G20: Obama bị dìm hàng, Putin tỏa sáng

07:00 | 09/09/2016

1,800 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bỏ qua sự ồn ào trong việc tiếp đón Tổng thống Obama ở sân bay Hàng Châu, thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc được chính báo giới phương Tây đánh giá là dịp các nước như Nga, Trung Quốc tỏa sáng trước sự lu mờ của các lãnh đạo Tây phương.
tin nhap 20160908205040
Các đại biểu tham dự G20 chụp ảnh lưu niệm

Báo Le Monde của Pháp số ra ngày 7/9 trong bài “G20, thắng lợi của các nhà lãnh đạo bị phương Tây ghét” nhận định rằng nguyên thủ các nước Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã vươn lên tỏa sáng ở hội nghị thượng đỉnh G20. Trong khi đó, các lãnh đạo phương Tây lại tỏ ra yếu thế.

Le Monde đặc biệt chú ý tới Tổng thống Nga Vladimir Putin. Còn nhớ, trong hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brisbane - Úc năm 2014, chỉ ít lâu sau khi một máy bay của hãng hàng không quốc gia Malaysia bị bắn hạ khi bay qua vùng trời Ukraine (phương Tây khi ấy cáo buộc thủ phạm là lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine), Tổng thống Putin đã bị các đồng nhiệm bị xa lánh. Ông đã đột ngột bỏ về trước khi hội nghị kết thúc.

Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Antalya – Thổ Nhĩ Kỳ năm 2015, Tổng thống Nga đã ra khỏi bóng tối. Nhưng phải đến G20 năm nay ở Trung Quốc thì lãnh đạo Nga mới thực sự tỏa sáng, vô cùng ấn tượng. Ông đã trở thành một người đối thoại không thể thiếu của nhiều nguyên thủ quốc gia.

Nếu cuộc gặp của ông Putin với quốc vương Arập Xê út Salman ở Antalya vào năm 2015 tạo ra cảm giác thiếu tin tưởng thì năm nay, Tổng thống Nga đã tìm được tiếng nói chung với hoàng tử Arập Xê út Mohammed ben Salma. Hai nước vốn có bất đồng về số phận tổng thống Syria Bachar Al Assad, nay thậm chí đã ký được một thỏa thuận về khai thác dầu mỏ.

tin nhap 20160908205040
Biếm họa về sự cố ở sân bay Hàng Châu với đoàn của Tổng thống Mỹ Obama

Một điều ngạc nhiên khác đối với Le Monde là Tổng thống Nga đã ghi nhận “sự thành thật” của Tổng thống Mỹ Obama trong việc tìm giải pháp cho vấn đề Syria. Nguyên thủ hai nước Nga và Mỹ đã hội đàm trong vòng một tiếng rưỡi, dù trước đó, cho tới tận phút chót, hai bên vẫn không khẳng định được cuộc gặp gỡ này có diễn ra được hay không.

Tờ nhật báo hàng đầu của Pháp thậm chí còn viết “Mưu sự tại người châu Âu, thành sự tại Tổng thống Nga” để nói đến cuộc gặp bốn bên Pháp, Đức, Nga và Ukraina để giải quyết vấn đề về Ukraina bên lề G20. Ông Putin cũng rất tự tin vào bản thân, không vội vàng khi giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.

Tại Hàng Châu, Tổng thống Nga đã phát ra các tín hiệu cho thấy ông cũng xoay trục sang châu Á giống như Tổng thống Mỹ Obama. Ngay trước khi đến Hàng Châu dự G20, ông Putin đã làm cho Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tin vào khả năng có giải pháp cho tranh chấp lãnh thổ trên quần đảo Kuril tại hội nghị thượng đỉnh kinh tế ở Vladivostok.

Ông Putin cũng đã công khai thể hiện tình đoàn kết với Trung Quốc khi cùng Chủ tịch Tập Cận Bình luôn song hành và dẫn đầu trong các hoạt động chung. Đây rõ ràng là sự “sắp xếp” của Trung Quốc- theo truyền thông phương Tây. Nhiều kênh truyền hình Mỹ tỏ ra “ghen tức”, thậm chí còn nâng quan điểm rằng Trung Quốc cố tình “dìm hàng” Obama.

Nh.Thạch

AP, AFP