Khi bộ quân phục bị lợi dụng

07:00 | 21/03/2016

3,272 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Siêu lừa Lê Xuân Giang cùng đồng bọn còn rất giỏi trong việc sử dụng hình ảnh những người thầy thuốc áo xanh, những cơ sở y tế hàng đầu của quốc gia để “lòe” thiên hạ. Dù không có một tấm bằng sơ đẳng, một chữ bẻ đôi kiến thức về ngành y nhưng không hiểu sao, Giang vẫn xin phép thành lập được cái gọi là “Tập đoàn Thiết bị y tế BQP”. Có lá bùa này, Giang và đồng bọn tinh vi kết nối được với nhiều bệnh viện lớn trong và ngoài quân đội... để thảo ra những “chương trình ứng dụng khoa học” rồi mang chính thương hiệu các đơn vị này đi lừa đảo theo kiểu “cáo mượn oai hùm”...

Bài 2: Mang bóng các bệnh viện lớn để “lòe” thiên hạ

Kịch bản “hợp tác nghiên cứu”

Lần giở hồ sơ vụ việc, chúng tôi thấy, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP đã có một công thức lừa đảo khá tinh vi núp bóng “hợp tác nghiên cứu khoa học” với các bệnh viện lớn với bước đi rất sớm, rất bài bản.

Ngày 27-10-2005, Giang xin được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, sau đó năm 2009 đổi tên Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiết bị y tế BQP (thường gọi oai là “Tập đoàn Thiết bị y tế BQP).

khi bo quan phuc bi loi dung
Văn bản xác nhận của Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương thuộc Bộ Y tế và Bệnh viện Quân y 103

Năm 2006-2009, khi còn hợp tác làm ăn với Viện Điện tử - Viễn thông thuộc Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Giang đã phân phối sản phẩm máy Wonder MF5-08 do Viện này sản xuất. Để quảng bá sản phẩm và tăng lòng tin của khách hàng, Giang mang máy này tới “hợp tác nghiên cứu khoa học” với hàng loạt bệnh viện lớn gồm: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103, Viện Y học cổ truyền Quân đội, Viện Y học cổ truyền Trung ương... rồi xin giấy xác nhận chương trình hợp tác hiệu quả, máy công dụng tốt. Có các giấy chứng nhận, Giang cho in màu hàng vạn bản, kèm theo các hồ sơ đi phân phối tiếp thị sản phẩm.

Bổn cũ soạn lại

Từ khoảng năm 2010, sau khi Giang làm ăn có nhiều dấu hiệu vi phạm, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự chấm dứt hợp tác. Đây cũng là lúc con cọp được lắp thêm lưỡi gươm, Giang tự tách ra làm ăn riêng. Không còn sản phẩm Wonder MF5-08 nhưng Giang và cộng sự tự mày mò, copy rồi “nhái”, mua thiết bị từ Trung Quốc chế ra một sản phẩm giống như máy của Viện Khoa học và Công nghệ sản xuất nhưng đặt một cái tên “vĩ đại” hơn: Great 12. Dù không còn liên quan gì đến quân đội, nhưng Giang vẫn tìm cách lập lờ lăng xê sản phẩm này trên nhiều báo chí là “sản phẩm của người lính” “máy Great-12 quốc phòng”, “là sản phẩm sáng tạo, trí tuệ, là kết quả của quá trình nghiên cứu miệt mài bởi các nhà khoa học, các kỹ sư mang màu áo lính” dù Công ty BQP của Giang không có nhà khoa học, kỹ sư nào cả (?). Tạp chí Y học thực hành số tháng 6-2012 còn “thổi” Giang “là niềm tự hào của khoa học quân sự Việt Nam”(!).

Lúc này, có sẵn cái tên công ty mang dáng dấp quân đội, lại có sản phẩm mới sở hữu “độc quyền”, Giang đã khéo léo làm việc với các cơ quan chức năng của Bộ Y tế để được cấp phép đăng ký lưu hành sản phẩm máy Great12 vào ngày 21-5-2012. Giấy do Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế Nguyễn Minh Tuấn ký. Ít ngày sau, lại chính ông Nguyễn Minh Tuấn ký quyết định cho phép sản phẩm này được quảng cáo bằng hình thức tờ rơi, tài liệu trong hội nghị để tư vấn cho khách hàng.

khi bo quan phuc bi loi dung
Văn bản xác nhận của Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương thuộc Bộ Y tế và Bệnh viện Quân y 103

Theo đó, đến tháng 5-2012, máy Great12 mới được phép lưu hành nhưng trước đó cả năm trời, Lê Xuân Giang, với mối quan hệ cũ tại các bệnh viện lớn, đã qua mặt đội ngũ quản lý, các thầy thuốc ở đây để đưa chiếc máy chưa được lưu hành này vào “thử nghiệm khoa học”. Để rồi, đến tháng 4-2012, hàng loạt bệnh viện đã cấp giấy chứng nhận cho một sản phẩm mà có lẽ chính các y, bác sĩ tại bệnh viện cũng hoàn toàn không biết rằng nó chưa được phép lưu hành. Cụ thể:

Ngày 24-4-2012, Viện Y học Cổ truyền Quân đội có giấy xác nhận số 11 “Nhận xét kết quả điều trị bằng máy vật lý trị liệu Great12” do TS.BS Hoàng Thị Quế, Chủ nhiệm Khoa A9 ký. Ký và đóng dấu xác nhận là Thiếu tướng - PGS.TS Nguyễn Minh Hà, Giám đốc Viện Y học Cổ truyền Quân đội. Giấy xác nhận cho biết, mới chỉ điều trị thử nghiệm trên 60 người, trong vòng 6 tháng, từ tháng 10-2011 đến tháng 4-2012.

Ngày 26-4-2012, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương có giấy xác nhận số 142/NCKH-BVYHCTTW do PGS.TS Trần Quốc Bình, Giám đốc bệnh viện ký với nội dung có nhiều điểm “thổi” công dụng, hoàn toàn sai sự thật như: “Thực hiện hợp tác giữa Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương và Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiết bị y tế Bộ Quốc phòng (ông Bình còn cho ghi thẳng tên công ty là “Tập đoàn Thiết bị y tế Bộ Quốc phòng” chứ không phải là “BQP” - PV) cùng nghiên cứu đánh giá máy vật lý trị liệu Great12 với 12 tích hợp, 4 chức năng...”.

Tương tự với Bệnh viện Quân y 103, Giang cũng xin được giấy xác nhận tương tự.

Những lá bùa tiếp tay

Có được những “lá bùa” trên, cùng với chiêu thức mới là phân phối sản phẩm theo kiểu đa cấp, phát triển chóng mặt, Lê Xuân Giang đã cho in hàng vạn hồ sơ, catalog quảng bá sản phẩm, đăng tải những bản xác nhận đó lên trang web của công ty cùng nhiều trang quảng cáo khác, đánh lừa người dân. Với rất nhiều bản xác nhận có đóng dấu đỏ, chữ ký của các giám đốc bệnh viện lớn, các phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành, người dân dễ dàng tin tưởng loại máy vật lý trị liệu của Giang thật sự là “công trình khoa học tiên tiến” còn Công ty BQP thật sự là một “Tập đoàn Thiết bị y tế” của Bộ Quốc phòng. Chiêu trò “cáo mượn oai hùm” trên đã trở thành liều thuốc phóng khiến cho tập đoàn đa cấp của Giang tăng trưởng phi mã. Nguy hiểm hơn, Công ty BQP còn cho dựng biển ghi sản phẩm máy Great 12 là sản phẩm ứng dụng của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, lập lờ khiến nhiều người lầm tưởng đó là sản phẩm do Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sản xuất.

Vậy mà, thật đáng tiếc, dù đã được cơ quan báo chí cảnh báo từ năm 2012, yêu cầu xử lý, các bệnh viện nêu trên vẫn không chịu xử lý, thu hồi những văn bản trên. Cho đến năm 2015, khi vòi bạch tuộc Liên kết Việt lộng hành quá kinh khủng, chúng tôi trở lại một số bệnh viện để xác minh, làm rõ thì thật bất ngờ, những loại giấy trên vẫn chưa hề bị thu hồi. Trao đổi với giám đốc một bệnh viện lớn, ông cho biết: Theo quy định, thì việc cấp những loại giấy xác nhận “hợp tác khoa học”, “thử nghiệm thiết bị y tế” đều phải báo cáo giám đốc bệnh viện. Việc một số khoa và cán bộ cơ quan hành chính tự cho phép Công ty BQP đưa máy vào hợp tác sau đó ký xác nhận là trái phép.

Còn tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương, đại diện bệnh viện này khẳng định: Đã bị lừa khi Công ty BQP tự giới thiệu mình là công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng đến xin được hợp tác với bệnh viện. Do vậy, trong các công văn, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương đều nhắc đến BQP với cái tên Công ty CP Tập đoàn thiết bị Y tế Bộ Quốc phòng.

Trước những đề nghị phải kiên quyết xử lý của chúng tôi, lúc này một số bệnh viện mới kiểm tra, xử lý, đồng thời yêu cầu thu hồi một số văn bản xác nhận nêu trên.

Theo một nguồn tin chúng tôi ghi nhận được thì trước tình trạng lợi dụng quân phục để trục lợi, lừa đảo trong kinh doanh đa cấp gần đây, Bộ Quốc phòng đang có chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy định cụ thể hơn việc sử dụng, mang mặc quân phục, trong đó có cả qui định đối với đối tượng là quân nhân đã nghỉ hưu, xuất ngũ.

(Xem tiếp kỳ sau)

Minh Toàn

Năng lượng Mới số 506