Hàng loạt thức uống đường phố nhiễm khuẩn

18:32 | 24/07/2013

1,526 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đồ ăn, thức uống đường phố tuy tiện lợi, nhưng cũng ẩn chứa không ít hiểm họa, rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng. Những kết quả khảo nghiệm gần đây cho thấy, hầu hết loại thực phẩm này đều không đạt chuẩn về an toàn thực phẩm.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) trong 6 tháng đầu năm, toàn quốc ghi nhận có 87 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 1.800 người mắc, hơn 1.600 người đi viện và 18 trường hợp tử vong. Nguyên nhân của các vụ ngộ độc được xác định bằng xét nghiệm lâm sàng cho thấy, có 44 vụ ngộ độc là do vi sinh vật, 18 vụ do độc tố tự nhiên, 3 vụ do hóa chất và 22 vụ chưa xác định rõ căn nguyên.

Những loại đồ uống đường phố đang chứa nhiều nguy cơ gây hại với sức khỏe

Quá nhiều sai phạm về chất lượng

Tại hội thảo “Khỏe và an toàn để tận hưởng cuộc sống” do Hiệp hội Thực phẩm chức năng (TPCN) cùng Tạp chí HEALTH+ tổ chức vừa qua sáng 23/7 tại Hà Nội, PGS.TS Hồ Bá Do - Phó viện trưởng viện TPCN Việt Nam đã công bố kết quả Kiểm nghiệm mẫu thức uống đường phố.

Kết quả cho thấy: 7/9 mẫu nước uống trên (chiếm 80% mẫu) nhiễm khuẩn E.coli, gồm 1 mẫu nước trà chanh lấy ở phố Nhà Thờ (quận Hoàn Kiếm), mẫu nước vối ở Hoàng Cầu, mẫu nước nhân trần ở Đê La Thành, mẫu nước ngô ở Cát Linh… 100% các mẫu này đều nhiễm B.cereus (vi khuẩn gây nhiễm độc, nhiễm khuẩn thực phẩm); 33% vượt hàm lượng vi khuẩn hiếu khí (đối với tiêu chuẩn thực phẩm chức năng); 45% vượt giới hạn nấm men, nấm mốc; 33% phát hiện hàm lượng kim loại nặng (Pb, Hg, Cd). Trong đó, hàm lượng Pb trong mẫu nước trà xanh, nước nhân trần đều vượt giới hạn cho phép. Hàm lượng thủy ngân trong mẫu nước nhân trần cũng vượt tiêu chuẩn của Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ăn uống.

Trong tháng 7/2013, Tạp chí Health+ phối hợp với Trung tâm Kiểm nghiệm và Hợp chuẩn, Viện TPCN Việt nam  đã tiến hành lấy mẫu độc lập và ngẫu nhiên với một số loại nước uống đường phố thông thường, bao gồm nước trà xanh đá, nước trà bát bảo, nước mía, nước ngô,nước trà đá, nước trà nhân trần, nước vối, cũng như mẫu nguyên liệu khô tiền pha chế tại các phố… và xét nghiệm khách quan tại Trung tâm kiểm nghiệm và hợp chuẩn, Viện TPCN Việt Nam. Các yêu cầu xét nghiệm nhằm đánh giá cảm quan, các chỉ tiêu về tổng số vi khuẩn hiếu khí, tổng số nấm men, nấm mốc, E.coli, B.cereus; các giới hạn kim loại nặng, PB, Hg, Cd, hàm lượng acid maleic.

PGS. TS. Nguyễn Thị Lâm – Viện phó Viện dinh dưỡng quốc gia cho biết: nước uống đường phố, bao gồm cả nước đóng chai, không rõ nguồn gốc sản xuất, có thể có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây độc cho cơ thể như: suy giảm chức năng gan, thậm, làm già hóa các tế bào của cơ thể, làm cơ thể mệt mỏi, và nguy hiểm hơn là dẫn tới bệnh ung thư, đang ngày càng gia tăng.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Hà Nội cũng kiểm tra chất lượng nước uống đóng chai. Ông Lê Đức Thọ - Chi cục trưởng Chi cục ATTP Hà Nội cho biết, Chi cục đã tiến hành kiểm tra, lấy 34 mẫu nước uống đóng chai của các cơ sở trên địa bàn để xét nghiệm, trong đó phát hiện 5/18 mẫu (đã có kết quả xét nghiệm) bị nhiễm vi khuẩn Coliform.

Theo quy định của Bộ Y tế, trong nước uống không được phép có các nhóm vi khuẩn coliform, vì chúng khiến  người dùng có thể bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa, ói mửa, đi cầu phân lỏng. Những mẫu nước đóng chai bị nhiễm khuẩn này đều của các cơ sở, công ty sản xuất quy mô nhỏ hoặc hộ gia đình, điều kiện vệ sinh sản xuất không đảm bảo. Địa bàn Hà Nội có hơn 370 cơ sở sản xuất nước tinh khiết đóng chai được cấp phép nhưng  vẫn còn không ít cơ sở sản xuất đá lạnh và nước tinh khiết đóng chai nhỏ lẻ, hoạt động không phép đưa ra thị trường những sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Mỗi cá nhân phải tự ý thức về hành vi tiêu dùng thực phẩm

Theo ông Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục ATTP), ngộ độc thức ăn đường phố ngày càng tăng. Với đặc điểm chung của nhiều quán sá bán thực phẩm đường phố thường nhếch nhác kéo theo lượng người bị ngộ độc thức ăn đường phố chiếm từ 2-3% trong tổng số vụ ngộ độc. Riêng 6 tháng dầu năm tăng 5 vụ. Trước kia, mỗi vụ ngộ độc chỉ có khoảng vài ba người nhưng quy mô ngộ độc giờ lớn hơn nhiều, có vụ lên tới vài trăm người cùng bị. Điển hình vụ ngộ độc thực phẩm thức ăn đường phố diễn ra cuối tháng 6 khiến 29 người ăn bánh mỳ tại TP Tuy Hòa (Phú Yên) bị ngộ do thịt chà bông ăn kèm bánh mì có độc tố staphylococcal enterotoxin (tụ cầu vàng). Mới đây, một điều tra về tình trạng bệnh tiêu chảy cấp trên 8 hộ gia đình có 12-14% nguyên nhân gây ngộ độc liên quan đến thức ăn đường phố.

Không thể phủ nhận thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động, kiểm tra, nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố nên đã có sự chuyển biến như bán đồ ăn trong tủ kính, được che chắn cẩn thận. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ chưa nghiêm chỉnh thực hiện. Bộ Y tế ra thông tư 30 với 10 tiêu chí về quản lý về thức ăn đường phố có điều chúng ta hiện nay quản lý vẫn còn nhiều bất cập.

Trong khi các nước phát triển áp dụng phương thức quản lý ATTP từ quy trình sản xuất, như Nhật Bản 99% quản lý ATTP trên điều kiện sản xuất, chỉ có 1% quản lý trên sản phẩm vì chi phí quản lý sản phẩm rất đắt đỏ. Chúng ta cũng có hệ thống truy xuất nguồn gốc nhưng đang trong giai đoạn xây dựng, kiểm tra quá trình sản xuất còn nhiều bất cập vì có tới 80% hộ sản xuất nhỏ lẻ  rất khó khăn cho công tác quản lý ATTP.

Ông Hùng băn khoăn, chúng ta ai cũng biết thực phẩm đường phố có nguy cơ mất an toàn cao, tại sao người kinh doanh vẫn bán được hàng? Vấn đề là, có cầu ắt có cung, không ít người ăn uống thực phẩm đường phố với tâm lý, có chết ngay đâu mà sợ. Chính vì vậy giải pháp đột phá đề bảo đảm ATTP thức ăn đường phố chính là ý thức và hành động của mỗi người.

GS.TSKH Hoàng Tích Huyền – Phó Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam chia sẻ: “Sản phẩm bán trên hè phố thường không được bảo quản đúng cách, ví dụ phơi nắng trực tiếp dẫn đến biến chất trong sản phẩm, vi khuẩn và độc tố xâm nhập và tích lũy trong cơ thể người sử dụng rồi gây bệnh. Người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, có chứng nhận đảm bảo của cơ quan quản lý chức năng, có chứa những thành phần có lợi cho sức khỏe”.

PGS.TS Hồ Bá Do, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng, cho biết: “Khuẩn E.coli là loại vi khuẩn có thể được tìm thấy trong phân, là loại vi khuẩn nguy hiểm có thể gây ngộ độc cấp tính ở người bệnh, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường ruột, tiêu chảy…. Các vi sinh vật, nấm mốc, kim loại nặng… đều là những tác nhân gây hại với sức khỏe con người. Như các loại men mốc, nấm mốc có thể sinh ra độc tố gây hại cho cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Hay các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadimi… đều có thể gây ngộ độc mạn tính, lâu ngày gây bệnh hiểm nghèo cho con người”.

 

Minh An