Hiệp định Paris 1973: Chiến thắng của lương tri, niềm tin vào chính nghĩa

22:38 | 13/01/2023

351 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khẳng định Hiệp định Paris là thắng lợi của đấu tranh về quân sự, chính trị, ngoại giao của nhân dân Việt Nam, là thắng lợi của phong trào nhân dân thế giới.
Hiệp định Paris 1973: Chiến thắng của lương tri, niềm tin vào chính nghĩa - 1
Các đại biểu dự sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris đặt vòng hoa vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng 13/1 (Ảnh: VUFO).

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2023), sáng nay 13/1, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức Chương trình giao lưu "Gặp gỡ hữu nghị Hiệp định Paris 1973 - ôn lại quá khứ, hướng tới tương lai".

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, tạo ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam. Đây được coi là chiến thắng vĩ đại không chỉ của nhân dân Việt Nam mà của cả nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Việc ký kết Hiệp định Paris, dẫn tới sự rút quân vô điều kiện của quân đội Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng tiến công Mùa Xuân và thống nhất hoàn toàn đất nước ngày 30/4/1975.

Chương trình giao lưu "Hiệp định Paris 1973 - ôn lại quá khứ, hướng tới tương lai" là dịp để cùng nhìn lại một thời kỳ lịch sử, ôn lại những kỷ niệm về tình đoàn kết quốc tế trong sáng, sự ủng hộ to lớn của nhân dân thế giới đối với Việt Nam và rút ra những bài học cho thúc đẩy đoàn kết quốc tế trong bối cảnh mới.

Tham dự buổi giao lưu có đại diện các ban, ngành, đoàn thể cùng 26 đại biểu quốc tế từ 15 quốc gia trên thế giới, những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong đó có thời kỳ Hội nghị Paris, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc ngày nay.

Hiệp định Paris 1973: Chiến thắng của lương tri, niềm tin vào chính nghĩa - 2
Các đại biểu tham dự Chương trình giao lưu "Gặp gỡ hữu nghị Hiệp định Paris 1973 - ôn lại quá khứ, hướng tới tương lai" (Ảnh: VUFO).

Tại buổi giao lưu, các đại biểu đã cùng nghe thông điệp chúc mừng của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, một trong 4 người ký tên vào Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973.

Trong thông điệp chúc mừng, bà Nguyễn Thị Bình khẳng định, Hiệp định Paris là thắng lợi to lớn về chính trị và ngoại giao của nhân dân Việt Nam, là bước ngoặt lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dẫn đến cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Việc ký kết Hiệp định Paris là thắng lợi của cuộc đấu tranh về quân sự, chính trị, ngoại giao của nhân dân Việt Nam, đồng thời là thắng lợi của phong trào nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam. Cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của nhân dân Việt Nam được sự ủng hộ mạnh mẽ, rộng rãi của thế giới to lớn chưa từng có đã buộc chính quyền Mỹ đi vào đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam.

"Chúng tôi còn ghi nhớ những bạn Mỹ tự thiêu để phản đối chiến tranh, chúng tôi cũng không bao giờ quên hàng triệu người ở khắp nơi trên thế giới đã bất chấp đàn áp, tù tội, tuần hành và biểu tình để đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh. Tất cả sự đoàn kết và ủng hộ của các bạn là sức mạnh giúp chúng tôi trên chiến trường cũng như trên bàn Hội nghị trong những ngày đấu tranh gay go, khốc liệt. Một lần nữa rất cảm ơn những người bạn, những người chiến sĩ hòa bình đòi công lý trên thế giới đã tham gia vào cuộc ủng hộ Việt Nam chống Mỹ cứu nước", bà Nguyễn Thị Bình nói.

Cũng trong thông điệp chúc mừng, bà Nguyễn Thị Bình bày tỏ mong muốn các bạn bè quốc tế vẫn duy trì tình cảm đó đối với Việt Nam, ủng hộ Việt Nam trong giai đoạn mới, giai đoạn bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước phát triển.

Hiệp định Paris 1973: Chiến thắng của lương tri, niềm tin vào chính nghĩa - 3
Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, trao đổi với các đại biểu dự sự kiện (Ảnh: VUFO).

Tại buổi giao lưu, các đại biểu đã cùng nhau xem lại thước phim xúc động và đầy ý nghĩa về sự ủng hộ của phong trào nhân dân thế giới dành cho Việt Nam trong những năm tháng lịch sử của hơn 50 năm trước. Các đại biểu cùng nhau ôn lại những kỷ niệm không thể quên trong quá trình hoạt động của mình, hoặc của tổ chức mình ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ nói chung, cũng như trong thời gian diễn ra Hội nghị Paris về Việt Nam nói riêng.

Trong số các đại biểu tham gia giao lưu có bà Helen Luc, nguyên Thượng nghị sỹ, nguyên Chủ tịch nhóm nghị sỹ hữu nghị đảng Cộng Sản Pháp tại Thượng Viện Pháp, Chủ tịch danh dự Hội Hữu Nghị Pháp - Việt, một trong những người bạn lớn của Việt Nam nói chung và của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris nói riêng; ông Renato Darsie, đảng viên đảng Những người Cộng sản Italia, nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị Italia - Việt Nam vùng Veneto, một trong những người lãnh đạo phong trào ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ nói chung và Hiệp định Paris nói riêng, tham gia tích cực Phong trào đấu tranh chống chiến tranh ở Việt Nam và nhiều lần bị chính quyền thành phố buộc tội và đưa ra Tòa; ông John McAuliff, nhà hoạt động chính trị - xã hội Mỹ, tích cực tham gia phong trào chống chiến tranh, ủng hộ nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia; ông Rabin Deb, thành viên của Tổ chức đoàn kết nhân dân toàn Ấn Độ, đảng viên đảng Cộng sản Ấn Độ, người đã tham gia nhiều hoạt động đoàn kết với Việt Nam cũng như Cuba, Nicaragua, Nam Phi, Palestine và Bangladesh…

Đặc biệt, buổi giao lưu có sự tham dự của nhân vật đặc biệt là ông John Terzano, cựu chiến binh Hải quân Mỹ đã hai lần chiến đấu ở Việt Nam, người sau này cùng ông John Kerry và Bobby Muller là thành viên tích cực của tổ chức Cựu binh Mỹ phản đối chiến tranh Việt Nam (VVAW), đồng sáng lập tổ chức Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam (VVA-1978) và Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF-1982).

"Tôi xin chia sẻ một chút về những trải nghiệm cá nhân của tôi. Trong một tháng trước khi Hiệp định Paris được ký kết, tôi rời Việt Nam trên một chiếc tàu khu trục của hải quân Mỹ. Và tôi nghĩ đó là lần cuối cùng tôi rời Việt Nam. Những ký ức về chiến tranh luôn là những ký ức buồn. Thời điểm đó, tôi không biết là mình còn có cơ hội được quay trở lại Việt Nam. Nhưng sau đó, tôi rất may mắn khi là thành viên của đoàn cựu chiến binh Mỹ đầu tiên quay trở lại Việt Nam vào năm 1981. Mỗi lần tới Việt Nam, tôi đều thấy sự đổi thay của đất nước các bạn. Tôi luôn mong muốn được hợp tác và giúp đỡ người dân Việt Nam trong cuộc phát triển đất nước ngày nay", ông Terzano nói.

Hiệp định Paris 1973: Chiến thắng của lương tri, niềm tin vào chính nghĩa - 4
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn phát biểu tại sự kiện (Ảnh: VUFO).

Phát biểu tại buổi giao lưu, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn khẳng định, thắng lợi trong Hiệp định Paris nói riêng, cũng như chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung vừa là chiến thắng của nhân dân Việt Nam, cũng là chiến thắng vĩ đại của phong trào giải phóng dân tộc và của tất cả lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới, chiến thắng của "lương tri", của niềm tin vào chính nghĩa.

"Chúng ta luôn khắc ghi trong tim tình đoàn kết quốc tế cao cả, sự ủng hộ chí nghĩa, chí tình của hàng triệu người, không kể màu da, tôn giáo ở các nước có chế độ chính trị - xã hội khác nhau trên khắp năm châu, từ người dân lao động bình thường đến các nhà hoạt động chính trị, nghị sỹ, nghệ sỹ, trí thức, nhà báo…, những người đã cùng nhau hình thành một mặt trận rộng lớn chưa từng có ủng hộ Việt Nam", ông Phan Anh Sơn nói.

Ông Phan Anh Sơn khẳng định, 50 năm kể từ ngày Hiệp định Paris được ký kết, các nhân chứng lịch sử, bạn bè quốc tế, những người đã tham gia ủng hộ Việt Nam đã dần đi xa do tuổi cao sức yếu, nhưng hình ảnh của họ, tình đoàn kết, sự ủng hộ của họ với nhân dân Việt Nam sẽ mãi là ngọn lửa soi sáng con đường chúng ta đi, mãi là tấm gương sáng để thế hệ trẻ Việt Nam noi theo.

Nhân dịp này, để tri ân những đóng góp của bạn bè quốc tế, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã quyết định tặng Kỷ niệm chương "Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc" cho 8 đại biểu quốc tế đã có nhiều đóng góp cho thắng lợi của Hiệp định Paris và của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ tổ quốc của Việt Nam ngày nay.

Theo Dân trí

Trưng bày hơn 200 tư liệu quý về “Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử”Trưng bày hơn 200 tư liệu quý về “Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử”
Đường đi đến bàn đàm phán Paris (Bài 2)Đường đi đến bàn đàm phán Paris (Bài 2)
Tổng thống Ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu - Kẻ đầu cơ chính trị và ái tình (Kỳ V)Tổng thống Ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu - Kẻ đầu cơ chính trị và ái tình (Kỳ V)
Pháp chính thức cấm thăm dò khai thác dầu khí sau năm 2040Pháp chính thức cấm thăm dò khai thác dầu khí sau năm 2040