Phim hoạt hình lịch sử Việt Nam

Khó đi đường dài

07:08 | 27/05/2018

919 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dù vẫn đều đặn sản xuất hàng chục phim mỗi năm, nhưng ngoài việc đem đi dự thi, được phát miễn phí trên Internet hay chiếu trên truyền hình, phim hoạt hình Việt Nam vẫn chưa thể đến với đại chúng khán giả.

Là thể loại được phát triển từ khá sớm, nòng cốt là Hãng phim hoạt hình Việt Nam được thành lập từ năm 1959, phim hoạt hình đã gặt hái được nhiều thành công ở các liên hoan phim trong nước và quốc tế.

Trung bình mỗi năm có vài chục bộ phim hoạt hình, thời lượng mỗi phim trên dưới 10 phút, được sản xuất bằng ngân sách Nhà nước, nhưng chỉ được chiếu ở Rạp Thánh Gióng hay Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội) trong dịp hè, còn chủ yếu phát hành DVD, chiếu trên một số kênh truyền hình trả tiền, qua mạng Internet, phần lớn chưa gây được ấn tượng đối với khán giả trong nước.

kho di duong dai
Một cảnh trong phim hoạt hình “Con Rồng cháu Tiên”

Thời gian gần đây, một trong những dòng phim hoạt hình được các nhà sản xuất, đạo diễn nghiên cứu khai thác và thu hút được sự quan tâm của khán giả là hoạt hình lịch sử.

Năm 2017, bộ phim “Con rồng cháu tiên” sau khi ra mắt đã ngay lập tức tạo nên “cơn sốt” đối với những người yêu điện ảnh. Đây là sản phẩm của hơn 100 nghệ sĩ, được lên ý tưởng, đầu tư trong 2 tháng và có sự cố vấn nội dung, lịch sử từ nhà sử học Dương Trung Quốc. “Con rồng cháu tiên” được khán giả đánh giá cao bởi sự kết hợp hài hòa giữa hình ảnh và âm thanh, kết hợp của kỹ thuật 2D và 3D, chỉ sau 7 tháng đăng tải trên YouTube đã thu hút hơn 9 triệu lượt xem.

Trước đó, năm 2015, “Hào khí ngàn năm” cũng là bộ phim được đánh giá cao nhờ tái hiện tiến trình lịch sử nước nhà từ buổi đầu dựng nước. Mỗi tập phim có thời lượng 5 phút, nội dung xoay quanh các nhân vật, sự kiện quan trọng từ thời Vua Hùng dựng nước, qua thời kỳ Bắc thuộc cho đến các triều đại phong kiến Việt Nam. Đây cũng là bộ phim hoạt hình lịch sử có độ dài kỷ lục với 2.000 tập, được chiếu trên kênh VTV1.

Ngoài ra, những bộ phim như “Cậu bé cờ lau”, “Đứa con của rồng”, “Đại chiến Bạch Đằng”, “Hào khí Thăng Long” hay dự án độc lập “Đại Việt sử ký” cũng nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả.

Mới đây, một đoạn giới thiệu về phim hoạt hình lịch sử “Loa Thành rực lửa” sắp ra mắt khán giả đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Phần giới thiệu chỉ dài vỏn vẹn 5 phút nhưng được đầu tư kỹ lưỡng. “Loa Thành rực lửa” là sản phẩm đầu tiên trong một dự án phim hoạt hình dài hơi và đây cũng là tên gọi của series 5 tập phim đầu tiên về thời kỳ Âu Lạc An Dương Vương.

Dù khán giả quan tâm, nhiệt huyết của người thực hiện lớn, nhưng nếu không tìm được đầu ra, giải được bài toán kinh phí, hoạt hình lịch sử rất khó đi đường dài.

Thực tế cho thấy, các phim hoạt hình được sản xuất mỗi năm chủ yếu theo đơn đặt hàng của Nhà nước với kinh phí rất hạn chế. NSND Hà Bắc - người từng đạt nhiều giải thưởng quốc tế về phim hoạt hình cho biết: “Làm phim hoạt hình rất đắt, khó có khả năng kéo lại vốn. Việc vi phạm bản quyền cũng ảnh hưởng không nhỏ, khiến các nhà làm phim chịu nhiều thiệt thòi. Đơn cử như trường hợp phim về Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị vi phạm bản quyền nhưng không ai đứng ra bảo vệ. Nếu không kiên nhẫn và cố gắng theo đuổi sẽ không thể làm nghề”. Đó là lý do một số nhóm làm phim hoạt hình cá nhân sau khi cho ra mắt các tác phẩm đã “lặn mất tăm” vì khó có thể đi đường dài. Theo những nhà chuyên môn, việc thực hiện một bộ phim hoạt hình lịch sử tốn công sức và chi phí gấp khoảng 5 lần so với một bộ phim hoạt hình khác. Bên cạnh đó, khâu kịch bản cũng là vấn đề nan giải.

Thời gian gần đây, nhiều đơn vị làm phim hoạt hình lịch sử để lấy thương hiệu và cũng vì tình yêu lịch sử. Nhiều bạn trẻ cũng bắt đầu quan tâm đến dòng phim hoạt hình sử Việt.

Bộ phim “Đại chiến Bạch Đằng” khắc họa trận chiến huyền thoại đại phá quân Nam Hán dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền vào năm 938 của một nhóm sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP HCM) được ra đời cách đây 6 năm từng làm khán giả ngạc nhiên và thích thú. Hay bộ phim “Loa thành rực lửa” cũng là sản phẩm của các bạn trẻ yêu thích lịch sử và muốn thử thách với dòng phim hoạt hình được xếp vào loại “khó nhằn” này.

Theo các nhóm làm phim, khó khăn ban đầu mà bất cứ ai bước vào sản xuất phim hoạt hình lịch sử Việt cũng gặp phải đó là: Kinh nghiệm, kiến thức, tư liệu lịch sử, áp lực về thời gian, kỹ thuật... Đinh Kiều Anh Tuấn (Leo Đinh), đạo diễn bộ phim “Con Rồng cháu Tiên” cho biết: “Quyết định thực hiện bộ phim là những khó khăn chồng chất, bởi làm sao để khán giả hiểu về tổ tiên chỉ với tư liệu vẻn vẹn trong 1,5 trang sách. Hơn 2 tháng tìm ý tưởng, nghiên cứu tư liệu, xây dựng nội dung để vừa nêu bật được giá trị truyền thống, yếu tố giáo dục, vừa thể hiện được sự mới mẻ mà vẫn đậm tính dân tộc. Đối với ê-kíp, đó là bài toán cần có lời giải thỏa đáng”.

Dù khán giả quan tâm, nhiệt huyết của người thực hiện lớn, nhưng nếu không tìm được đầu ra, giải được bài toán kinh phí, hoạt hình lịch sử rất khó đi đường dài, đó là nhận định chung của nhiều người trong giới. Thực tế cũng minh chứng điều này khi nhiều dự án công bố như chỉ để cho thấy Việt Nam đủ năng lực làm được phim hoạt hình lịch sử, chỉ ra đời một tập, một phần hoặc hai phần rồi… biến mất.

Mặc dù theo nhìn nhận của những người trong giới làm phim, hoạt hình sử Việt vẫn còn thiếu những định hướng sản xuất theo quy mô, hệ thống lớn, nhưng có thể thấy, dòng phim này đang dần thay đổi về chất và lượng, đặc biệt khi có sự tham gia của những người trẻ.

Chính vì thế, trong thời gian tới, hy vọng dòng phim hoạt hình lịch sử sẽ giữ “lửa” và tạo ra sự đột phá, độc đáo trong lĩnh vực điện ảnh, kéo khán giả tới gần hơn lịch sử Việt Nam.

K.An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.