Thành lập công ty phát tán tin nhắn lừa đảo, chiếm đoạt 20 tỷ đồng
Trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm trao Thư khen của lãnh đạo Bộ Công an cho các đơn vị tham gia khám phá các chuyên án.
Theo tài liệu của cơ quan Công an, nhóm đối tượng cầm đầu nhóm phạm tội thứ nhất là Lê Ngọc Tiến, trú tại Bắc Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), nhân viên công ty FPT bỏ tiền tổ chức thuê người, mua sắm trang thiết bị thành lập ba công ty Vvas, Vcontent, Bắc Đại Dương hoạt động phát tán tin nhắn lừa đảo trên các đầu số 7x68 và 7x77 của các nhà cung cấp dịch vụ mạng di động Vinaphone, Mobiphone, Viettel.
Ngày 13-6, cùng lúc tổ Công tác đã bắt quả tang và khám xét phòng 119, nhà 5B, tập thể Đại học Công đoàn, quận Đống Đa và số 234 Nguyễn Trãi, TP Hà Nội, thu giữ hành chục hệ thống thiết bị phát tán tin nhắn lừa đảo gồm máy tính xách tay và để bàn, hàng chục bộ Hub (thiết bị để cắm USB 3G và sim điện thoại), hàng chục USB 3G và hơn 9.000 sim điện thoại cùng nhiều thiết bị, tài liệu liên quan. Kết quả điều tra ban đầu, xác định từ 6-2013 đến tháng 6-2014, Công ty Vvas, Vcontent đã phát tán hàng triệu tin nhắn lừa đảo từ các đầu số trên với 27 cú pháp chiếm đoạt khoảng 22 tỉ đồng của các thuê bao di động.
Số tiền này Tiến ăn chia với các nhà mạng theo tỷ lệ 45-55%. Ngay sau khi bị bắt giữ, cơ quan Công an còn phát hiện Tiến đã thành lập thêm hai công ty khác để tiếp tục “bành trướng” quy mô hoạt động phát tán tin nhắn lừa đảo.
Mở rộng điều tra, cơ quan Công an còn phát hiện một nhóm công ty khác là Công ty Thiên Ngân, Thiên Hà do Trần Ngọc Hùng, trú tại phố Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) cầm đầu phát tán tin nhắn lừa đảo. Bước đầu, cơ quan Công an xác định từ ngày 1-5 đến 13-6, Hùng và các đối tượng của Công ty Thiên Ngân, Thiên Hà đã phát tán hàng trăm nghìn tin nhắn với 83 cú pháp lừa đảo để chiếm đoạt 1,016 tỷ VNĐ.
Cũng trong ngày 13-6, tổ công tác của ban chuyên án đã bắt quả tang 7 đối tượng do Nguyễn Ngọc Quyết đứng đầu đang phát tán tin nhắn rác lừa đảo cho Công ty Thiên Ngân. Tang vật thu giữ gồm hàng chục bộ thiết bị phát tán tin nhắn rác, hàng nghìn sim điện thoại, hàng chục máy tính và USB 3G.
Cơ quan điều tra cho biết, đối tượng Tiến cực kì thủ đoạn trong việc thực hiện hành vi phạm tội. Tiến không hề đứng tên ở chức danh, địa vị nhưng lại có vị trí rất quan trọng, có thể điều khiển các giám đốc công ty nhất nhất nghe theo. Tiến trực tiếp điều hành mọi hoạt động của Công ty Vvas do Nguyễn Xuân Dũng làm giám đốc.
Các công ty này hoạt động tương tự giống nhau, chúng chia thành nhiều nhóm, trong đó đối tượng Nguyễn Thị Trang, Lương Thị Toan trực tiếp soạn thảo nội dung tin nhắn; Dũng, Đông cùng với Trần Khắc Quỳnh phát tán tin nhắn; Đinh Nguyên Nam làm kĩ thuật; kế toán Lê Thị Song Hoàn thu tiền.
Các đối tượng sử dụng cú pháp khác nhau để lôi cuốn người với nội dung cổ súy cho lô đề, tử vi bói toán, lừa dảo trúng thưởng, ví dụ như: soạn tin để có 2 số cuối giải xổ số đặc biệt, nhận thư và lời giải xổ số miền Bắc... Khi nhận được tin nhắn, chủ thuê bao gửi lại cho các đầu số sẽ tự động trừ từ 500đ đến 15000 đồng/tin nhắn.
Hiện cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa đã quyết định khởi tố 11 bị can, bắt tạm giam 5 bị can là giám đốc, kế toán, kỹ thuật, kinh doanh của các Công ty Vvas, Vcontent và Công ty Thiên Ngân về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc các thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 266B Bộ luật Hình sự.
Hiện vụ án đang tiếp tục được Công an điều tra mở rộng. Cơ quan Công an cũng cho biết, hiện đang phối hợp với lực lượng chức năng khác, nhất là các nhà mạng trong việc rà soát số thuê bao gửi số lượng tin nhắn không đúng quy định.
Theo Công an nhân dân
-
Đề xuất giảm thuế VAT đối với xăng dầu đến hết năm 2026
-
Đại biểu Phạm Văn Hòa: DNNN cần ưu tiên trích lập quỹ đầu tư phát triển, tăng vốn điều lệ
-
Trao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong huy động và sử dụng dòng vốn nội bộ
-
Đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
-
Tăng cường phân cấp, tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước