Giả nhân viên Viettel để lừa đảo

11:40 | 04/03/2014

1,591 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 3/3, Phòng Cảnh sát Phòng chống Tội phạm sử dụng Công nghệ cao (PC50, Công an Hà Nội), đang tạm giữ Trương Văn Chỉ, Trần Xuân Hùng, Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Thị Xuân để điều tra về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 13/2, ông Nguyễn Đình Phúc (thương binh 1/4) đến trụ sở Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) trình báo về việc, bị các đối tượng gọi điện lừa đảo hơn 10 triệu đồng thông qua tiền thẻ cào. Sau khi tiếp nhận đơn thư, Viettel đã chủ động liên hệ với PC50 tiến hành điều tra và bắt giữ được nhóm đối tượng nêu trên.

Nội dung vụ việc như sau: Khoảng 11h25 ngày 12/2, Chỉ giả là nhân viên Viettel gọi điện cho ông Phúc thông báo: “Nhân dịp 25 năm ngày thành lập Tập đoàn Viễn thông Quân đội, số điện thoại của quý khách (ông Phúc-PV) đã may mắn được trúng thưởng số tiền 137 triệu đồng (bao gồm 100 triệu tiền mặt và một chiếc xe máy trị giá 37 triệu đồng). Trong chương trình khuyến mãi dành cho thương binh”.

Các đối tượng Trương Văn Chỉ, Trần Xuân Hùng và Nguyễn Tuấn Anh.

Chỉ yêu cầu ông Phúc cung cấp thông tin cá nhân để làm hồ sơ lĩnh thưởng và nộp 600.000 đồng (thông qua thẻ cào điện thoại Viettel) để lấy mã số nhận thưởng. Tưởng thật, ông Phúc đã mua 6 thẻ cào Viettel mệnh giá 100.000 đồng/thẻ rồi gửi cho Chỉ mã nạp. Sau đó, Chỉ nói với ông Phúc rằng: “Sẽ có người của sở giao thông gọi điện cho ông để làm thủ tục đăng ký xe máy”.

Sau khi Chỉ lừa đảo thành công, đối tượng Hùng tiếp tục sử dụng điện thoại gọi cho ông Phúc và tự xưng là Hoàng Minh Thắng (nhân viên của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, mã số làm việc 368). Thanh niên này yêu cầu ông Phúc nộp 3,6 triệu đồng thông qua thẻ cào điện thoại Viettel để làm thủ tục đăng ký giấy tờ cho xe máy trúng thưởng. Khi nhận được mã thẻ, Hùng nói với ông Phúc đợi để Hùng kiểm tra mã thẻ. Khoảng 10 phút sau, Hùng gọi cho ông Phúc nói đã thu đủ số tiền và thông báo: "Sẽ có người của công an kinh tế và chi cục thuế gọi để thu tiền thuế của giải thưởng".

Tiếp đó, Nguyễn Tuấn Anh gọi điện cho ông Phúc tự xưng là Mai Quốc Trung (đang công tác tại Phòng Cảnh sát Kinh tế (tức Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Trật tự Quản lý Kinh tế và Chức vụ, Công an Hà Nội) và đề nghị nộp 6,3 triệu đồng tiền thuế của phần thưởng.

Tang vật trong vụ án.

Ông Phúc đồng ý và tiếp tục mua thẻ cào điện thoại Viettel gửi cho Tuấn Anh. Khi đã nhận đủ, các đối tượng tắt máy điện thoại, ngừng liên lạc với ông Phúc. Toàn bộ số mã thẻ cào trị giá 10,5 triệu đồng, 3 đối tượng này bán lại cho Nguyễn Thị Xuân với giá 70% giá trị mệnh giá thẻ cào. Sau đó, Xuân chỉ trả các đối tượng 5,7 triệu đồng, do có một số thẻ cào không sử dụng được. Các đối tượng chia nhau mỗi người 1,9 triệu đồng. Xuân đã bán hết các thẻ, được hưởng lợi 2,4 triệu đồng.

Được biết, các đối tượng này đều sinh sống tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Chúng thường xuyên gọi điện vào các số thuê bao bất kỳ của mạng Viettel, giả mạo là cán bộ ngân hàng hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, thông báo khách hàng trúng thưởng để lừa đảo.

Một cán bộ thụ lý vụ án cho biết: "Thời gian qua, tình trạng kẻ gian lợi dụng sự cả tin của khách hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo qua điện thoại vẫn diễn ra. Chiêu thức của các đối tượng lừa đảo là mạo danh các nhà mạng, nhắn tin hoặc gọi điện cho khách hàng thông báo trúng thưởng với giá trị lớn, sau đó yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, nạp tiền, chuyển tiền vào tài khoản đã được chỉ định… hoặc giả danh bạn bè, người thân nhờ nạp thẻ cào. Người dân nêu cao tinh thần cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo này. Không nên tin vào những tin nhắn, hay cuộc gọi trúng thưởng, bởi nếu một chương trình trúng thưởng phải có sự tham gia trực tiếp của người trúng thưởng trong chương trình".

Điều 226b, Bộ luật Hình sự quy định về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện một trong những hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. 

a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ

b) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản

c) Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân

d) Hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức

b) Phạm tội nhiều lần

c) Có tính chất chuyên nghiệp

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng

đ) Gây hậu quả nghiêm trọng

e) Tái phạm nguy hiểm

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20  năm hoặc tù chung thân

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

 

T.Minh