Hoan nghênh và đồng thuận

07:01 | 16/01/2015

1,277 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kỳ lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên của Đảng cho thấy, tín nhiệm của Đảng cũng chính là tín nhiệm và niềm tin của nhân dân.

Năng lượng Mới số 391

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương (TƯ) lần thứ 10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập việc lấy phiếu tín nhiệm của TƯ với các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhằm thăm dò tín nhiệm. Tổng bí thư nêu rõ: Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư được tiến hành lần đầu nên rất hệ trọng và nhạy cảm, liên quan đến uy tín và sự lãnh đạo chung của Đảng.

Bộ Chính trị đề nghị các đồng chí TƯ phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm và xây dựng, nghiên cứu thật kỹ quy định và tờ trình của Bộ Chính trị, các báo cáo công tác của từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư để thể hiện chính xác chính kiến của mình qua mỗi lá phiếu, góp phần bảo đảm việc lấy phiếu thật sự dân chủ, khách quan, công tâm, xây dựng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; không để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá.

Tổng Bí thư cho biết, cùng với việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí lãnh đạo cao nhất, Đảng ta đã xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, những công việc này đã được tiến hành khá bài bản, chặt chẽ và đạt kết quả bước đầu tích cực. Qua gần 2 năm kể từ khi xin phiếu giới thiệu của TƯ đến nay, tình hình đã có những thay đổi, các đồng chí ủy viên TƯ và cán bộ, đảng viên trong diện được xem xét đưa vào quy hoạch đã có điều kiện và thời gian công tác nhiều hơn để thể hiện rõ hơn phẩm chất và năng lực của mình; việc quy hoạch cần được định kỳ rà soát, bổ sung theo tinh thần “động” và “mở”.

Xung quanh sự kiện này, nhiều cán bộ, đảng viên đã bày tỏ sự đồng thuận với Ban Chấp hành TƯ lần đầu tiên thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng. Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc chuẩn bị nhân sự TƯ khóa tới.

Nhận xét về kết quả kỳ họp, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội cho rằng, thực hiện Nghị quyết của kỳ họp này sẽ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, khôi phục lòng tin của nhân dân. Nhiều cán bộ lão thành nhận thấy công tác quy hoạch cán bộ chiến lược và lấy phiếu tín nhiệm là rất đáng hoan nghênh, nhằm đạt tới mục tiêu cao nhất là lựa chọn ra được những người lãnh đạo có đủ đức, đủ tài đưa đất nước tiến nhanh, theo kịp các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Hơn hai năm qua, Quốc hội, HĐND các tỉnh và nhiều Đảng bộ  cũng đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, nhưng kết quả chưa thật thuyết phục. Hầu hết các vị làm việc ở những vị trí ít va chạm thì số phiếu tín nhiệm cao, còn những vị làm ở những vị trí va chạm nhiều thì dễ bị giảm phiếu tín nhiệm cao, tăng số phiếu tín nhiệm thấp. Qua đó, nhiều ý kiến đề nghị, cần có sự cân nhắc, xem xét để đánh giá chính xác năng lực và phẩm chất cán bộ.

Các chuyên gia cho rằng, muốn bỏ phiếu tín nhiệm chính xác cần có thông tin cụ thể, kịp thời. Việc đánh giá các chức danh khác nhau cần đặc biệt chú ý đến vị trí, nhiệm vụ được giao, không nên đánh giá đồng loạt, ai cũng giống ai. Cụ thể, với cán bộ ở tầm chiến lược thì đánh giá phải khác với cán bộ thực hiện, phân biệt rõ theo vai trò chỉ đạo với năng lực tổ chức thực hiện. 

Có thể thấy rằng, dù công tác cán bộ của ta đúng quy trình, nhưng đôi khi quy trình ấy vẫn “hình thức”, “so bó đũa chọn cột cờ” nghĩa là còn cảm tính trong công tác quan trọng này. Ngoài chuyện cảm tính thì cũng có những yếu tố khác chi phối công tác cán bộ rất mạnh, như dân gian đúc kết mà ngay lãnh đạo cao cấp của ta cũng nhắc tới, đó là: “Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ”. Khi dân gian đã đúc kết ra một câu vè như vậy thì chứng tỏ hiện tượng này không phải cá biệt mà nó đã khá phổ biến trong xã hội. 

Cán bộ bây giờ trình độ cao hơn, nhiều bằng cấp hơn, nhưng năng lực tham mưu vẫn không đáp ứng yêu cầu của Đảng và tín nhiệm của nhân dân.

Tại sao như vậy? Rõ ràng là chúng ta tuyển chọn cán bộ chưa thật chuẩn. Quá trình đào tạo, rèn luyện cán bộ cũng cần tổ chức tốt hơn.

Theo các cán bộ tổ chức có kinh nghiệm, công tác cán bộ vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Chẳng hạn, có hiện tượng cán bộ được luân chuyển lại co mình, ngại va chạm, không dám quyết định khi được xin ý kiến được coi là trường kỳ mai phục. Lấy nê lãnh đạo tập thể, mặc dù là cấp phó thường trực, vẫn yêu cầu chờ hội ý, xin ý kiến  thủ trưởng, bí thư. Một số cán bộ coi luân chuyển như một chuyến đi thực tế dài ngày, tráng qua một lớp màu địa phương nhưng khi về Hà Nội không phát huy được gì. Lại có người phải luân chuyển vì những vấn đề nội bộ nên mới có câu rằng: “Khi đi thường vụ, khi về thường dân”, “đi thua lỗ, về mất chỗ”. Luân chuyển để đào tạo, rèn luyện cán bộ như vậy thì rất khó có cán bộ vững vàng.

Kỳ lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên của Đảng cho thấy, tín nhiệm của Đảng cũng chính là tín nhiệm và niềm tin của nhân dân. 

Bảo Dân

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc