Hà Nội: Vì sao "cát tặc" lộng hành?

21:02 | 18/11/2014

1,353 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước tình trạng “cát tặc” lộng hành công khai trên sông Hồng, đoạn qua địa phận huyện Phúc Thọ, Hà Nội nhưng ít bị xử lý, dư luận cho rằng nguyên nhân là do được chính quyền chống lưng. Về việc này, ông Hoàng Mạnh Phú - Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ khẳng định, do khó khăn chứ hoàn toàn không có chuyện chống lưng hay bảo kê.

Liên quan đến vụ hơn 200 chiến sĩ cảnh sát thuộc Cục Cảnh sát Đường thủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động (Bộ Công an) phối hợp cùng Công an huyện Phúc Thọ đột kích ổ nhóm hoạt động khai thác cát trái phép quy mô lớn trên sông Hồng, đoạn qua địa bàn huyện Phúc Thọ. Chiều ngày 18/11, tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Hoàng Mạnh Phú cho hay, tình trạng cát tặc thực chất đã diễn ra từ lâu, nhưng vào tháng 9/2014 vừa qua diễn ra ồ ạt.

Theo giải thích của ông Hoàng Mạnh Phú, trên tuyến sông Hồng qua địa bàn huyện Phúc Thọ có 3 công ty được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp là Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường, Công ty TNHH Thương mại Kim Thanh và Công ty Cổ phần Hương Phong. Ngoài ra, còn có Công ty Cổ phần Hữu Bích và Công ty TNHH An Viên là doanh nghiệp được cấp phép khai thác dưới lòng sông thuộc địa bàn huyện Vĩnh Tường và huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) và Công ty Cổ phần Vân Phúc đang hoạt động kinh doanh.

Tàu của "cát tặc" hoạt động trên sông Hồng.

Thời gian gần đây, tình hình khai thác cát có những diễn biến phức tạp. Ngoài một số đối tượng lợi dụng danh nghĩa công ty trà trộn lén lút khai thác khoáng sản trái phép thì các công ty được cấp phép khai thác cát cũng có những vi phạm. Các tàu khai thác cát của các công ty neo đậu sát bờ sông thuộc địa phận mỏ cát lợi dụng ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần vào ban đêm, sáng sớm dùng nhiều thủ đoạn để trốn tránh lực lượng chức năng.

Trước thực trạng “cát tặc” lộng hành, UBND huyện Phúc Thọ và Công an huyện Phúc Thọ đã làm việc, báo cáo các cơ quan hữu quan phối hợp kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm. Công an huyện Phúc Thọ cũng kiên quyết xử lý nhiều trường hợp vi phạm hành chính với số tiền phạt gần 100 triệu đồng. Nhưng do lực lượng hạn chế, thiếu kinh nghiệm, thiếu trang thiết bị, các đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc để hút cát trái phép, khiến công tác kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn.

“Thời gian qua, UBND huyện Phúc Thọ đã có 8 văn bản chỉ đạo về tình trạng khai thác cát, 3 văn bản báo cáo thành phố, 4 hội nghị đề xuất các lực lượng chức năng vào cuộc giúp đỡ để ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép. Bản thân huyện Phúc Thọ đã từng xử phạt 6 vụ việc liên quan đến vấn đề khai thác cát trái phép” - ông Hoàng Mạnh Phú nói.

Tại buổi giao ban, rất nhiều phóng viên đặt câu hỏi, vì sao tình trạng “cát tặc” đã tồn tại rất lâu, hoạt động công khai, sao huyện Phúc Thọ lại để tồn tại trong thời gian dài như vậy...? Phải chăng, có sự bảo kê và chống lưng cho “cát tặc” như dư luận vẫn đồn thổi?

Về thắc mắc này, ông Hoàng Mạnh Phú thừa nhận: “Trước đây chỉ có 1 đến 2 tàu khai thác cát thì xử lý ngay. Nhưng hiện nay, số lượng này rất đông gây không ít khó khăn cho các cơ quan quản lý. Về trách nhiệm quản lý Nhà nước, lãnh đạo huyện có quan điểm xử lý quyết liệt, không hề nương tay với các đối tượng khai thác cát trái phép. Chúng tôi liên tục có văn bản báo cáo UBND thành phố, đồng thời cố gắng hết sức thể hiện trách nhiệm với nhân dân. Cán bộ ăn lương Nhà nước để làm việc, nhưng phương tiện của chúng tôi rất ít, nhiều khi phát hiện lại bó tay đứng nhìn...”.

Ông Hoàng Mạnh Phú tại buổi giao ban báo chí.

Cũng về vấn đề này, Đại tá Bùi Xuân Trường, Trưởng Công an huyện Phúc Thọ cho biết: "Từ dư luận chúng tôi biết đối tượng Vũ Anh Toàn (tức Toàn “cụt”, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là đối tượng cộm cán trên địa bàn đã lợi dụng việc được cấp phép khơi thông dòng chảy trên sông và sau đó thu tiền của các tàu qua lại. Đối tượng này chỉ đứng chỉ đạo, còn "tay chân" mới là người thực hiện các hành vi vi phạm, chúng hoạt động rất tinh vi. Công an huyện đã lập kế hoạch đấu tranh với Toàn và các "tay chân". Việc này chúng tôi có biết nhưng để chứng minh hành vi vi phạm của đối tượng thì đó là một quá trình".

Trước câu trả lời này, đại diện một số cơ quan báo chí đưa ra câu hỏi, sao công an huyện biết có người bảo kê cho “cát tặc” lộng hành mà không xử lý. Về thắc mắc này, Đại tá Bùi Xuân Trường nói: "Từ năm 2012 chúng tôi đã biết và lập hồ sơ về trường hợp mà dư luận đặt nghi vấn bảo kê cho “cát tặc” khai thác trái phép. Trường hợp này cũng đã được lập án, nhưng chưa chưa triệt phá được. Mừng là vừa rồi Bộ Công an triệt phá giúp".

Trưởng Công an huyện Phúc Thọ cũng khẳng định thêm: "Chúng tôi cam đoan không có chuyện chống lưng cho cát tặc, vì chúng tôi luôn kiên quyết xử lý các sai phạm. Nhân dân phản ánh, chúng tôi cũng rất bức xúc. Nghe dân kêu như thế chúng tôi cũng khổ tâm lắm, nhưng để giải quyết triệt để thì cần có cả một quá trình và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng".

Thiên Minh