Giá dầu giảm và những ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội

07:00 | 17/01/2015

2,823 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ tháng 6/2014 giá dầu thế giới bắt đầu giảm và tiếp theo giảm nhanh, giảm sâu từ 110USD/thùng đến ngày 13/1/2015 giá dầu Brent đã giảm xuống 45.22USD/thùng. Giá dầu giảm đã và đang ảnh hưởng mạnh đến kinh tế các nước, đến sự phát triển của các công ty dầu khí trên toàn thế giới. Vậy đâu là nguyên nhân? Các tác động của giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng đến kinh tế như thế nào và dự báo diễn biến giá dầu tiếp theo là những câu hỏi lớn cần được nghiên cứu và tìm lời giải.

Năng lượng mới số 391

Dầu khí là hàng hóa chiến lược, thậm chí đã từng là một vũ khí lợi hại. Lịch sử và quy luật giá dầu không cố định mà dao động liên tục, rất nhạy cảm, khó dự báo. Mọi biến động trên thế giới (sản xuất, kinh tế, tài chính - tiền tệ, an ninh - địa chính trị…) đều tác động đến giá dầu. Nhìn chung giá dầu phụ thuộc vào 3 yếu tố chính là: (i) Sự tương tác giữa cung và cầu trên thị trường, (ii) Lợi ích của nhóm các quốc gia, (iii) Các yếu tố chính trị. Ngoài ra còn các yếu tố bất thường khác như chiến tranh, thiên tai. Vậy, việc sụt giảm giá dầu lần này do những yếu tố nào, hay nói cách khác đâu là nguyên nhân?

Nguyên nhân giá dầu giảm lần này khác với các lần trước đây. Năm 1998 giá dầu giảm mạnh xuống 8-9USD/thùng do ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính Thái Lan (cuối 1997) dẫn đến “Khủng hoảng tiền tệ châu Á”. Năm 2002-2003 giá dầu giảm xuống 20USD/thùng do ảnh hưởng của Khủng bố tại Mỹ (11/2001) và Mỹ tấn công Irắc. Tháng 6/2008 giá dầu giảm nhanh từ 130USD/thùng xuống 40USD/thùng do suy thoái kinh tế toàn cầu.

Giàn khai thác dầu khí của Petrovietnam trên Biển Đông

Giá dầu giảm lần này phức tạp hơn, tổng hợp từ 4 nguyên nhân.

Nguyên nhân thứ nhất: Do cung vượt cầu.

Về cung: Những năm gần đây, giá dầu tăng và liên tục duy trì ở mức cao, có thời kỳ đạt 130USD/thùng và chủ yếu xoay quanh mức 100USD/thùng đã kích thích các nước, các công ty sản xuất dầu gia tăng sản lượng. Và thực tế Sản lượng dầu đã gia tăng từ nhiều hướng: Ra khu vực nước sâu, khu vực địa chất phức tạp mà khi giá dầu thấp không thể đầu tư; Khai thác dầu nặng; Đầu tư nghiên cứu áp dụng gia tăng hệ số thu hồi dầu; Các nước Trung Đông: Libya, Iraq khai thác gia tăng trở lại; Đặc biệt là nghiên cứu đầu tư, khai thác dầu đá phiến (Shale oil, Shale gas, Tight oil). Sản xuất dầu từ đá phiến là bước đột phá mới, biến Mỹ từ nước nhập khẩu dầu thành nước không những không phải nhập khẩu mà còn có khả năng xuất khẩu dầu.

Với các hoạt động trên đã đưa mức sản xuất (cung) dầu thô thế giới lên 93.5-94 triệu thùng/ngày. Trong đó, Nga khai thác kỷ lục gần 11 triệu thùng/ngày; OPEC khai thác: 30 triệu thùng/ngày (riêng Arập Xêút: 10 triệu thùng/ngày); Mỹ gia tăng nhanh sản lượng đến mức 9 triệu thùng/ngày (trong đó 4,5 triệu thùng/ngày từ đá phiến).

Về cầu: Trong giai đoạn hiện nay, cầu giảm do 3 yếu tố chính: Kinh tế thế giới phục hồi chậm (tiếp tục suy giảm tại châu Âu và chững lại ở Trung Quốc, Nhật Bản). Các nước đa dạng hóa các nguồn năng lượng (thủy điện, năng lượng mặt trời, gió, điện nhiệt, thủy triều và sóng…) để giảm phụ thuộc vào dầu khí nhập khẩu, bảo vệ môi trường và đã thay thế được một phần nhiên liệu hóa thạch; Các nước tìm các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả khi giá dầu cao nhiều năm qua, kể cả sản xuất ra các thiết bị máy móc tiêu thụ ít năng lượng hơn để nâng cao sức cạnh tranh. Riêng Liên minh châu Âu (EU) đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 giảm 20% mức tiêu thụ năng lượng.

Bối cảnh kinh tế như trên dẫn đến tiêu thụ (cầu) dầu thô chỉ ở mức xoay quanh 92 triệu thùng/ngày.

Như vậy, cung vượt cầu 1.5-2 triệu thùng/ngày là nguyên nhân số một khiến giá dầu sụt giảm.

Nguyên nhân thứ hai: Do các nước sản xuất dầu khí trong và ngoài OPEC tranh giành nhau thị trường, thị phần, không bên nào cắt giảm sản lượng khiến giá dầu tiếp tục giảm. Các nước trong OPEC cho rằng khi cắt sản lượng thì các nước khác không giảm sản lượng sẽ chiếm mất thị phần xuất khẩu.

Nguyên nhân thứ ba: Giá dầu thấp luôn tác động tiêu cực, thậm chí là làm hủy hoại công nghệ khai thác dầu đá phiến, khai thác dầu nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư vào khu vực nước sâu, Bắc Cực, các khu vực phức tạp khác. Phát triển công nghệ dầu đá phiến luôn đòi hỏi công nghệ phức tạp, tiên tiến (khoan ngang, tiến hành rạn nứt thủy lực vỉa), đầu tư ban đầu lớn, bổ sung vốn liên tục, thời gian hoạt động mỗi giếng không dài (2-3 năm so với 10-20 năm đối với các giếng dầu truyền thống), cộng thêm chi phí bảo vệ môi trường nên giá thành cao, trung bình từ 70-85USD/thùng. Ngoài ra một số giếng ở điều kiện tốt giá thành xuống 50USD/thùng, nhưng ở điều kiện khó hơn, có giếng giá thành trên 95USD/thùng.

Với kỳ vọng có thể hạn chế Mỹ (nước đang sản xuất lượng lớn dầu từ đá phiến) đi vào thị trường xuất khẩu; Ngăn chặn Nga, Trung Quốc, châu Âu và các nước khác phát triển khai thác dầu khí đá phiến, các nước trong OPEC đã không cắt giảm sản lượng dầu nhằm bảo vệ vai trò số 1 và tiếp tục chi phối thị trường về cung cấp dầu thô thế giới.

Nguyên nhân thứ tư: Vai trò của Mỹ và các nước lớn.

Mỹ biết rõ giá dầu thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, tuy nhiên trong giai đoạn này giá dầu thấp phù hợp với chiến lược và quyền lợi của Mỹ; Trong lịch sử giá dầu tăng nhanh từ 20USD/thùng lên 130USD/thùng trong giai đoạn 2004-2008, từ 40USD/thùng lên 120USD/thùng và duy trì ở mức cao 100USD/thùng trong giai đoạn năm 2010 đến 6-2014 đã tạo ra vị thế mới cho nước Nga, giúp Iran tồn tại trong cấm vận. Mỹ muốn cùng với các biện pháp trừng phạt, giá dầu thấp sẽ đẩy nhanh Nga rơi vào suy thoái, khủng hoảng, cũng như hạn chế nguồn tài chính của Iran đầu tư vào hạt nhân và giúp Siri. Các nước lớn khác: Châu Âu, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc chủ yếu nhập dầu khí, được hưởng lợi lớn từ việc giá dầu thấp nên ủng hộ và mong chờ.

Như vậy có 4 nguyên nhân chủ yếu khiến giá dầu giảm. Trong đó nguyên nhân số 1 hoàn toàn do yếu tố khách quan: Cung vượt cầu; nguyên nhân 2 và 3 do quyền lợi kinh tế của một nhóm các nước; nguyên nhân 4 do yếu tố chính trị.

Giá dầu giảm tác động tích cực và tiêu cực đến kinh tế thế giới, đến Việt Nam, đến Tập đoàn Dầu khí (Petrovietnam), đến các công ty dầu khí.

Đối với kinh tế thế giới: Giá dầu giảm sẽ tác động chung đến kinh tế toàn thế giới, nhưng với các mức độ khác nhau đối với từng nước. Các nước tiêu thụ sẽ được hưởng lợi, các nước sản xuất - xuất khẩu dầu sẽ bị thiệt hại.

Về mặt tích cực: Các nước nhập khẩu dầu càng nhiều càng có lợi. Khi giá dầu thấp, các nước nhập khẩu thay vì chuyển hàng tỉ USD cho các nước sản xuất dầu thì được sử dụng để chi tiêu vào đầu tư phát triển nước họ; Ví dụ Trung Quốc hàng năm đang phải chi 210 tỉ USD để nhập khẩu dầu, khi giá dầu giảm xuống 50USD/thùng được lợi trên 100 tỉ USD để làm việc khác; Khi giá dầu thấp làm chi phí sản xuất giảm, sức cạnh tranh tăng lên, kích thích nền kinh tế phát triển và tạo việc làm mới, qua đó GDP tăng lên, thuế, ngân sách tăng lên; Theo tính toán của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF): Nếu giá dầu giảm 30% sẽ đem đến cho các nước nhập khẩu dầu tăng trưởng 0.8% GDP và toàn thế giới tăng 0.2% GDP; Khi giá dầu thấp đòi hỏi các nước có nguồn thu phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu dầu khí phải cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế để tạo ra các nguồn thu khác, xây dựng nền kinh tế mới phát triển bền vững.

Về mặt tiêu cực: Giá dầu thấp tác động tiêu cực đến phát triển công nghệ mới trong lĩnh vực dầu khí: Như công nghệ khai thác dầu đá phiến, công nghệ khai thác dầu nước sâu, Biển bắc, công nghệ khai thác dầu nặng (khai thác các dạng dầu trên rất tốn kém, hầu hết không chịu nổi nếu giá dưới 70USD/thùng); Giá dầu thấp ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, thu ngân sách của các nước sản xuất - xuất khẩu dầu đe dọa xảy ra suy thoái sâu, khủng hoảng của một số nền kinh tế. Trong điều kiện hội nhập toàn cầu, một nước suy thoái/khủng hoảng  hoặc một nhóm các nước yếu cũng tác động tiêu cực đến các nền kinh tế khác; Giá dầu thấp sẽ làm giảm sự khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng thay thế, điều đó làm chậm lại ứng dụng năng lượng tái tạo, có hại về bảo vệ môi trường; Giá dầu thấp làm giảm doanh thu của các công ty dầu lửa, dẫn đến giảm chi phí, giảm đầu tư, làm chậm quá trình phát triển dầu khí. Ví dụ để ứng phó với giá dầu giảm: Total dự kiến cắt giảm 29% chi phí thăm dò; Conoco Phillips cắt 20%  đầu tư cơ bản toàn cầu; Petronas dừng Dự án LNG tại Canada. Việc cắt giảm đầu tư giai đoạn này, chắc chắn sẽ làm chậm lại quá trình phát triển trong tương lai.

Với Việt Nam: Việt Nam vừa là nước sản xuất - xuất khẩu dầu thô vừa là nước nhập khẩu dầu thô (20% cho Lọc dầu Dung Quất) và nhập các sản phẩm dầu, do vậy cũng bị các tác động  đồng thời vừa tích cực, vừa tiêu cực.

Mặt tích cực: Người dân được hưởng lợi do sử dụng các sản phẩm dầu khí giá rẻ và giá hàng hóa, dịch vụ khác giảm. Ví dụ chỉ riêng với 35 triệu xe máy đang lưu hành, trung bình tiêu hao 2,5 lít xăng cho 100km thì tổng mức tiết kiệm được 700 tỉ đồng cho quãng đường 100km; Các doanh nghiệp, nhà máy, công ty sử dụng sản phẩm dầu - khí làm nhiên liệu đầu vào, đặc biệt là các công ty vận tải hàng không, đường bộ, đường biển, các nhà máy điện chạy bằng dầu, bằng khí… được hưởng lợi lớn: Giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, khuyến khích tiêu dùng, thúc đẩy phát triển sản xuất, làm ra nhiều sản phẩm, tăng sức cạnh tranh từ đó gia tăng lợi nhuận; Nhà nước sẽ tăng thu do sản xuất phát triển, các doanh nghiệp lãi cao hơn, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế lợi tức cao hơn. Tuy nhiên, nguồn thu đến chậm hơn và phụ thuộc trình độ quản lý, giám sát thị trường, thực hiện giải pháp chống thất thu, tránh các doanh nghiệp chỉ coi đây là cơ hội tăng lợi nhuận cho riêng mình.

Mặt tiêu cực: Đối với Nhà nước, giá dầu giảm làm giảm thu NSNN.

Theo tính toán: Nếu giá dầu giảm xuống 70USD NSNN sẽ giảm 43 nghìn tỉ đồng.

Nếu giá dầu giảm xuống 60USD         NSNN sẽ giảm 55 nghìn tỉ đồng.

Nếu giá dầu giảm xuống 50USD         NSNN sẽ giảm 66 nghìn tỉ đồng.

Nếu giá dầu giảm xuống 40USD         NSNN sẽ giảm 79 nghìn tỉ đồng.

Có thể đánh giá chung, nếu so sánh về tỷ lệ, Việt Nam được hưởng lợi 55% và bị thiệt 45% từ ảnh hưởng của giá dầu giảm.

Ảnh hưởng đến Petrovietnam: Petrovietnam là tập đoàn sản xuất - xuất khẩu dầu thô nên bị ảnh hưởng trực tiếp và chịu thiệt hại lớn khi giá dầu giảm. Giá dầu giảm ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả chỉ tiêu kinh tế - tài chính quan trọng của Tập đoàn.

Theo tính toán: Nếu giá dầu 70USD    Tổng doanh thu toàn Tập đoàn sẽ giảm 156 nghìn tỉ đồng; Nộp NSNN giảm 43 nghìn tỉ đồng; Lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 12,3 nghìn tỉ đồng.

Nếu giá dầu 60USD   Tổng doanh thu toàn Tập đoàn sẽ giảm 203 nghìn tỉ đồng; Nộp NSNN giảm 55 nghìn tỉ đồng; Lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 16,4 nghìn tỉ đồng.

Nếu giá dầu 50USD Tổng doanh thu toàn Tập đoàn giảm 245 nghìn tỉ đồng; Nộp NSNN giảm 66 nghìn tỉ đồng; Lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 20,3 nghìn tỉ đồng.

Nếu giá dầu 40USD Tổng doanh thu toàn Tập đoàn giảm 284 nghìn tỉ đồng; Nộp NSNN giảm 79 nghìn tỉ đồng; Lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 24,7 nghìn tỉ đồng.

Khi nguồn thu, lợi nhuận giảm Tập đoàn và các đơn vị thành viên sẽ phải điều chỉnh giảm chi phí, đầu tư; Đối với các đơn vị thăm dò khai thác dầu khí (VSP, PVEP) khi đầu tư giảm sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sản lượng dầu những năm sau; Ngoài ra khi giá dầu giảm xuống đến 60USD, 50USD/thùng lần lượt các Công ty/các mỏ dầu có chi phí giá thành trên 60USD, trên 50USD/thùng sẽ không đủ bù chi phí, sẽ phải xem xét dừng đầu tư, dừng việc sản xuất, nếu không sẽ phải đi vay để suy trì sản xuất. Điều này đã diễn ra khi mỏ Đại Hùng trước đây và mỏ Sông Đốc gần đây. Hiện nay Petrovietnam đang khai thác 17 dự án với giá thành dao động 26-85.5USD/thùng dầu; Trung bình là 36.8USD/thùng. Trong đó 12 dự án với tổng sản lượng 5.4 triệu tấn/năm có giá thành trên 40USD/thùng; 7 dự án với tổng sản lượng 1.6 triệu tấn/năm có giá thành 50USD/thùng; 4 dự án với tổng sản lượng 0.5 triệu tấn/năm có giá thành trên 60USD/thùng.

Khi giá dầu giảm, đầu tư, việc làm sẽ giảm. Các đơn vị làm dịch vụ dầu khí: Khoan, địa chấn, khảo sát, chế tạo giàn, cung ứng vật tư - thiết bị, xây lắp vận chuyển bị ảnh hưởng lớn đến doanh thu - lợi nhuận của và đời sống của Cán bộ, Công nhân khó khăn hơn.

Các công ty kinh doanh xăng dầu đều bị lỗ khi giá dầu giảm do hợp đồng đã ký và lượng hàng lưu trữ theo quy định đã nhập vào thời điểm giá cao, bán ra lúc giá thấp;

Giá dầu giảm ảnh hưởng ngay đến thị trường chứng khoán. Cổ phiếu các công ty dầu khí đồng loạt giảm mạnh. Trong vòng 3 tháng giá cổ phiếu các tổng công ty như: PV Gas giảm từ 121 nghìn đồng xuống 85 nghìn đồng; PTSC giảm từ 45 nghìn đồng xuống 26.4 nghìn đồng; PVD giảm từ 107 nghìn đồng xuống 61 nghìn đồng; PV Trans giảm từ 19.6 nghìn đồng xuống 13.7 nghìn đồng.

Đánh giá chung, nếu so sánh về tỷ lệ, Tập đoàn Dầu khí được lợi 5% và bị thiệt 95% từ ảnh hưởng của giá dầu giảm.

(Xem tiếp kỳ sau)

TSKH Phùng Đình Thực