Hình sự hóa tài sản bất hợp pháp: Vướng ở đâu?

15:22 | 27/07/2017

457 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kê khai tài sản, thu nhập là một trong các nhóm giải pháp được quy định tại Luật Phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, các quy định hiện hành về kê khai tài sản vẫn có nhiều điểm chưa rõ ràng.  

Mới đây, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, sắp tới, khi sửa luật cần hình sự hóa các tài sản bất hợp pháp, không giải trình rõ nguồn gốc. Ý kiến này sau đó đã nhận được sự quan tâm của dư luận, vì hiện nay các chế tài xử phạt ở nước ta chỉ áp dụng đối với cá nhân vi phạm, còn tài sản kê khai không rõ nguồn gốc thì chưa có biện pháp cụ thể.

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định: “Ở nước ta, sau khi cán bộ, công chức kê khai tài sản cần tiến hành công khai tài sản theo quy định pháp luật. Trong đó, việc giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập là một trong những căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xử lý người vi phạm. Tuy nhiên, chế tài áp dụng chỉ là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm. Trong khi việc hình sự hóa tài sản bất hợp pháp, có nguồn gốc không rõ ràng là một đề xuất tốt, phù hợp với xu hướng công khai, xây dựng nền pháp luật tiến bộ. Tuy nhiên, để cụ thể hóa thành luật và đưa vào cuộc sống thì phải nghiên cứu kỹ càng, nhằm đảm bảo tính khả thi, phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết về mặt lâu dài”.

hinh su hoa tai san bat hop phap vuong o dau

Luật sư Đặng Văn Cường phân tích, kiểm soát, xử lý việc kê khai tài sản sẽ dễ dàng, minh bạch hơn nếu quyền kiểm tra, giám sát của người dân được phát huy tối đa. Theo quy định hiện hành, thì việc công khai bản kê khai tài sản của cán bộ công chức vẫn thực hiện trong phạm vi nội bộ. Theo Điều 11 Nghị định 78/2013/NĐ-CP, việc khai thác, sử dụng bản kê tài sản, thu nhập của công chức cũng có những qui định hết sức chặt chẽ về thẩm quyền.

Như vậy, người dân sẽ khó lòng biết được người mình định tố cáo tham nhũng, kê khai gian dối đã kê khai tài sản ra sao và người dân lại không được quyền tiếp cận tài liệu nên việc có bằng chứng nhằm chứng minh hành vi gian dối rất khó khăn. Mặt khác, một số bộ phận cán bộ công chức chưa có ý thức minh bạch, công khai tài sản, có suy nghĩ, hành vi trục lợi nên việc kê khai thiếu trung thực là khó tránh khỏi. Vì vậy, cần phải có các biện pháp xác minh việc tự kê khai tài sản của CBCC minh bạch đến đâu, các biện pháp kiểm tra chéo, thanh tra và chú trọng hoạt động kiểm tra, giám sát của người dân để tăng sự hiệu quả kê khai tài sản.

Đối tượng phải kê khai tài sản rất rộng, được quy định tại Điều 7 Nghị định 78/2013/NĐ-CP

“Dưới góc độ luật pháp thì vấn đề này là chính sách hình sự, hình sự hóa các hành vi có biểu hiện tham nhũng. Trước tiên phải sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng năm 2012, xác định hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực là hành vi vi phạm pháp luật - hành vi tham nhũng. Tiếp theo là phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015 để ghi nhận hành vi kê khai tài sản không trung thực là hành vi nguy hiểm cho xã hội, là tội phạm và phải chịu hình phạt, có thể là một tội danh độc lập hoặc bổ sung hành vi này trong tội tham ô tài sản hoặc nhận hối lộ. Như vậy mới có cơ sở pháp lý để xử lý và áp dụng hình phạt” - Luật sư Đặng Văn Cường nói.

Cùng quan điểm, Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình đồng tình với kiến nghị hình sự hóa tài sản bất minh. Song vị luật sư này cũng lo ngại tính khả thi, vì thực tế hiện nay Luật Phòng chống tham nhũng và các quy định pháp luật liên quan đến việc kê khai tài sản vẫn còn chung chung.

“Nhiều hình thức lách luật như để người thân, vợ con, họ hàng đứng tên tài sản để không phải kê khai và cơ quan chức năng cũng khó phát hiện. Lúc này đối tượng rất rộng nên việc xác minh sẽ khó khăn và tốn nhiều công sức. Cần phải sửa đổi, bổ sung và ban hành các quy định chặt chẽ hơn đối với việc tài sản có được không rõ nguồn gốc, bất hợp pháp. Sự xác minh kê khai ở đây là triệt để và người gian dối, hay tẩu tán tài sản nếu bị phát hiện thì tùy tính chất hành vi, mức độ nguy hiểm, hậu quả mà có thể xử lý hình sự” - Luật sư Trần Minh Hùng bổ sung quan điểm.

Xuân Hinh - Đinh Hương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc