Lợi nhuận tăng trưởng, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã hết khó?

09:00 | 13/08/2023

67 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ghi nhận tăng trưởng, chủ yếu từ mảng tài chính trong khi, mảng kinh doanh cốt lõi gần như không tăng trưởng nhiều.

Lợi nhuận tăng trưởng nhờ doanh thu tài chính

Lợi nhuận tăng trưởng, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã hết khó?
Lợi nhuận trước thuế quý II của BIC đạt 154 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo tài chính quý II/2023, Tổng công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BIC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 871 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng chi phi hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 664 tỷ đồng, tăng 21%. Lợi nhuận gộp quý này của BIC gần gấp 2 lần cùng kỳ lên 207 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính kỳ này tăng 39%, lên gần 106 tỷ đồng, chi phí hoạt động tài chính giảm mạnh chỉ bằng 20% cùng kỳ, còn gần 3 tỷ đồng. Nhờ doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng mạnh, lợi nhuận trước thuế quý II của BIC đạt 154 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục của BIC từ trước đến nay.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, BIC ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.650 tỷ đồng, lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt gần 1.276 tỷ đồng, lợi nhuận gộp hoạt động tài chính đạt 192 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 33% và 49% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của BIC tăng mạnh 71% so với cùng kỳ, lên 253 tỷ đồng. Doanh nghiệp hoàn thành 52,7% lợi nhuận hợp nhất trước thuế của năm 2023.

Tương tự, Công ty CP Bảo hiểm PVI (HNX: PVI) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng ngoạn mục nhờ doanh thu tài chính trong quý II và nửa đầu năm 2023. Cụ thể, doanh thu thuần về hoạt động kinh doanh bảo hiểm của PVI đạt 1.591 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu tài chính đạt 358 tỷ đồng, tăng mạnh 69% so với cùng kỳ chủ yếu đến từ lãi tiền gửi, tiền cho vay.

Lợi nhuận tăng trưởng, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã hết khó?
PVI cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng ngoạn mục nhờ doanh thu tài chính trong quý II và nửa đầu năm 2023.

Sau khi trừ chi phí, PVI lãi trước thuế 376 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng thu về 322 tỷ đồng, tăng 61% so với quý II/2022, trong đó, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 307 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, PVI ghi nhận doanh thu đạt 7.244 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 694 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và 32% so với nửa đầu năm ngoái. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp bảo hiểm này đã thực hiện 53% kế hoạch doanh thu và 70% kế hoạch lợi nhuận năm 2023.

Các khoản đầu tư tài chính của PVI gồm 744 tỷ đồng vào chứng khoán kinh doanh, bao gồm cả cổ phiếu, trái phiếu (đã được trích lập dự phòng giảm giá hơn 37 tỷ đồng). Ngoài ra, PVI còn có tổng cộng hơn 2.500 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu, trong đó 697 tỷ đồng vào trái phiếu ngắn hạn và 1.849 tỷ đồng vào trái phiếu dài hạn.

Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt (HoSE: BVH), đơn vị có 2 mảng kinh doanh nhân thọ và phi nhân thọ cũng ghi nhận lợi nhuận tăng 26% nhờ vào doanh thu tài chính. Theo đó, kết thúc quý II/2023, doanh thu thuần kinh doanh bảo hiểm của BVH giảm 4% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 9.891 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu phí bảo hiểm gốc (10.294 tỷ đồng) giảm 4%, trong khi, chi phí nhượng tái bảo hiểm (811 tỷ đồng) tăng 26%.

Lợi nhuận tăng trưởng, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã hết khó?
Lợi nhuận ròng của BVH đạt hơn 405 tỷ đồng, tăng 26% so cùng kỳ.

Mặt khác, chi phí bồi thường bảo hiểm tăng 6% lên hơn 9.713 tỷ đồng, khiến tổng chi phí kinh doanh bảo hiểm tăng 4% lên gần 10.650 tỷ đồng. Doanh thu giảm không đủ bù đắp chi phí tăng, khiến hoạt động kinh doanh bảo hiểm của BVH lỗ gộp gần 759 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhờ lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng 44% so với cùng kỳ lên 2.699 tỷ đồng, chủ yếu do lãi tiền gửi (2.434 tỷ đồng) và đầu tư trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu (951 tỷ đồng), lần lượt tăng 86% và 11%, giúp BVH bù đắp được khoản lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm và ghi nhận lợi nhuận ròng đạt hơn 405 tỷ đồng, tăng 26% so cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, BVH lỗ gộp 870 tỷ đồng kinh doanh bảo hiểm; trong khi, lợi nhuận đầu tư tài chính tăng 33%, lên 5.193 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận ròng của BVH vẫn tăng 16% lên gần 934 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp đã thực hiện được 50% mục tiêu lợi nhuận năm.

Còn tại Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex - PJICO (HoSE: PGI), mặc dù doanh thu bảo hiểm giảm, nhưng lãi ròng quý II của doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận tăng trưởng, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã hết khó?
Lãi ròng quý II của PJICO tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, doanh thu phí bảo hiểm gốc của PGI lùi nhẹ 1% so với cùng kỳ, còn hơn 959 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí nhượng tái bảo hiểm tăng 16% lên hơn 328 tỷ đồng, nên doanh thu thuần từ kinh doanh bảo hiểm giảm 2% xuống gần 786 tỷ đồng.

Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính của PGI lại tăng gần gấp đôi lên 34,2 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp đạt hơn 96 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 30% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, với lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm gần như đi ngang ở mức 394 tỷ đồng, trong khi, lợi nhuận hoạt động tài chính tăng 71%, lên gần 45 tỷ đồng, PGI ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 5% so cùng kỳ, đạt hơn 151 tỷ đồng. Với kết quả này, PGI đã thực hiện được 74% mục tiêu sau nửa đầu năm.

Vẫn còn nhiều thách thức

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 116.984 tỷ đồng, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ đạt 35.587 tỷ đồng, tăng 3,31% so với cùng kỳ năm trước; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 81.397 tỷ đồng (giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước).

Lợi nhuận tăng trưởng, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã hết khó?
Nửa cuối năm 2023 vẫn còn nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp ngành bảo hiểm phi nhân thọ.

Theo Quyết định số 07/QĐ-TTg ban hành ngày 5/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030, trong giai đoạn 2021 - 2025 doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân 15%/năm; đến năm 2025 quy mô đạt 3% - 3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 10%/năm; đến năm 2030 quy mô đạt 3,3% - 3,5% GDP; đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ; đến năm 2030 có 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ.

Riêng trong năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 252.911 tỷ đồng, tăng 0,15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 84.447 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 168.464 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù thị trường được đánh giá thuận lợi đối với các doanh nghiệp ngành bảo hiểm, tuy nhiền, nhìn vào kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành bảo hiểm, lợi nhuận tăng trưởng lại không phải đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là kinh doanh bảo hiểm, mà đến từ hoạt động tài chính tăng trưởng vượt trội.

Theo giới chuyên gia, mảng doanh thu tài chính tới đây có thể sẽ không còn mang lại doanh thu lớn cho các doanh nghiệp, khi từ quý II, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm các loại lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp, trong đó, đáng chú ý là trần lãi suất huy động dưới 6 tháng.

Lãi suất huy động các ngân hàng đã giảm liên tiếp từ tháng 2 đến tháng 6. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh có mức giảm mạnh nhất, lãi suất kỳ hạn 12 tháng hiện tại chỉ ở mức 6,3%. Điều này sẽ tác động tiêu cực tới triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm trong nửa cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, do kinh tế suy thoái, doanh nghiệp khó khăn, đã ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, cũng như nhu cầu của người dân đối với các sản phẩm bảo hiểm. Cùng với việc giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý đối với hoạt động bancassurance, cũng sẽ là những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp ngành bảo hiểm trong nửa cuối năm 2023.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Doanh thu phí bảo hiểm trong tháng 7 tiếp tục giảm

Doanh thu phí bảo hiểm trong tháng 7 tiếp tục giảm

Bộ Tài chính cho biết, trong 7 tháng đầu năm tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 130.138 tỷ đồng, giảm 5,54% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm trong tháng 7 chỉ đạt khoảng 13 nghìn tỷ đồng (giảm gần 10 nghìn tỷ đồng so với tháng 6).