Nga-Trung Quốc tập trận hải quân với mục đích gì?

19:00 | 11/07/2013

888 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nga và Trung Quốc đang tiến hành tập trận hải quân tại Biển Nhật Bản. Mục tiêu công bố của cuộc tập trận này là không nhằm vào một bên thứ ba nào cả. Tuy nhiên, mạng tin Oil price ngày 8/7 cho đây là hành động cảnh báo liên minh Mỹ-Nhật tại Tây Thái Bình Dương.

 

 

>> Xem hải quân Nga - Trung 'tương tác trên biển' bằng đạn thật

>>Hải quân Nga - Trung rầm rộ chuẩn bị tập trận chung

>>Choáng ngợp trước dàn chiến hạm trong tập trận chung Nga – Trung Quốc

Trong cuộc họp báo hỗn hợp Nga-Trung ngày 1/7 tại Bắc Kinh, đại diện Trung Quốc và Nga tuyên bố cuộc tập trận “Tương tác Hải quân 2013” được tổ chức ở vịnh Peter đại đế phía bắc biển Nhật Bản (được nước Nga tuyên bố là vùng nước có tính lịch sử của mình) từ ngày 5/7 đến 12/7, và cuộc tập trận thứ hai mang tên “Sứ mệnh Hòa bình 2013” sẽ diễn ra tại vùng Urals của Nga từ ngày 27/7 đến 15/8 tới. Điều khiển cuộc họp báo là Tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc – Thượng Tướng Phòng Phong Huy và người đồng cấp Nga - Valery Gerasimov. Tại cuộc họp, Thượng Tướng Phòng Phong Huy nhấn mạnh, các hoạt động tập trận giữa Nga và Trung Quốc không nhằm vào bên thứ ba, mà chỉ nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa quân đội hai nước trong huấn luyện, phối hợp tác chiến, đảm bảo vai trò trong bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực.

Các chiến hạm Nga mang tới cuộc diễn tập lần này đều có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân chiến thuật với khả năng răn đe cực mạnh. Một biên đội tàu chiến Nga có thể đảm bảo tốt tất cả các nhiệm vụ đối hạm, đối không, đối ngầm và tấn công mặt đất.

Tuy nhiên, theo Oil Price, trong khi Mỹ đang chuẩn bị tập trung 60% lực lượng vũ trang của họ tại Thái Bình Dương, cuộc tập trận hải quân chung Nga-Trung tại Biển Nhật Bản đang phát đi một tín hiệu rõ ràng rằng khu vực Tây Thái Bình Dương - nơi Mỹ vẫn coi là "ao nhà" của họ trong khu vực kể từ sau khi Thế Chiến thứ hai kết thúc - sẽ không còn là độc quyền của Mỹ.

Oil Price cho rằng chương trình nghị sự ngầm của cuộc tập trận trên là nhằm tái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc và Nga đối với những tuyên bố chủ quyền của họ ở khu vực thềm lục địa Tây Thái Bình Dương, nơi rất giàu trữ lượng dầu mỏ và khí đốt. Nga đang có những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản tại quần đảo Kuril, trong khi Trung Quốc tranh chấp với Nhật Bản về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Xa hơn về phía Nam, Trung Quốc đã can dự vào một loạt tranh chấp tại Biển Đông với nhiều nước trong khu vực.

Theo các thông tin trước đó, khoảng 18 tàu chiến, một tàu ngầm, ba máy bay chiến đấu, năm máy bay trực thăng và hai đội biệt kích của Nga và Trung Quốc được điều động tham gia đợt tập trận chung này. Các tàu của Trung Quốc xuất phát từ cảng Thanh Đảo, nơi đóng quân của Hạm đội miền Bắc của Trung Quốc, hướng đến địa điểm tập trung tại Vịnh Peter Đại đế trong lãnh hải Nga, gần thành phố cảng Vladivostok. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tuyên bố rằng cuộc tập trận trên "đánh dấu sự triển khai lớn nhất của hải quân Trung Quốc trong một cuộc tập trận chung với nước ngoài, và là cuộc tập trận chung Nga-Trung tham vọng nhất trong những năm gần đây".

Vì sợ Lầu Năm Góc nghi ngờ về những tác động của cuộc tập trận chung với Nga, một bài bình luận của Trung Quốc đã lưu ý rằng cuộc tập trận hải quân chung Nga-Trung được tổ chức phù hợp với tình hình hiện nay tại Đông Bắc Á, nhưng Oil Price nhìn nhận, cũng có thể giả định rằng cuộc tập trận này là một nỗ lực nhằm chống lại liên minh Mỹ-Nhật hiện nay. Nói thẳng ra, hầu hết lực lượng của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga là nhằm ngăn chặn chuỗi đảo phòng vệ Mỹ-Nhật. Vì thế vấn đề làm cách nào để phá vỡ liên minh Mỹ-Nhật trên thực tế có tầm quan trọng đối với Trung Quốc cũng ngang như đối với Nga.

Oil Price cho rằng hiện nay, Nga và Trung Quốc đều không đủ sức một mình đấu với Mỹ và liên minh quân sự do Mỹ chi phối. Do vậy, Trung Quốc và Nga đã lựa chọn việc tăng cường sự hợp tác chiến lược sâu sắc và việc tổ chức các cuộc tập trận chung là cách duy nhất để phát triển sự hợp tác này.

S.Phương (Theo Oil Price)