Bé trai 15 tháng tuổi chết tại nhà trẻ vì sặc cháo
Anh Phạm Tấn Đô (SN 1974, trú tại thôn Phú Trung, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cho biết, khoảng 4h chiều, chủ nhà trẻ Hồng Hà điện thoại cho anh và vợ là chị Nguyễn Thị Bình thông báo là con trai của vợ chồng anh chị là cháu Phạm Bảo Hân bị “ngất xỉu”.
Cơ sở giữ trẻ Hồng Hà.
Anh Phạm Tấn Đô cho biết, vợ chồng anh gửi cháu Hân tại nhà giữ trẻ Hồng Hà khoảng 3 tháng nay.
“Sáng nay khoảng 8h, vợ tôi chở cháu ra nhà giữ trẻ Hồng Hà để gửi. Khoảng 4h, chị Hạnh (chủ nhà trẻ) điện thoại vào nói với vợ chồng tôi là cháu Hân bị ngất xỉu. Nghe vậy vợ chồng tôi tức tốc chạy xe máy ra đến, vừa đến tôi đã thấy cô Hạnh bồng con trai tôi trên tay, trên người cháu chỉ mặc áo, không mặc quần. Vợ chồng tôi thấy toàn thân cháu tím tái, đặc biệt khuôn mặt tím nặng lắm và cháu tắt thở rồi”, anh Đô đau đớn nói.
Anh Đô kể tiếp: “Thấy con vậy vợ chồng tôi hoảng hồn, vợ chồng tôi liền dùng xe máy của mình tức tốc chở con trai lên thẳng Bệnh viện Nhi Quảng Nam cấp cứu. Đưa cháu vào Bệnh viện Nhi Quảng Nam thì bác sĩ của bệnh viện chẩn đoán ban đầu nói cháu mất rồi và sau đó bác sĩ tận tình sơ cứu khoảng 1 tiếng đồng hồ nhưng vẫn không cứu được con trai tôi. Bác sĩ nói là con trai tôi bị sặc cháo dẫn đến chết. Sau đó khoảng hơn 5h chiều, vợ chồng tôi chở con từ Bệnh viện Nhi Quảng Nam về nhà ở xã Tam Xuân 1. Khi vợ chồng tôi chở con lên bệnh viện thì khoảng 30 phút sau cô Hạnh chủ nhà trẻ mới lên bệnh viện”.
Gia đình anh Phạm Tấn Đô làm việc với Công an TP Tam Kỳ tại nhà vào tối 13/11.
Vợ chồng anh Đô cho biết, cháu Hân được gửi tại nhà trẻ Hồng Hà khoảng 3 tháng nay, mỗi tháng đóng cho nhà trẻ này 1 triệu đồng. Thời gian gửi là cả ngày, từ khoảng 8h sáng đến khoảng 4h chiều ra đón về. Từ nhà anh Đô ra đến nhà trẻ Hồng Hà hơn 3km.
Vợ anh Đô làm dược sĩ bán thuốc Tây tại nhà, còn anh làm nghề lái xe.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, 7h tối cùng ngày, phóng viên có mặt tại trụ sở Công an phường An Sơn và thấy điều tra viên đang làm việc với bà Hạnh (chủ nhà trẻ) cùng với một người phụ nữ khác khoảng 50 tuổi.
Phóng viên đã tìm được đến nhà của vợ chồng anh Phạm Tấn Đô nằm sát đường quốc lộ 1A ở xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành. Đến 10h tối cùng ngày, điều tra viên của Công an TP Tam Kỳ vẫn đang làm việc với gia đình anh Đô tại nhà anh.
Làm việc với điều tra viên Công an TP Tam Kỳ tại nhà, ông Phạm Mau (SN 1942, ông của cháu Hân) bức xúc cho biết: “Đây là sự cố đáng tiếc xảy ra với cháu trai tôi khiến cho gia đình rất bức xúc. Báo chí phải đưa thông tin phản ánh để cho các nhà trẻ khác rút kinh nghiệm sâu sắc”.
Trong lúc làm việc với điều tra viên, anh Đô và gia đình mình yêu cầu công an phải điện thoại bảo bà Hạnh chủ nhà trẻ Hồng Hà vào nhà trả lời các câu hỏi liên quan đến cái chết của con trai họ. Đáp ứng yêu cầu từ phía gia đình, điều tra viên đã tìm cách liên hệ yêu cầu bà Hạnh đến ngay trong đêm.
Gia đình anh Đô dựng rạp để lo hậu sự cho con.
Anh Đô bức xúc: Tại sao cơ sở giữ trẻ Hồng Hà chỉ cách Trung tâm Y tế TP Tam Kỳ chưa đầy 1km nhưng khi sự việc xảy ra thì chủ cơ sở trẻ này không đưa con trai anh đến sơ cứu hoặc ra Trạm Y tế phường An Sơn rất gần đó, khoảng 150m.
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP Tam Kỳ cho biết: Các lớp mầm non tại nhà là tự phát, không được Phòng GD-ĐT cấp phép hoạt động, việc lớp mầm non nhà trẻ do địa phương quản lý, ở đây là cấp phường, xã và thị trấn.
Hiện vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ.
Phú Đông
-
Lộ trình sáp nhập TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương
-
Bảo đảm thống nhất, không bỏ sót quyền hạn của địa phương
-
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Động lực chiến lược cho phát triển kinh tế bền vững
-
Đề xuất giảm thuế VAT đối với xăng dầu đến hết năm 2026
-
Đại biểu Phạm Văn Hòa: DNNN cần ưu tiên trích lập quỹ đầu tư phát triển, tăng vốn điều lệ