Hai cuộc bầu cử tác động đến lĩnh vực năng lượng và địa chính trị thế giới năm 2024

09:37 | 06/01/2024

2,744 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Năm 2024 sẽ không chỉ xướng tên nhà lãnh đạo mới của các cường quốc năng lượng quan trọng khắp thế giới mà còn mang lại những bước phát triển tác động mạnh mẽ lên các cuộc chạy đua tranh cử sắp tới khi mà những nhà lãnh đạo đương nhiệm hành động tích cực để đảm bảo giữ lại chiếc ghế lãnh đạo đầy quyền lực của họ bằng mọi giá.
Hai cuộc bầu cử tác động đến lĩnh vực năng lượng và địa chính trị thế giới năm 2024

Từ Nga đến Venezuela và Hoa Kỳ, với một bất ngờ khi kết quả bầu cử tổng thống Argentina được công bố vừa qua, thì đây được coi là một trong những năm bầu cử quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua của thế giới. Trong phạm vi này, chúng ta chỉ đề cấp đến hai cuộc bầu cử quan trọng sau:

Cuộc bầu cử tổng thống Nga (15-17/3)

Tổng thống Nga đương nhiệm Vladimir Putin hiện đang nỗ lực tích cực trong cuộc chạy đua tranh cử chiếc ghế tổng thống vào tháng 3 tới. Chính vì mục đích đó mà ông Alexei Navalny, người luôn chỉ trích Điện Kremlin và là nhân vật đối lập đã bị bắt và giam giữ tại một địa điểm bí mật thời gian qua. Hiện không một ai biết thủ lĩnh phe đối lập hiện đang bị giam giữ ở đâu.

Theo tờ The Moscow Times, ông Navalny, người đang thụ án tù giam tại nhà tù 1K-6 ngoại ô Moscow, đã không xuất hiện tại bất kỳ phiên tòa dự kiến ​​nào mở ra vào tháng 12/2023. Ngay cả các luật sư riêng của ông Navalny cũng không được gặp thân chủ kể từ ngày 5/12/2023. Vào tháng 8/2023, ông Navalny đã bị tòa kết án 19 năm tù giam vì tội danh “người theo chủ nghĩa cực đoan” trong một nỗ lực nhằm ngăn cản ông này tham gia cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Trong khi đó, đây là mùa cao điểm của các phán quyết thuộc nhánh tư pháp đối với tội phản quốc ở Nga khi mà tổng thống Putin đang tìm cách dập tắt bất kỳ lời chỉ trích chính phủ nào. Cũng theo tờ The Moscow Times, có tới 63 vụ án vì tội phản quốc bị đưa ra xét xử tại tòa là con số cao kỷ lục trong năm 2023, cộng thêm với 7 vụ án xét xử khác vì tội “hợp tác bí mật với một nhà nước hoặc tổ chức nước ngoài”. Điều này làm cho người ta gợi nhớ đến thời do Stalin làm lãnh đạo Liên Xô cũ.

Ngày 22/12/2023, tổng thống Putin ra sắc lệnh tịch thu đại lý ô tô lớn nhất nước Rolf thuộc sở hữu của một công ty có trụ sở ở Cộng hòa Síp đã hoạt động kể từ khi Liên Xô tan rã và do doanh nhân người Nga -ông Sergei Petrov sáng lập, và đặt Rolf dưới sự quản lý của nhà nước vì lý do thương mại nhưng trên thực tế chủ sở hữu Rolf là ông Petrov đã luôn đưa ra phát ngôn chỉ trích Điện Kremlin. Chính phủ Nga đã đưa ra cáo buộc Rolf chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài vào thời điểm nền kinh tế thời chiến của Nga không thể cho phép doanh nghiệp làm điều đó. Về phần mình, ông Petrov lại cho rằng tổng thống Putin đang mở đường cho những người thân cận của mình phân phối lại tài sản cho nhau.

Về cuộc chiến ở Ucraina, hiện người ta vẫn chưa rõ liệu tổng thống Putin có thành công trong việc tuyên truyền trước người dân rằng đây là một chiến thắng dưới bất kỳ hình thức nào hay nó có ý nghĩa ra sao đối với nền kinh tế hay ảnh hưởng của Nga trên đấu trường Liên Xô cũ hay không? Theo giới phân tích, nước Nga năm 2024 chắc chắn sẽ đón chào một chiến thắng mới cho tổng thống đương nhiệm Putin thêm một nhiệm kỳ nữa sau bầu cử, nhưng những người thân cận và trung thành với ông thì lại đang thay đổi, điều đó có nghĩa là đất nước phải phân phối lại tài sản và là một quốc gia hầu như không thể đầu tư làm ăn kinh doanh được. Tất nhiên, chiến thắng của tổng thống Putin sẽ không gây sốc cho thị trường trong và ngoài nước hoặc có nhiều tác động đến giá dầu thô và khí đốt toàn cầu, điều mà từ lâu đương nhiên được tính dành cho tổng thống Putin nhiều sự ưu đãi. Tuy nhiên, một thất bại sau bầu cử của tổng thống Putin nếu xảy ra thì sẽ khiến thị trường dầu mỏ thế giới chao đảo vì điều này sẽ mang lại vô số những điều bất ổn không thể kiểm soát.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu có ứng cử viên nào có thể thách thức tổng thống Putin vào thời điểm này? Trên thực tế, không thực sự có đối thủ ngang cơ nào cả. Người được cho là thách thức duy nhất đầy triển vọng là ứng cử viên, cựu nhà báo bà Yekaterina Duntsova, người hiện đang bị cáo buộc được nguyên ông chủ hãng Yukos Oil-nhà tài phiệt Mikhail Khodorkovsky hậu thuẫn đứng đằng sau song cả hai nhân vật này đều lên tiếng phủ nhận những cáo buộc này. Ông Khodorkovsky từng bị tòa án kết tội trốn thuế và bị xử tù giam vì thuộc đối tượng “điệp viên nước ngoài” ở Nga. Sau khi được ân xá năm 2013, ông Khodorkovsky bỏ ra nước ngoài và sáng lập một phong trào đối lập chống đối từ bên ngoài nước Nga.

Ứng cử viên thứ hai mới tuyên bố ra tranh cử vào tháng 12 vừa qua, ông Boris Nadezhdin, 60 tuổi, một cựu chính trị gia và nhà bình luận thời sự, người đã lên tiếng cáo buộc tổng thống Putin hủy hoại các thể chế dân chủ bằng chủ nghĩa độc tài của mình, đồng thời tuyên bố việc tiến hành cuộc chiến với Ucraina là một “sai lầm chết người”-một tuyên bố có thể khiến ứng cử viên này phải ngồi tù vì tội phản quốc.

Đối với ứng cử viên nặng ký-đương kim tổng thống Putin, 71 tuổi, người dường như không bị suy yếu quyền lực đáng kể nào sau cuộc binh biến bất thành của nhóm quân sự tư nhân Wagner hồi tháng 6/2023. Hiện bộ máy tuyên truyền nhà nước đang huy động hết năng lực và công suất để đưa ra kết quả cuộc đại phản công của Ucraina có dấu hiệu thất bại và chững lại, và nền kinh tế thời chiến có thể tăng trưởng tuy chưa vững chắc do phải thực hiện những nỗ lực trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Hầu hết các nhà phân tích đang mong chờ cho một sô bầu cử hoành tráng chứng kiến ​​ứng cử viên Putin-người đã lên nắm quyền từ năm 1999-vẫn sẽ giành chiến thắng sau khi Quốc hội Nga thông qua Hiến pháp sửa đổi cho phép tổng thống Putin ra tranh cử chiếc ghế tổng thống đầy quyền lực kéo dài thêm hơn một thập kỷ nữa.

Đối với vấn đề dầu mỏ thì những điều trên sẽ có nghĩa là hiện trạng cuộc chiến với Ukraina cũng như các gói trừng phạt kinh tế liên tiếp và giới hạn mức giá trần của phương Tây áp đối với dầu thô xuất khẩu của Nga, tất cả sẽ trở thành những quy ước giản đơn.

Cuộc bầu cử tổng thống ở Venezuela năm 2024

Mới đây, Chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đạt thỏa thuận nới lỏng các lệnh trừng phạt của Washington đối với ngành dầu mỏ Venezuela trong bối cảnh Chính quyền tổng thống Nicolas Maduro đã ký thỏa thuận với phe đối lập tại Barbados ngày 17/10/2023, theo đó cam kết sẽ tiến hành cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 mà chưa ấn định ngày cụ thể một cách tự do và công bằng với sự tham gia tranh cử của các ứng cử viên phe đối lập.

Tuy vậy, động thái đầu tiên của tổng thống Maduro tiến hành là phát lệnh bắt giữ một loạt các nhân vật phe đối lập, trong đó có cựu Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido và các nhân viên của ứng cử viên tổng thống đối lập Maria Corina Machado. Điều này diễn ra trùng hợp với việc Venezuela tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đầu tháng 12 năm qua về việc sáp nhập Essequibo-một khu vực có nhiều trữ lượng dầu mỏ, chiếm khoảng 2/3 diện tích lãnh thổ Guyana, là bang mới của Venezuela. Trong khi Guyana và Venezuela đã tổ chức các cuộc đàm phán kể từ thời gian đó và cam kết hai bên sẽ kiềm chế đối đầu quân sự về lãnh thổ thì tổng thống Maduro lại tỏ ra thất vọng mà theo quan điểm trong nước coi đây chỉ là một trò chơi phá vỡ cuộc bầu cử bằng cách leo thang mọi vấn đề đến mức có thể cho phép tổng thống ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Theo đánh giá của ông Andres Oppenheimer-nhà báo, nhà văn nổi tiếng của Hoa Kỳ đăng trên tờ Miami Herald hồi cuối tháng 12 năm ngoái rằng để đạt được mục tiêu trên của mình, tổng thống Maduro có thể sẽ cử một lực lượng đặc biệt bí mật đánh chiếm Essequibo mà không cần nổ súng. Bằng cách thiết lập sự hiện diện và chính thức tuyên bố Essequibo nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Venezuela, tổng thống Maduro sẽ tạo ra một sự cố quốc tế mà phương Tây sẽ phải tìm giải pháp tháo gỡ. Dưới áp lực không ngừng leo thang của “sự cố quốc tế”, tổng thống Maduro sẽ tìm kiếm lý do chính đáng cần thiết để ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và hủy bỏ cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 hoặc chí ít là hoãn cuộc bầu cử vô thời hạn.

Trên thực tế, tình trạng khẩn cấp quốc gia sẽ cho phép tổng thống Maduro hủy bỏ cuộc bầu cử tổng thống Venezuela năm nay. Trong khi đó, phương Tây sẽ tiến hành hành động một cách từ từ vì cả Trung Quốc và Nga sẽ lên tiếng ủng hộ các quyết sách của Venezuela và khi đó, phương Tây sẽ phải tìm cách tránh bất kỳ cuộc đối đầu thực sự nào với các quốc gia này.

Đây cũng có thể là chiếc hộp Pandora tiềm tàng mang tính sát thương cao, chứa đựng những hậu quả về mặt địa chính trị bởi vì tổng thống Maduro cũng đang bị lợi dụng như một con rối phục vụ cho Trung Quốc và Iran. Như nhà sử học Gregory Copley (Úc) đã từng đưa ra cáo buộc hồi đầu tháng 12 năm trước rằng Trung Quốc và Iran đã hợp tác với Chính quyền tổng thống Maduro nhằm gia tăng leo thang cuộc khủng hoảng Guyana như một phương cách buộc Washington phải rút lực lượng vũ trang khỏi các căn cứ quân sự của mình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tái bố trí nơi đóng quân mới. Ngoài ra, cuộc chiến Nga-Ucraina cũng mang lại lợi ích nhất định cho Trung Quốc vì điều này khiến các lực lượng vũ trang phương Tây bị sa lầy ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương. Trong bối cảnh đó, ông Copley coi triển vọng hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ và Anh dành cho Guyana nếu bị xâm chiếm là “thực tế có thể xảy ra”.

Căng thẳng địa chính trị và năng lượng hóa thạch

Căng thẳng địa chính trị và năng lượng hóa thạch

Ông Fatih Birol, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mới đây tuyên bố rằng căng thẳng địa chính trị ngày càng tác động đến nguồn cung dầu khí toàn cầu, cùng với những lo ngại về biến đổi khí hậu do con người gây ra, đang làm xói mòn sự thu hút của nhiên liệu hóa thạch như một nguồn năng lượng an toàn và đáng tin cậy.

Tuấn Hùng