Nghe họ hát thính phòng mà thấy như bị xúc phạm

08:05 | 26/09/2011

881 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ca sĩ thành danh từ Sao Mai 2009,  Xuân Hảo (Lê Xuân Hảo) thẳng thắn cho rằng, một số ca sĩ thị trường quay lại làm các album nhạc xưa, hát nhạc thính phòng là một dấu hiệu đáng mừng vì việc làm đó phần nào khẳng định giá trị của dòng nhạc anh đang theo đuổi. Tuy nhiên, khi nghe một số ca sĩ giải trí đua nhau hát thính phòng, những người làm nghề nghiêm túc như anh cảm thấy bị xúc phạm. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ca sĩ Xuân Hảo.

PV: Bây giờ ca sĩ đông như "quân Nguyên”. Một người hát nhạc thính phòng như anh có cái nhìn thế nào về thực tế mà ai ai cũng có thể trở thành ca sĩ hiện nay?

Ca sĩ Xuân Hảo: Ca hát vốn là một nghề rất bạc, cả một khóa học gần trăm con người có khi chẳng có một ai sau đó nổi tiếng. Đặc biệt những người theo dòng nhạc thính phòng – dòng nhạc đòi hỏi sự khổ luyện và thời gian học rất lâu. Tôi có thể khẳng định, một người không có đủ 7-8 năm học ở trường một cách bài bản, không có sự trải nghiệm sẽ không bao giờ hát cho ra được chất thính phòng. Khi xác định theo con đường này chúng tôi đều xác định thính phòng không chỉ kén người nghe mà còn cần sự nỗ lực rất lớn của mỗi người trước khi được ghi nhận.

Nhạc nhẹ và nhạc giải trí có thể dựa vào lăng-xê để nổi tiếng, nhạc thính phòng thì không. Khi anh hát lên, đồng nghiệp xung quanh anh có thể vỗ tay, có thể quay mặt, cái đó là do anh. Bởi thế, tôi cho rằng mỗi thứ có một giá trị riêng, vị thế riêng nên cứ để quy luật tự nó phủ định hay khẳng định.

Ca sĩ Xuân Hảo

PV: Giải Sao Mai về nhạc thính phòng năm 2009 đã mang đến cho anh bước ngoặt trong nghề thế nào? Anh tự cho mình đang ở đâu trong giới những người hát nhạc thính phòng hiện nay?

Ca sĩ Xuân Hảo: Giải thưởng cho tôi sự tự tin trong nghề. Hiện nay tôi làm giảng viên tại Trường đại học Nghệ thuật Quân đội Hà Nội, một công việc ổn định và tôi trân trọng nó. Giải thưởng cũng là bước đệm để tôi có thể chính thức được ghi nhận trong giới, nó làm cuộc sống của tôi bớt khó khăn hơn trước về tài chính. Tôi nghĩ rằng mình có thể sống đủ bằng nghề, dù không phải giàu sang.

Với nghề, sau 8 năm học Trường Quân đội, được thầy Bùi Gia Khánh dẫn dắt, tôi đã bồi đắp cho mình được những kỹ thuật cơ bản. Tôi vẫn là một ca sĩ trẻ, tôi nghĩ mình phải nỗ lực và rèn luyện bản thân rất nhiều để trở thành một ca sĩ hát thính phòng được yêu mến và ghi nhận. Đối với tôi, những đàn anh như Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn là một đích để mình có hướng phấn đấu.

PV: Tôi thấy gần đây có nhiều ca sĩ nhạc nhẹ, thậm chí nhạc giải trí cũng quay về hát thính phòng như Đức Tuấn, Mỹ Lệ… Thực tế này mang tới cho anh cảm xúc gì không?

Ca sĩ Xuân Hảo: Cuộc sống hiện tại ngày càng có nhiều giá trị bị thay đổi. Số người thích dòng nhạc chúng tôi đang hát không còn nhiều như trước nhưng tôi tin người ta không thể quên những dấu son của đất nước. Tôi vui khi thấy nhiều người trẻ quay trở lại yêu thích nhạc thính phòng và ca sĩ hát dòng nhạc này cũng được trân trọng hơn.

Một số ca sĩ thị trường và ca sĩ nhạc nhẹ quay về làm những album nhạc xưa, thậm chí hát những ca khúc thuộc dòng thính phòng, tôi cho rằng đó là dấu hiệu đáng mừng chứ. Tuy nhiên, có một thực tế là những người làm nghề nghiêm túc như chúng tôi khi nghe một số ca sĩ hát nhạc thính phòng thì cảm thấy bị xúc phạm, cảm thấy những bài hát bị ca sĩ trình diễn lố lăng đi một chút. Có những đĩa nhạc vừa bật lên là muốn tắt ngay đi. Nhưng tôi cũng đánh giá cao những người đã cố gắng. Chẳng hạn như Đức Tuấn, anh ấy hát thính phòng theo cách riêng của anh ấy, theo cảm nhận của anh ấy, nếu không bàn đến phương diện kỹ thuật thì cũng chẳng có vấn đề gì cả. Nhưng tôi vẫn nghĩ nếu anh ấy hát nhạc nhẹ chắc là sẽ hay hơn, tốt hơn nhạc thính phòng.

Nhạc thính phòng kén người nghe và kén cả người hát. Cho đến bây giờ trong dòng nhạc ấy cũng chỉ có vài cái tên được nhắc nhớ, tất cả họ đều có sự khổ luyện mà đi lên. Có một tiêu chí để đánh giá về một người theo dòng nhạc này đó là sự chín muồi. Nghĩa là khi anh có kỹ thuật tốt và lại phải có thêm một tuổi đời nhất định để thẩm thấu các giá trị thì mới hát cho ra một tác phẩm thính phòng thật tốt.

PV: Người nổi tiếng khẳng định mình bằng những bộ cánh hàng hiệu sang trọng. Một ca sĩ thính phòng nghĩ như thế nào về trang phục và đồ hiệu?

Ca sĩ Xuân Hảo: Tôi còn nhớ khi mới bắt đầu đi hát, những ca sĩ chưa có tiếng như chúng tôi đều phải làm bạn với Kim Liên (khu vực chuyên bán đồ Trung Quốc và hàng secondhand). Chúng tôi thường ra Kim Liên mua quần áo để đi diễn. Cuộc sống bây giờ đã tốt hơn rất nhiều, tôi cũng là người chú ý đến việc mình xuất hiện như thế nào nhưng quả thực không nhất nhất cho rằng phải dùng đồ hiệu mới thật ổn. Hiện thu nhập của một ca sĩ như tôi có đủ khả năng để chi dùng cho việc mua được quần áo, túi xách, giày dép của những thương hiệu nổi tiếng. Nhưng tôi vẫn mặc vest Quý Sài Gòn, sơmi An Phước, G2000, giày Ý, túi LV. Nói chung tôi quan tâm tới cảm giác khi mình mặc đồ, đến địa điểm nơi mình tới và chọn đồ phù hợp hơn là cứ nhất nhất mọi thứ phải là đồ hiệu.

PV: Nghề ca sĩ có thể nói là nghề kiếm tiền dễ nhất hiện nay. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng đó là ở mảng nhạc nhẹ, nhạc giải trí. Anh có thể chia sẻ, người hát nhạc thính phòng như các anh đây phải sống bằng nguồn thu nào là chính?

Ca sĩ Xuân Hảo: Một ca sĩ nhạc thính phòng nếu không hát ở quán sẽ không có show. Tôi là ca sĩ không làm quán vì thế show không nhiều. Tôi chỉ hát event ở trong và ngoài Hà Nội. Tôi có thể khẳng định ở miền Bắc, các ca sĩ hát nhạc đỏ đều sống bằng event, kể cả Anh Thơ, Việt Hoàn, Trọng Tấn.

Nếu để ý ở Hà Nội, mấy tháng mới treo một băng rôn quảng cáo có tên ca sĩ thính phòng, thu nhập từ những chương trình đó chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng thu nhập của ca sĩ. Các anh, chị như Trọng Tấn, Anh Thơ, Việt Hoàn cũng đều có thu nhập từ hát hội nghị, event. Đặc biệt nếu đi nhiều event ở các tỉnh thu nhập khá ổn vì cát-sê tỉnh lẻ trả cao hơn Hà Nội khá nhiều. Một tháng nếu có 4-5 event mời thì cuộc sống rất ổn rồi.

PV: Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Hằng Nga

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.