Nên sớm giải quyết chế độ cho 'liệt sĩ' Nguyễn Bá Lân!

09:40 | 21/12/2015

1,219 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một quân nhân bị mất tin, mất tích 35 năm, địa phương đã nhận được giấy báo tử, công nhận là liệt sĩ, nay lại lại đột ngột trở về. Đó là trường hợp của ông Nguyễn Bá Lân ở đường Trần Quang Khải, phường Năng Tĩnh, thành phố Nam Định.

Sau 1 tháng thì chế độ tiền tuất của “liệt sĩ” mà người mẹ già ở nhà vẫn nhận bị cắt. Song, các chế độ chính sách đối với thương binh, người có công của cựu quân nhân đó lại chưa được giải quyết. Mặc dù cựu quân nhân đó đã mất 2 năm mang đơn đi “gõ cửa” các cơ quan chức năng nhưng vẫn còn vô vọng.

Là con cả trong gia đình có 10 người con, ông Lân là anh trai cả. Năm 1964, tròn 18 tuổi, ông Lân lên đường nhập ngũ, trở thành chiến sỹ đại đội vận tải của trung đoàn 95A Sư đoàn 325. Tháng 2/1970, ông cùng trung đoàn được lệnh xuống miền Tây Nam Bộ, chiến đấu trên chiến trường Quân khu 9.

nen som giai quyet che do cho liet si nguyen ba lan 363351
Cuộc sống cơ cực của "liệt sĩ" trở về sau 37 năm 

Khi trung đoàn của ông đi đến rừng tràm Hà Tiên, thuộc tỉnh Kiên Giang thì bị máy bay địch ném bom. Ông Lân bị thương khá nặng và bị lạc đơn vị. Sau đó ông tìm đến xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Ông được người dân chăm sóc và đưa về T70, Quân khu 9 điều trị. Sau đấy, ông được chuyển về đơn vị tiếp tục công tác.

Tháng 4/1978, ông cùng đơn vị hành quân sang Campuchia chiến đấu giúp nước bạn rồi từ đấy mất liên lạc với đơn vị và gia đình. Năm 1991, ông được công nhận là liệt sỹ. Cuối tháng 4 năm 2014, ông Lân trở về quê hương. Nhưng sau niềm vui đoàn tụ, ông lại gặp những khó khăn, trắc trở bởi tuổi đã cao, sức yếu, sống cùng mẹ già 95 tuổi, không có nguồn thu nhập gì để bảo đảm cuộc sống tối thiểu.

Ông Lân cùng người nhà đi tìm lại đồng đội, xin xác nhận giấy tờ để làm thủ tục hưởng chính sách đối với thương binh, người có công. Nhưng ở cái tuổi xưa nay hiếm, sức yếu lại không có tiền, ông không thể chạy khắp trong nam ngoài bắc để lo đủ giấy tờ, hồ sơ cho việc giải quyết chế độ được. Và như vậy là người cựu binh này sẽ vĩnh viễn không được hưởng đồng trợ cấp chính sách nào cho đến khi từ giã cõi đời. Công lao của ông trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc coi như bị lãng quên.

Chẳng lẽ một công dân đã hy sinh trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng như thế lại chịu thiệt thòi quá mức như vậy chỉ bởi những thủ tục hành chính phức tạp?

Vì vậy, các cơ quan chức năng nên sớm vào cuộc để giúp đỡ ông Lân! Đồng đội của ông, những người bạn chiến đấu vẫn còn. Các đơn vị như Trung đoàn 95, Sư đoàn 325; T70 Quân khu 9; Sở lao động, thương binh và xã hội, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định là những cơ quan, đơn vị có thể giúp ông Lân hoàn tất hồ sơ.

Tình đồng chí, đồng đội và chức năng của các cơ quan chính sách hoàn toàn có thể làm được điều này để thể hiện lòng tri ân và chính sách xã hội với người có công như ông Lân. Vấn đề là ở sự quan tâm chu đáo, tận tình với đối tượng chính sách mà thôi.

Trường hợp “liệt sĩ” trở về như ông Lân không phải là hiếm gặp ở đất nước trải qua chiến tranh lâu dài các liệt như nước ta. Nếu được sự quan tâm kịp thời và làm hết chức trách nhiệm vụ thì các cơ quan chức năng đều sớm giải quyết được chế độ chính sách cho những quân nhân mất tin, mất tích trở về. Điều đó thể hiện được đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với những người có công trong kháng chiến cứu nước và bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Vừa qua, ở Hà Tĩnh có trường hợp cắt bớt tiêu chuẩn tiền tuất của một bà mẹ liệt sĩ. Nhưng nhờ có sự phát hiện và xử lý kịp thời của sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Hà Tĩnh mà mẹ liệt sĩ đã được điều chỉnh mức tiền tuất theo đúng chế độ hiện hành

Đó là bà Lê Thị Vinh (SN 1913 ở xã Gia Phố, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) được hưởng đều đặn hơn 1,9 triệu đồng/tháng tiền tuất liệt sỹ nuôi dưỡng. Thế nhưng chẳng hiểu vì sao 3 tháng cuối năm 2015, bà bị trừ mất hơn 600 nghìn đồng/tháng. Sự việc này đã khiến gia đình bà hết sức bức xúc.

Sau khi có báo cáo của chính quyền huyện Hương Khê, Sở LĐTB&XH đã có quyết định điều chỉnh lại mức trợ cấp đối với bà Lê Thị Vinh từ 1.318.000 đồng/tháng lên 2.372.000 đồng/tháng bắt đầu áp dụng từ tháng 1/2016. Đồng thời yêu cầu truy lĩnh mức trợ cấp chênh lệch từ tháng 1-2013 đến tháng 12/2015. Theo đó, bà Vinh sẽ được nhận khoản tiền truy lĩnh mức trợ cấp chênh lệch là hơn 11 triệu đồng. Sở cũng yêu cầu chính quyền xã Gia Phố phải tiến hành xin lỗi gia đình bà Vinh vì thiếu trách nhiệm.

Nếu ông Nguyễn Bá Lân ở Nam Định cũng được các cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời như vậy thì cuộc sống của ông sẽ bớt khó khăn và thiệt thòi những năm còn lại của cuộc đời. Bởi bây giờ chỉ có một số đồng đội của ông đến hỗ trợ cho ông và mẹ già 95 tuổi ít tiền, gạo và vài thứ đồ dùng tối thiểu để duy trì cuộc sống sinh hoạt. Những lúc cả hai mẹ con ốm đau, chưa biết có khoản kinh phí nào lo được. Giữa xã hội với chế độ ưu việt của nước ta, chẳng lẽ để tồn tị một hoàn cảnh éo le như vây?

Phải có chế độ cho ông Lân! Chúng ta đều mong như thế và chờ xem đến bao giờ ông Lân sẽ được giải quyết chính sách, chế độ.

Đức Toàn