Dự án xe buýt nhanh BRT lại... quá chậm?

07:20 | 10/04/2016

1,048 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dự án xe buýt nhanh (BRT) đầu tiên trên địa bàn thủ đô được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khởi công xây dựng năm 2013. Dự án có tổng vốn đầu tư 49 triệu USD (tương đương khoảng 1.000 tỉ đồng), dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác đầu năm 2015. Kế hoạch là vậy nhưng đến nay dự án này vẫn túc tắc triển khai, nhiều người dí dỏm cho rằng, đây là dự án “xe buýt chậm”.  

Lời hứa quá đẹp

BRT là viết tắt của Bus Rapid Transit - một loại hình giao thông công cộng sử dụng xe buýt có làn đường riêng và hệ thống giao thông ưu tiên hỗ trợ, tạo ra tốc độ di chuyển nhanh hơn và tần suất vận tải lớn hơn. Dự án khởi động, rất nhiều người đã hy họng khi hoàn thành và đi vào sử dụng, dự án này sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân thủ đô vốn “khó tính” với phương tiện công cộng.

Theo thiết kế, xe buýt nhanh khác biệt so với xe buýt hiện tại, xe có chiều rộng 2,5m, dài 12m, sàn cao 65cm và có 4 cửa bên trái lên xuống, mỗi chiếc xe buýt nhanh có thể chở được 90 hành khách. Tuyến buýt BRT sẽ được đầu tư 35 xe phục vụ hành khách (trong đó có 27 chiếc sẽ tham gia hoạt động, 8 xe dự phòng - PV). Với những khác biệt kể trên, xe buýt BRT cũng không sử dụng vé xé trực tiếp như hiện tại mà sử dụng vé thẻ thông minh.

du an xe buyt nhanh brt lai qua cham
Nhà chờ xe buýt nhanh được xây dựng nhưng vẫn đang "đắp chiếu"

Tại các điểm đỗ dừng đều có nhân viên chốt trực và bố trí máy quẹt thẻ. Hành khách đi xe phải quẹt thẻ trước khi lên xe. Tuyến buýt BRT đầu tiên này sẽ có lộ trình từ Bến xe Kim Mã - Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương kéo dài - Lê Trọng Tấn - Quang Trung - Ba La - Bến xe Yên Nghĩa với tổng chiều dài hơn 14 km.

Cách đây 3 năm, vào thời điểm bắt đầu khởi công dự án, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội khẳng định với phóng viên Báo Năng lượng Mới rằng: Điểm khác biệt của tuyến xe buýt nhanh so với những xe buýt hiện hành là nhà chờ cho hành khách được xây dựng ở dải phân cách giữa làn đường, cửa xe buýt sẽ mở ở bên trái, người đi bộ phải đi từ vỉa hè sang nhà chờ bằng cầu vượt hoặc dùng đèn tín hiệu. Để đảm bảo tần suất 5 phút mỗi chuyến, Hà Nội quyết định làm làn đường riêng rộng hơn 3m cho xe buýt nhanh.

Dự kiến tuyến xe buýt này sẽ hoàn thành vào năm 2015. Với năng lực vận chuyển khoảng 2.000 hành khách/giờ/hướng, tuyến buýt nhanh này sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông cho những tuyến đường mà nó đi qua. Không những thế, buýt nhanh sẽ khắc phục được tình trạng lộn xộn, trộm cắp ở những trạm và trên xe buýt hiện nay. Xe buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa cũng sẽ được sử dụng nhiên liệu sạch, do vậy nó không xả ra khói đen...

Với những lý lẽ nêu trên, đại diện Ban Quản lý Dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội cũng tiết lộ: “Sau khi đi vào hoạt động, tuyến buýt nhanh này sẽ bàn giao cho Tổng Công ty Vận tải Hà Nội vận hành, giá vé đi xe buýt nhanh sẽ tương đương với vé của các tuyến xe buýt hiện tại.

Nhưng đó là những lời hứa hẹn từ 3 năm trước, khi họ mới đặt viên gạch đầu tiên xây dựng dự án xe buýt nhanh. Giờ đây, dự án buýt nhanh BRT vẫn chưa hoàn thành, người dân chưa được hưởng lợi thì những hạng mục đã làm xong như nhà chờ xe buýt lại đang phủ một lớp bụi dày cộm, cơ sở vật chất đang xuống cấp, nhiều đoạn đường bị đào bới nên diện tích mặt đường bị thu nhỏ khiến người dân gặp khó khăn khi lưu thông. Không những thế, quá trình thi công làn đường riêng cũng gây ra những hệ lụy đáng tiếc, thậm chí cả tính mạng người đi đường. Nhiều đoạn ở nhà chờ trên phố Tố Hữu, đoạn mới được đổ bê tông cao hơn so với mặt đường nhựa 3-5cm, tạo thành gờ và rãnh sâu kéo dài, rất nguy hiểm cho người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông. Điển hình, sáng 21-4-2015. Chị Tống Thu Thủy (ở Lai Châu) đi xe máy trên đường Tố Hữu, khi đến đoạn đang thi công gần nhà chờ xe buýt nhanh, chị đã đâm phải gờ tiếp giáp của đường bê tông với đường nhựa, ngã xuống đường và bị xe tải phía sau không kịp hãm phanh, cán qua người…

Hãy đợi đấy!

Đích hoàn thành tiến độ dự án buýt nhanh BRT trôi qua hơn 1 năm, thế nhưng đến nay “đại công trình” này vẫn còn ngổn ngang và chưa biết đến bao giờ mới có thể vận hành phục vụ người dân. Trước thực trạng này, ngày 31-3 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có báo cáo giải trình những vấn đề liên quan đến dự án xe buýt nhanh BRT chậm tiến độ. Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội phải giải trình về dự án này. Ở lần giải trình trước (tháng 8-2013), dư luận cho rằng đơn vị thi công “bóc” từng đoạn đường trên đường Lê Văn Lương lên để làm đường mới dành riêng cho buýt nhanh là lãng phí.

Ở thời điểm đó, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn giải thích: “Có 3,3km trên tổng chiều dài 14,7km toàn tuyến là đường cũ không đáp ứng yêu cầu và các vị trí nhà chờ đã phải đào thay thế bằng mặt đường bê tông xi măng”. Nói rõ hơn về việc phải bóc đường cũ làm đường mới, ông Tuấn cho biết: “Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải về bảo trì đường bộ, các đoạn đường mà dự án BRT bóc lên đều đã đến thời hạn phải tiến hành sửa chữa lớn, cụ thể đoạn phố Giảng Võ - Láng Hạ được xây dựng từ khoảng năm 1985, đoạn phố Lê Văn Lương xây dựng vào năm 2003”.

Trở lại với những lý giải vì sao dự án xe buýt nhanh lại ì ạch, nhà chức trách Hà Nội cho rằng, nguyên nhân là do quá trình thực hiện phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội. Điều chỉnh hướng của tuyến cho phù hợp với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Quá trình triển khai thi công gặp rất nhiều khó khăn do mặt đường chật hẹp nhưng mật độ, lưu lượng giao thông lớn, công trình chủ yếu thi công vào ban đêm…

Một nguyên nhân khác là do loại hình vận tải hành khách công cộng này lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, chưa có tiêu chuẩn thiết kế riêng nên trong quá trình lập và phê duyệt thiết kế phải tham khảo thiết kế của nước ngoài xong phải đảm bảo phù hợp với đặc điểm giao thông của người dân… Đến nay, dự án điều chỉnh đã được Bộ Xây dựng thẩm định, thành phố Hà Nội phê duyệt, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.

Các nguyên nhân chậm tiến độ đã được chủ đầu tư báo cáo giải trình khi trình gia hạn hiệp định tín dụng và trình phê duyệt điều chỉnh dự án. Ngoài ra, chủ đầu tư đã tập trung khắc phục và chỉ đạo các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2016.

Tính đến thời điểm hiện tại, các hạng mục công việc đã thực hiện trong hợp phần xe buýt BRT, như thi công xong trạm trung chuyển Bến xe Kim Mã; thi công xong trạm đầu cuối Bến xe Yên Nghĩa; xây dựng xong 4 cầu vượt tiếp cận nhà chờ; xây dựng cơ bản xong các hạng mục chính của 21/21 nhà chờ; xây dựng xong khu depot trong Bến xe Yên Nghĩa…

Một số hạng mục đang thi công như mở rộng đường đoạn từ Ba La đến Bến xe Yên Nghĩa, xây dựng bổ sung 4 cầu đi bộ tại các nhà chờ, triển khai gói thầu mua sắm thiết bị thẻ vé, đoàn xe.

Dự án xe buýt nhanh Hanoi BRT là một hợp phần nằm trong dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 1837/QĐ-UBND ngày 10-5-2007 và sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới. Dự án này được coi là bước đi quan trọng trong việc hoàn thiện mạng lưới đường giao thông đô thị, nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng của TP Hà Nội. Hệ thống xe buýt nhanh Hanoi BRT do Ban Quản lý Dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội triển khai xây dựng.

Thiên Minh - Xuân Hinh

Năng lượng Mới 511