Hoàng Sa, Trường Sa và những bằng chứng thép

05:00 | 24/08/2013

5,370 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những bản đồ, tư liệu trưng bày tại triển lãm: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử” chứng tỏ từ lâu đời, nhà nước phong kiến Việt Nam đã có hoạt động chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng việc cử người ra hai quần đảo này khai thác sản vật, đo đạc thủy trình, cắm mốc chủ quyền và lập bản đồ...

>> Triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử" tại TP HCM

Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ Việt Nam

An Nam Đại quốc họa đồ (1838) của Giám mục Jean Louis Taberd (Pháp) vẽ và xuất bản trong cuốn từ điển La tinh – An Nam năm 1838. Bản đồ vẽ theo phương pháp hiện đại, chính xác và được chú thích bằng 3 thứ tiếng (La tinh, Hán, Quốc ngữ). Dọc theo khu vực duyên hải và ngoài khơi An Nam, bản đồ có ghi tên các cảng, đảo... và ở khoảng giữa vĩ tuyến 16 và 17 độ Bắc, kinh tuyến 111 độ Đông, bản đồ có vẽ cụm đảo nhỏ với dòng chữ "Paracel seu Cát Vàng" (Paracel hoặc Cát Vàng).

An Nam đại quốc họa đồ và Đại Nam thống nhất toàn đồ

Trước đó, vào năm 1837, Giám mục Jean Louis Taberd còn có bài khảo luận có giá trị khẳng định quần đảo Paracel hay Cát Vàng đã được vua Gia Long chính thức sáp nhập vào lãnh thổ An Nam từ năm 1816 “Vào năm 1816 nhà vua đã tới long trọng cắm lá cờ của mình và chính thức giữ chủ quyền ở các bãi đá này, mà chắc chắn sẽ không có ai sẽ tìm cách tranh giành với ông ta”.

Đại Nam thống nhất toàn đồ do vua Minh Mạng cho vẽ vào năm 1838, có thể hiện hai địa danh Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa bằng chữ Hán.

19 Châu bản triều Nguyễn là loại văn bản hành chính của vương triều Nguyễn (1802-1945). Trên các châu bản này còn lưu lại các dấu tích bút phê của các vua triều Nguyễn bằng son đỏ. Những tờ châu bản này được trích từ kho tàng châu bản triều Nguyễn, gồm 734 tập với hàng trăm nghìn trang văn bản gốc.

19 Châu bản triều Nguyễn

Nội dung các châu bản trung bày trong triển lãm này phản ánh quá trình thực thi chủ quyền của triều đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là những bằng chứng sinh động cho thấy các vua triều Nguyễn luôn quan tâm đến vấn đề thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này, thông qua việc liên tục cử người ra hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa để khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ; thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn đối với thuyền bè của Việt Nam cũng như thuyền bè của các nước khác gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.

Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ phương Tây

Trên những tấm bản đồ Việt Nam hoặc khu vực Đông Nam Á xuất bản tại phương Tây trong các thế kỷ XVI-XVIII, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thường được miêu tả như “lưỡi dao” dài, kéo dọc suốt ngoài khơi đối diện với bờ biển Việt Nam. Tên của các đảo và quần đảo được ghi khá rõ trên các bản đồ này.

Một phần bản đồ An Accurate of the East Indies do Thomas Banke xuất bản tại London (Anh) 1805 thể hiện các quần đảo là của Việt Nam

Đầu của “lưỡi dao” thường ghi: I.de Pracel (đảo Hoàng Sa), hay Paracel Islands, Paracel, Paracels, Pracel, Parcels... Điểm cuối của “lưỡi dao” thường ghi là Pulo Sissir (hay Pullo Sissir, Pulo Cécir), gồm có hai đảo: Pullo Sissir da Terra (Cù Lao Câu) và Pullo Sissir do Mar (Cù Lao Thu) ở vùng biển Bình Thuận ngày nay.

Bản đồ bờ biển Đàng Trong, Đàng Ngoài và một phần bờ biển Trung Hoa do Van de Kusten thực hiện năm 1754

Chẳng hạn: bản đồ Asia do Gerard Mercator thực hiện; bản đồ của anh em nhà Van Langren (Hà Lan) năm 1595; bản đồ East India do Petrus or Pieter thực hiện năm 1594; bản đồ Asia noviter delineata do Willem Janszoon Blaeu thực hiện năm 1617...

Sang thế kỷ XIX, các tập bản đồ này đã phân biệt một cách đầy đủ, rõ ràng hai quần đảo Paracels (Hoàng Sa) và Spratlys (Trường Sa), ghi nhận chủ quyền của Vương quốc An Nam trên cả hai vùng quần đảo này.

Bản đồ Lục địa Đông Ấn do Macmillan Company xuất bản tại London (Anh) năm 1736

Những bản đồ phương Tây trong triển lãm có niên đại trải dài từ thế kỷ XVI-XIX, đều thể hiện bằng hình vẽ hoặc bằng ghi chú của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở vùng biển của nước ta với nhiều tên gọi khác nhau. Chứng tỏ, từ thế kỷ XVI, nhiều người phương Tây đã biết đến vùng biển đảo Hoàng Sa và ghi nhận quần đảo này là một phần lãnh thổ Việt Nam.

Bản đồ Trung Quốc do phương Tây và Trung Quốc vẽ không có Trường Sa, Hoàng Sa

Theo tư liệu của Trung Quốc, triển lãm giới thiệu một số bản đồ và 4 tập atlas khẳng định ranh giới cực Nam của Trung Quốc không vượt quá đảo Hải Nam; một số tài liệu khác trực tiếp hay gián tiếp xác định các quần đảo giữa biển Đông không thuộc về Trung Quốc mà thuộc quyền cải quản của An Nam.

Bản đồ các mỏ dầu và gas của Trung Quốc thể hiện phần lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, do Petroleum News SE Asia xuất bản tại Hong Kong năm 1979

Tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa trước 1975

Tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa thời hiện tại

Đảo Trường Sa lớn

Nguyễn Hiển

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc