“Giai điệu tự hào” tôn vinh hay thẩm định?

15:52 | 24/06/2014

1,319 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tên gọi của chương trình: “Giai điệu tự hào” rất gợi chú ý, rất gợi cảm với những ai yêu thích ca khúc Việt Nam, được hiểu rằng ở đó sẽ vang lên những bài hát được đánh giá là hay, là tốt, gắn bó với đời sống tinh thần và hiện thực của người Việt Nam từ quá khứ cho đến ngày hôm nay (và cho tới lúc này, vì ai biết được sau này sẽ ra sao khi mà người ta luôn nhắc rằng gu của giới trẻ đã đổi khác).

Mỗi chương trình được lựa chọn theo một chủ đề, có tiêu đề rõ ràng: “Bài ca năm tấn”, “Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình”, “Rừng cây, đời người”, “Ăn no đánh thắng”, “Bé bé bằng bông”… Điều này cho phép những người làm chương trình có  sự lựa chọn riêng . Có người thắc mắc Văn Cao tại sao lại chọn “Mùa xuân đầu tiên”. Trả lời: Vì nằm trong chủ đề “Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình”. Sự chọn lọc bài hát cho từng chủ đề có lẽ là khó, là phải cân nhắc nhiều và không thể vừa lòng tất cả mọi người.

Nhờ Giai điệu tự hào, khán giả được nghe lại các ca khúc rất ít có dịp được biểu diễn như “Hò dân cày”, “Pi noọng ơi”, “Trên đồi Him Lam”, “Bộ đội về làng”, “Lỳ và Sáo”. Bài hát này  được biểu diễn hay, dàn dựng tốt, trước đây có người đã dựng như một tiểu phẩm âm nhạc.

Trong đời sống âm nhạc hiện nay, có một chương trình dài hơi chọn lọc cũng có thể xem là cao cấp như thế này là rất tốt, đáng hoan nghênh.

Để khán giả thấm hơn với “Giai điệu tự hào”, trong chương chình có phần bình luận của hai hội đồng, một của những người lớn tuổi, một của những người trẻ tuổi. Những ý kiến trái chiều, những cảm nhận không giống nhau, những đánh giá mâu thuẫn nhau cho người xem thấy được một hiện thực về sự tiếp nhận tác phẩm âm nhạc đã từng có ảnh hưởng tốt.

Giáo sư Văn Như Cương bình luận các ca khúc

Nhưng ở khâu biểu diễn, tranh luận và sự dắt dẫn chương trình còn nhiều điều để có những người xem phải nghĩ ngợi.

Ví dụ: Hát không đúng nhạc và nhạc cảm. Bài “Đi học” bị một ca sĩ hát nhão nhoét, sai nhạc, bỏ đi những nốt luyến láy duyên dáng mang âm hưởng dân ca. Đang ở nhịp 2/4 chuyển sang nhịp 3/4. Cả cách phối khí lẫn cách hát và động tác hình thể biểu diễn đã làm mất đi vẻ tươi tắn hồ hởi của một em nhỏ miền núi đi tới trường. (Có nên nghĩ rằng khi sáng tác nhạc sĩ đã cân nhắc, lựa chọn cách thể hiện cho hợp với chủ đề mình định viết không? Mà chính vì thế nó mới được hát lâu, được chọn vào “Giai điệu tự hào”?). Bài “Tiến lên chiến sĩ đồng bào” được biểu diễn theo cách làm mất đi nội lực của bài hát. Còn “Lên ngàn” được thể hiện một cách thiếu sức sống, thiếu cảm xúc. Cần phải đặt bài hát trong bối cảnh ra đời của nó. Thời chiến tranh người ta viết bài hát với âm nhạc sáng trong và có sức cuốn hút. Hát như thế thì sao lên được vẻ đẹp tâm hồn và truyền cảm của người phụ nữ thay chồng làm việc nhà, việc hậu phương?

Điều hơi ngạc nhiên là lẽ nào những người làm chương trình lại không nhận ra những sự không thích hợp của việc thể hiện âm nhạc của một số bài hát kia? Hay chỉ toàn nghĩ làm vừa lòng lớp trẻ. Mà có thật lớp trẻ đã xa rời những chuẩn mực thẩm mỹ chung đến thế không?

Người ta luôn nói rằng “gu” của lớp trẻ đã thay đổi, thậm chí còn nói là hát như cũ thì khán giả trẻ không nghe.

Nhưng nếu đây là các bài hát đã nằm trong số các giai điệu tự hào, vậy thì hãy cho nó xuất hiện với nguyên vẻ đã làm nên niềm tự hào ấy. Để tôn trọng nguyên bản và cũng là để chiếu cố đến “Khán giả già”, nên chăng hãy để cho biểu diễn tác phẩm với đúng dáng vẻ của nó bên cạnh việc biểu diễn “phá cách”, làm mới theo gu trẻ, để cả hai phía đều được thưởng thức, để người ta có thể so sánh?

Về phần bình luận, phản biện của hai hội đồng “trẻ” và “già” cũng có điều đáng suy nghĩ.

Có những ý kiến rất giá trị, như phát biểu của nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích cho khán giả hiểu rõ hơn, kỹ hơn về tác phẩm của ông “Đưa cơm cho mẹ em đi cày”.

Có những nhận xét xác đáng, như nhận xét cách hát “vô cảm” của bài “Lên ngàn”.

Có những đối thoại cần thiết như ý kiến “Không thể quên được, chỉ nên khép lại quá khứ”.

Dương Hoàng Yến song ca "Bộ đội về làng" với NSND Thanh Hoa

Có ý kiến hơi cao đạo khi không muốn trẻ em phải tham gia chiến tranh trong phần bình luận sau bài “Lỳ và Sáo”. Ý kiến không sai nhưng không thích hợp. “Lỳ và Sáo” có tài vặt trong khi vui chơi và cái tài vặt đó giúp các em bảo vệ được dân làng, không có bạo lực, không đầu rơi máu chảy. Các em đánh giặc theo cách các em chơi. Và tình thế “kẻ thù buộc ta mang cây súng” thì trẻ em phải đánh giặc cũng là lẽ thường.

Có những lời bình luận làm cho người nghe lăn tăn. “Những ánh sao đêm” là bài hát rất đặc biệt, đề tài chính trị khi đất nước chia làm hai miền, đôi lứa chia lìa được thể hiện với giai điệu đẹp, ca từ hay nổi lên tình yêu son sắt và tâm hồn lãng mạn của anh thợ xây. Khi anh mơ xây cho nhà cao cao mãi (giữa bối cảnh nhà cửa thấp bé, lụp xụp sau chiến tranh, thiếu chỗ ở) là tấm lòng, là khát vọng của anh thì bị một vị hội đồng buông một câu: “Tôi sợ nhà cao, tôi chỉ muốn nhà thấp thôi. Đó là một câu đùa (?) không đúng chỗ”. Chả lẽ vị này không cảm thông với nhân vật của ca khúc?

Liên khúc “Hò dân cày”, “Ăn no đánh thắng”, “Pinoọng ơi” có người đánh giá là “nhạt và chán”. Rồi “nếu tách phần lời triết lý của cả khúc ra thì xét về phần nhạc, đây là một bản nhạc rất buồn chán và rất tệ” là lời bình của một vị hội đồng cho bài hát “Rừng cây, đời người”.

Phát biểu của các vị ở hai Hội đồng phần nào cho thấy sự tiếp nhận đương thời những bài hát đã được chọn là “Giai điệu tự hào”.

Có điều khán giả không thấy được chính kiến của những người làm chương trình trước những sự thẩm định trái chiều. Thậm chí MC đưa ra một câu hỏi theo kiểu ngây thơ: “Tại sao trẻ em thế kỷ XXI vẫn chỉ hát những bài của thế kỷ XX”. Có hay, có hợp với trẻ em thì nó mới được hát! Đặt bài “Chú gà trống” bên cạnh bài “Bé bé bằng bông” hẳn là cả trẻ em và người lớn, đa số sẽ chọn bài “Bé bé bằng bông” để hát, dù không còn phải đi sơ tán.

Qua việc thể hiện âm nhạc ở một số bài hát, qua những ý kiến tranh luận trái chiều (và nhất là không thấy chính kiến của những người xây dựng và dắt dẫn chương trình) người ta tự hỏi: đây là chương trình khẳng định các giai điệu tự hào hay là chương trình thẩm định lại các giá trị được cho là giai điệu tự hào? (nếu thế thì nên thêm dấu ? vào sau bốn chữ “Giai điệu tự hào”).

Đành rằng thị hiếu có ít nhiều thay đổi theo thời đại, rằng không phải giá trị nào cũng bất biến theo con mắt nhìn của người đời, nhưng những giá trị nào cần và đáng được khẳng định thì phải khẳng định.

Một trong những nhạc sĩ có vai trò quan trọng trong việc tổ chức chương trình nói: “Muốn bảo vệ Tổ quốc thì cả triệu người chung một ý chí nhưng trong âm nhạc thì mỗi tác phẩm cần triệu ý kiến khác nhau”.

Nhưng chắc là thẩm mỹ âm nhạc phải có những chuẩn mực chung cho nhiều người chứ?

Nguyễn Thị Nam

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.