ, người ta vẫn bị khắc khoải nhớ hình ảnh một người nghệ nhân dung dị với rất nhiều đóng góp cho nghệ thuật hát Xẩm nói riêng và nghệ thuật dân gian của nước nhà nói chung. Cụ từng nhận được bằng khen năm 1998 của Đài Tiếng nói Việt Nam và giải đặc biệt Nghệ nhân hát chèo tỉnh Ninh Bình trong Liên hoan trích đoạn tuồng chèo hay toàn quốc.

Hội văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho cụ Cầu vào ngày 25/12/2004 và cụ cũng đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Năm 2008, Nghệ nhân Hà Thị Cầu đã nhận được giải thưởng Đào Tấn, giải thưởng cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc. Gần đây nhất bộ phim Xẩm đỏ của đạo diễn Lương Đình Dũng là tác phẩm tư liệu quý giá đã kịp ghi lại hành trình đến với Xẩm và cuộc đời đầy truân chuyên của người nghệ nhân tài sắc này.

Lễ viếng cụ Hà Thị Cầu được bắt đầu từ lúc 7h sáng ngày 4-3. Bà sẽ được an táng vào lúc 9h30 sáng 5-3 tại nghĩa trang Đầm Thuần (xã Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình).

                                                                                                                                                                                             P.V