Học lịch sử qua phim hoạt hình

18:35 | 06/11/2017

4,110 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bên cạnh việc học lịch sử qua sách giáo khoa và các ấn phẩm xuất bản, học sinh hoàn toàn có thể tìm hiểu các kiến thức lịch sử thông qua các bộ phim hoạt hình.  

Con rồng cháu tiên

Bộ phim hoạt hình “Con rồng cháu tiên” là sản phẩm của hơn 100 nghệ sĩ, được lên ý tưởng, đầu tư trong 2 tháng và có sự cố vấn nội dung, lịch sử từ nhà sử học Dương Trung Quốc.

hoc lich su qua phim hoat hinh
Một cảnh trong phim "Con rồng cháu tiên"

Bộ phim vẫn xoay quanh nội dung quen thuộc lý giải cội nguồn dân tộc Việt Nam, về truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng. Tuy nhiên, trong bộ phim “Con rồng cháu tiên” có cách thể hiện hoàn toàn mới so với những phim hoạt hình trước đó.

Bên cạnh nhân vật chính Lạc Long Quân, Âu Cơ, bộ phim còn có nhiều nhân vật phụ, nhiều trường đoạn được kịch tính hóa để thu hút sự chú ý của khán giả và khơi gợi sự tò mò về truyền thuyết vẫn thường nghe kể.

“Con rồng cháu tiên” được khán giả đánh giá cao bởi sự kết hợp hài hòa giữa hình ảnh và âm thanh, đó là sự kết hợp của kỹ thuật 2D và 3D và ca khúc chủ đề “Cùng nhau ta thắp sáng” do nghệ sĩ Thanh Bùi và Novel Production tham gia sáng tác, ca sĩ Bích Ngọc trình bày.

Bộ phim được ra mắt khán giả vào ngày 4/11 trên kênh truyền hình HTV3 và chiếu online. Ngoài ra, “Con rồng cháu tiên” còn được chiếu tại 110 trường tiểu học cả nước.

Hào khí ngàn năm

Ra mắt năm 2015, bộ phim hoạt hình lịch sử “Hào khí ngàn năm” đã tái hiện tiến trình lịch sử nước nhà từ buổi đầu dựng nước đến hết thời kỳ quân chủ Việt Nam. Mỗi tập phim có thời lượng 5 phút, nội dung xoay quanh các nhân vật, sự kiện quan trọng từ thời Vua Hùng dựng nước, qua thời kỳ Bắc thuộc cho đến các triều đại phong kiến Việt Nam.

hoc lich su qua phim hoat hinh
Một cảnh trong phim "Hào khí ngàn năm"

Ban cố vấn của chương trình gồm: PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi - Nguyên Phó TBT Tạp chí nghiên cứu lịch sử - Viện Sử học; PGS.TS. Nghiêm Đình Vỳ - Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; TS. Trương Minh Tuấn - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội sử học Việt Nam; PGS.TS. Đoàn Thị Tình - Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam; Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức (cố vấn về bối cảnh, đạo cụ).

“Hào khí ngàn năm” là bộ phim hoạt hình lịch sử có độ dài kỷ lục với 2.000 tập, được chiếu trên kênh VTV1.

Đại chiến Bạch Đằng

Là sản phẩm của nhóm sinh viên chuyên ngành Hoạt hình Manga Nhật & Comic Mỹ tại Đại học Hồng Bàng (TP. HCM), bộ phim hoạt hình “Đại chiến Bạch Đằng” ra đời năm 2012 đã gây sốt với cư dân mạng. Chỉ sau hơn 1 tuần đăng tải trên Youtube, bộ phim đã thu hút 69.000 lượt truy cập kèm theo nhiều lời ngợi khen dành cho ekip thực hiện.

hoc lich su qua phim hoat hinh
Một cảnh trong phim "Đại chiến Bạch Đằng"

Bộ phim chỉ kéo dài hơn 6 phút nhưng đã tái hiện được toàn bộ trận chiến chống lại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938. Đồng thời, bộ phim còn phản ánh hình ảnh Ngô Quyền từ khi chỉ là một viên tướng nhỏ, đến khi xưng vương.

Với hiệu ứng 3D và 2D cùng những hình vẽ sinh động thoát li hoàn toàn phong cách Manga, bộ phim đã mang đến cho cộng đồng mạng nhiều bất ngờ về sự đột phá trong việc “hoạt hình hoá” đề tài lịch sử khô khan.

Hào khí Thăng Long

Ra đời năm 2011, bộ phim hoạt hình lịch sử dài 60 phút “Hào khí Thăng Long” đã tái hiện sinh động giai đoạn lịch sử xuyên suốt ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông của dân quân Đại Việt từ năm 1257 đến 1288.

hoc lich su qua phim hoat hinh
Một cảnh trong phim "Hào khí Thăng Long"

Dưới sự chỉ huy tài ba của vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, từ triều đình đến nhân dân, trên dưới một lòng, đặt lợi ích của dân tộc lên trên mọi quyền lợi cá nhân, huy động sức người, sức của ở mọi miền, kiên cường chiến đấu và cả ba lần chiến thắng kẻ thù hùng mạnh nhất lúc bấy giờ. Đây là một trong những giai đoạn lịch sử hào hùng nhất với những chiến thắng vang dội trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Phim được đánh giá cao khi sử dụng công nghệ 3D tiên tiến, tuy nhiên cách truyền tải theo kiểu cũ, lời thoại dài dòng, vẫn tạo cảm giác khô khan, nhàm chán, khó thu hút khán giả. Phim được chiếu trực tuyến trên Youtube.

Người con của rồng

Năm 2010, hãng phim Hội điện ảnh Việt Nam đã giới thiệu “Người con của rồng” - bộ phim truyện hoạt hình về tuổi thơ của Thái tổ Lý Công Uẩn. Bộ phim khắc họa chân dung tuổi thơ của Lý Công Uẩn với bao sự tích huyền ảo, bao câu chuyện dân gian được truyền miệng từ đời này sang đời khác.

hoc lich su qua phim hoat hinh
Một cảnh trong phim "Người con của rồng"

Được xúc tiến từ năm 2007 nhưng tới tháng 10/2008, “Người con của rồng” mới bắt đầu đi vào sản xuất. Tổng kinh phí cho bộ phim là gần 6,8 tỷ đồng với đội ngũ họa sĩ 2D và 3D lên tới 30 người. Các họa sĩ đã phải tạo ra hơn 30 nhân vật với 20 bối cảnh lớn và 800 cảnh diễn. Đây là bộ phim hoạt hình dài hơi đầu tiên của Việt Nam được thực hiện với kỹ thuật 3D.

Tuy được đầu tư lớn, song phim chỉ được phát sóng trên truyền hình vào ngày đại lễ và được ra rạp chiếu một buổi, nhân khai trương rạp Kim Đồng ở Hà Nội.

Đại Việt sử ký

Cũng là một sản phẩm của học sinh, “Đại Việt sử ký” kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long có nội dung điểm lại những dấu mốc lịch sử, từ năm 1010 vua Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La; Vua Lý Thái Tông cho xây dựng chùa Một cột hình bông sen năm 1049; Văn Miếu - Quốc Tử Giám, điện Kính Thiên được xây dựng...

hoc lich su qua phim hoat hinh
Một cảnh trong phim "Đại Việt sử ký"

Ngoài ra, phim còn giới thiệu văn hóa và các làng, phố nghề ở Thăng Long, đưa người xem tham quan phố phường Hà Nội thời bao cấp với bách hóa tổng hợp Tràng Tiền, tháp Rùa, Ô Quan Chưởng, cầu Thê Húc và cả cuộc sống ồn ào, sôi động ở phố phường.

Trước đó, vào năm 2005, xưởng phim hoạt hình của Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình Việt Nam (VFC) đã khởi động dự án dài hơi - sản xuất bộ phim hoạt hình "Chiếc giếng thời gian" (khoảng 100 tập), xoay quanh các câu chuyện, sự kiện, nhân vật lịch sử từ thời kỳ dựng nước cho đến tiền cận đại - với kinh phí đầu tư hơn 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, phải 2 năm sau, những tập phim đầu tiên mới hoàn thành. Bên cạnh đó, phim được chiếu trên kênh VTV2 ở những khung giờ không cố định, lượng phim không đủ để phát hành định kỳ, vì thế bộ phim sớm chìm vào quên lãng.

Có thể nói, việc giáo dục lịch sử thông qua các bộ phim, đặc biệt là phim hoạt hình là cách làm không mới đối với nền điện ảnh thế giới. Tại Việt Nam, đã có không ít bộ phim hoạt hình lịch sử được thực hiện và ra mắt khán giả, song do nhiều lý do, những bộ phim này vẫn chưa gây được tiếng vang trong dư luận.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, lịch sử phải nói chính xác nhưng đòi hỏi ngôn ngữ phải hết sức hấp dẫn, nhất là cho giới trẻ. Vì thế, các nhà sản xuất cũng cần tìm hiểu hiệu ứng xã hội, tìm hiểu từ những người xem, từ bậc phụ huynh, từ các nhà giáo dục, kể cả các nhà làm công tác tuyên giáo, tránh tình trạng làm xong rồi… cất kho.

Nhã Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.