Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18: Thiếu khán giả và thừa “thảm họa”

07:16 | 23/10/2013

723 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lễ khai mạc nhạt nhẽo “thiếu muối”, lễ trao giải cẩu thả, các hội thảo kém chất lượng, vắng bóng các ngôi sao trẻ trong nhiều hoạt động của liên hoan phim (LHP), thiếu vắng khán giả trong tình trạng thừa phim đó là toàn cảnh của LHP Việt Nam năm nay.

Lộn xộn kỷ lục

Vì phải dời ngày nên lịch hoạt động của tất cả các sự kiện trong LHP đều phải thay đổi. Vé mời đều được sửa gấp rút để gửi tới người tham dự, nhưng mọi chuyện đều trở nên lộn xộn do cả phía tổ chức và đại biểu tham dự đều bị động. Lộn xộn nhất có lẽ là ở khu vực chiếu phim. Do các rạp chiếu đều phải đóng cửa từ trưa 11/10 đến trưa 13/10 nên BTC đành phải đẩy lịch chiếu các phim tham gia liên hoan lên ngày 9/10 và kéo dài đến chiều 16/10 ngay trước lễ trao giải vài giờ. Cũng chính vì sự thay đổi này mà nhiều đoàn làm phim có lịch ra mắt sớm đã không thể tham dự các suất chiếu phim của mình. Nhiều buổi chiếu phim không có đoàn làm phim tham dự như được thông báo, nhưng cũng có nhiều buổi chiếu, thành phần đoàn phim thì cũng chỉ dừng lại ở việc chào khán giả và nói vài lời trước buổi chiếu. Gần như không có màn giao lưu khi suất chiếu kết thúc. 

Trao giải Bông sen Vàng cho phim "Scandal - Bí mật thảm đỏ" và "Những người viết huyền thoại"

Sự lộn xộn còn thể hiện ở công tác quảng bá cho LHP, khi các bandron, áp phích, cờ phướn… gần như chỉ xuất hiện thưa thớt trên đường phố và các địa điểm hoạt động của liên hóa, khi nhiều bandron đã được in từ trước và nay không thể treo khi LHP đột ngột dời lịch. Sự vắng vẻ của khán giả cùng sự tĩnh lặng của thành phố biển Hạ Long trước một sự kiện văn hóa đã khiến nhiều nghệ sĩ hẫng hụt. Có người tỏ ra tiếc nuối khi nhắc lại LHP lần thứ 14, khi họ vừa đến thành phố Buôn Mê Thuột đã được khán giả cao nguyên chào đón hai bên đường với tràn ngập cờ hoa. 

 Sự hào hứng của nhiều nghệ sĩ với LHP đã giảm đi rõ rệt nhưng sự thờ ơ của khán giả lại càng khiến LHP Việt Nam 18 trở thành một trong những kỳ LHP ngắn ngủi và tẻ nhạt nhất dù thu hút không ít phim và nghệ sĩ.

Bế mạc tẻ nhạt, cẩu thả

Cả hai buổi lễ này chỉ dành cho khách mời, lại được tổ chức cách biệt ở khu du lịch và giải trí Tuần Châu nên hầu như thiếu vắng người hâm mộ đúng nghĩa. Chính vì vậy, gần như không có việc giao lưu, gặp gỡ, bày tỏ tình cảm giữa nghệ sĩ và người hâm mộ. Cảnh xin chữ ký diễn viên như thường thấy ở các kỳ liên hoan trước cũng ít bắt gặp ở sự kiện lần này. Thiếu vắng khán giả, lại được tổ chức ở một địa điểm không phù hợp, sự kiện thảm đỏ - vốn vẫn được coi là “cái đinh” của mọi cuộc LHP diễn ra chóng vánh đến không ngờ trên một đoạn đường vừa ngắn vừa dốc, băng qua một khe cửa hẹp và… tạo dáng trước backdrop trước khi ngồi vào chỗ của mình. Thiếu sự sắp xếp, bố trí người giới thiệu từng đoàn làm phim đi vào và chụp ảnh, nhiều gương mặt nghệ sĩ mới bước lên bục mà không ai biết tên… Tất cả đã khiến ngay cả những người tham dự LHP cũng không cảm nhận được không khí của một sự kiện điện ảnh.

Kịch bản rườm rà, cũ kỹ, quá nhiều màn múa mà thiếu vắng “chất điện ảnh” khiến lễ khai mạc diễn ra trong tẻ nhạt. Màn tôn vinh 60 năm điện ảnh được cho là làm “chưa đến tầm” khi nó chỉ đơn thuần liệt kê các sự kiện, phụ họa bằng màn múa minh họa ngô nghê và có phần quê mùa. Giây phút tôn vinh hai nghệ sĩ lão thành tỏ ra thiếu chuyên nghiệp, khi ngay cả một bức ảnh của người được tôn vinh cũng không thể có trên màn hình.

Lễ khai mạc bị đánh giá là tẻ nhạt và nhàm, nên đến ngày chót BTC phải điều chỉnh chương trình lễ trao giải và bế mạc. Nhưng buổi lễ này còn nhiều “thảm họa” hơn, với nhiều sự việc lộn xộn trên sân khấu. Người được mời trao giải nói năng vô duyên, trong khi người được trao giải hầu như không được mời phát biểu. Những giải được trao trước diễn ra chậm chạp, lề mề do các sự cố vắng người nhận hay chờ đợi họ vòng vèo đi lên sân khấu, trong khi những giải được trao sau - đều là giải quan trọng - buộc phải diễn ra chóng vánh vì “sắp hết sóng” (như lời giục giã của BTC sau cánh gà) (!?).

Một thảm họa nữa xuất phát từ chính những người được mời lên trao giải. Cách phát âm, diễn đạt ngôn từ của họ có vấn đề khiến khán giả đua nhau cười cượt, bình phẩm. Điều đáng buồn hơn là trong số họ có không ít người vốn xuất thân từ diễn viên.

Hội thảo nhạt nhẽo, vô bổ

LHP vốn được coi là nơi để người làm nghề gặp gỡ, trao đổi về nghề nghiệp thì hoạt động này lại trở nên vô cùng nhạt nhẽo và vô bổ. Cả hai cuộc hội thảo diễn ra trong một ngày, dẫn đến việc cuộc hội thảo buổi chiều vắng bóng người tham dự. Nếu cuộc hội thảo “Điện ảnh với Quảng Ninh và quảng bá du lịch qua điện ảnh” bị cho là mang đậm tính địa phương, không mấy liên quan đến nhiệm vụ của ngành điện ảnh và biến thành nơi quảng bá cho… nhà tài trợ (với các bài tham luận dài lê thê, PR có phần lộ liễu của họ) thì buổi hội thảo “Phát triển hợp tác sản xuất và phát hành phim” - một chủ đề được giới làm nghề quan tâm lại thiếu vắng đại diện của các cơ quan hữu trách, khiến nhiều người bỏ về, vì… không được nói hoặc không muốn nói khi họ cho rằng “một hội thảo hết sức quan trọng nhưng nói không ai nghe, không thể giải quyết được gì!”.

Khách tham dự hội thảo đã được mời từ trước, với những bản tham luận viết sẵn, đến hội thảo đọc tham luận dài dòng, không có sự góp mặt của các nhà sản xuất, những người làm phim năng động nhất hiện nay, thay vào đó là những nhà quản lý về hưu khiến hội thảo rất ít sinh khí của đời sống điện ảnh. Nhiều người làm nghề như nhà sản xuất Phước Sang, Hồng Ánh, Hà Thục Vân… đều có mặt tại hội thảo nhưng vì không đăng ký từ trước, họ đều không được phát biểu nên đều bỏ về sớm. Thiếu vắng những người làm nghề, hội thảo trở nên nhạt nhẽo và vô bổ hơn bao giờ hết!

Trao giải cả làng

 Việc có nhiều “đồng giải thưởng” khiến nhiều người cho rằng, LHP năm nay vẫn đi vào vết xe đổ của nhiều kỳ LHP trước, khi chọn phương án an toàn bằng cách trao giải “hội đồng”. Các giải thưởng quan trọng nhất đều có đồng chủ nhân như giải Bông sen Vàng, Bông sen Bạc cho phim truyện điện ảnh, giải thưởng của Ban Giám khảo, giải quay phim, nữ diễn viên chính… Tất cả khiến dư luận đánh giá về một Ban Giám khảo vừa thiếu quyết đoán vừa thiếu cá tính khi đá quả bóng đánh giá về phía khán giả.

Không chỉ giải bình chọn của khán giả dành cho hai bộ phim còn non tay nghề là “Và anh sẽ trở lại” và “Nhà có 5 nàng tiên” gây tranh cãi, ngay cả việc bộ phim “Những người viết huyền thoại” đoạt Bông sen Vàng cũng gây “sóng” không kém trong cả giới làm nghề.

Và trong mặt bằng của nhiều phim “thảm họa”, khán giả sẽ tự mình đánh giá về giá trị thực sự của phim trong mông lung, khi mà nhiều phim không hay vẫn được coi là sáng giá!

Danh sách các phim được trao giải tại LHP Việt Nam lần thứ 18

* Phim truyện nhựa:

- Bông sen Vàng: “Những người viết huyền thoại”, “Scandal - Bí mật thảm đỏ”.

- Bông sen Bạc: “Lạc lối”, “Thiên mệnh anh hùng”.

- Phim truyện điện ảnh được khán giả yêu thích nhất: “Những người viết huyền thoại”, “Nhà có 5 nàng tiên”.

- Phim do Ban Giám khảo bình chọn: “Và anh sẽ trở lại”, “Dành cho tháng 6”.

* Phim truyện video:

- Bông sen Vàng: “Người cộng sự”.

- Bông sen Bạc: “Nước mắt người cha”.

- Phim được Ban Giám khảo bình chọn: “Suối nguồn”, “Bản tình ca màu xanh”.

* Phim Tài liệu:

- Bông sen Vàng: “Có một cơ hội bị bỏ lỡ”.

- Bông sen Bạc: “Chuyện dài ở bệnh viện”, “Ký ức một thời”.

* Phim Khoa học:

- Bông sen Vàng: “Bí mật từ những pho tượng Phật”.

- Bông sen Bạc: “Mùa chim làm tổ”.

- Phim được Ban Giám khảo bình chọn: “Bản đồ tư duy một hành trình kết nối”, “Điện gió”.

* Phim hoạt hình:

- Bông sen Vàng: “Bò vàng”.

- Bông sen Bạc: “Trần Quốc Toản”, “Khoảng trời”.

- Phim được Ban Giám khảo bình chọn: “Bù nhìn rơm”, “Càng to càng nhỏ”.


Linh Chi

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...